Ngân hàng số tạo phong cách tiêu dùng mới

16:27 | 26/10/2020

Với mục tiêu đem đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng đáp ứng những phong cách tiêu dùng mới của khách hàng, nhiều ngân hàng đã và đang nỗ lực chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Trong đó, đẩy nhanh tốc độ số hoá, đồng nhất các trải nghiệm trên tất cả các kênh thanh toán là lựa chọn được ưu tiên nhất.

ngan hang so tao phong cach tieu dung moi
Ảnh minh hoạ

Đa dạng phong cách tiêu dùng mới

Các chuyên gia nhận định, mỗi bước tiến về công nghệ trong ngân hàng số đều sẽ tạo ra một phong cách tiêu dùng mới cho khách hàng, đặc biệt là các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Trên thực tế, hình thức thanh toán này đã tạo ra phong cách tiêu dùng nhanh, tiết kiệm cả thời gian và chi phí, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi, yêu thích công nghệ và thích cập nhật nhanh những xu hướng mới.

Để đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng, nhiều ngân hàng này đã không ngừng cập nhật, phát triển những tính năng mới và đưa vào hoạt động dịch vụ hiện đại của ngân hàng.

Mới đây, Vietcombank kết hợp với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) ra mắt phiếu mua hàng dưới hình thức Giftcard. Đây là phiếu mua hàng dưới dạng thẻ nhựa, mệnh giá từ 1-5 triệu đồng, thời hạn sử dụng lên đến 6 tháng, không hạn chế số lần sử dụng trong ngày và được hưởng đầy đủ các quyền lợi như thanh toán bằng tiền mặt gồm mua hàng giảm giá khuyến mãi, tích điểm thưởng, xuất hóa đơn VAT…

Hay VPBank đã hợp tác cùng Shopee, Visa ra mắt thẻ tín dụng đồng thương hiệu. Theo đó, chủ thẻ sẽ nhận được nhiều quyền lợi độc quyền như miễn phí giao hàng quanh năm, hoàn tiền đến 10% khi thanh toán tại Shopee, NowFood, Grab... cùng nhiều quà tặng trực tuyến, trải nghiệm kỹ thuật số tiên tiến.

Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân VPBank, cho biết thông qua quy trình được số hóa 100%, người dùng có thể đăng ký mở thẻ ngay trên ứng dụng Shopee, được VPBank cung cấp một thẻ ảo để chi tiêu sau 1-2 giờ. Qua đó, người dùng có thể tận dụng ưu đãi trong những sự kiện mua sắm lớn của Shopee mà không cần chờ đợi thẻ vật lý thông thường.

Không chỉ vậy, sự xuất của thanh toán qua mã QR, ví điện tử thời gian qua cũng tạo ra thói quen thanh toán “hai không” trong giới trẻ, dân văn phòng tại thành phố lớn, đó là không ví tiền, không thẻ mà chỉ cần mang theo điện thoại.

Chị Nguyễn Phương Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, với một chiếc điện thoại có app ngân hàng, bạn không còn phải bận tâm vì nhớ nhớ quên quên mang theo ví, thẻ ngân hàng hay tiền mặt nữa. Khi mua sắm trực tuyến, thanh toán qua mã QR, các giao dịch quen thuộc như tiền điện, nước… cũng đều thực hiện ngay trên app ngân hàng.

Ngân hàng mở rộng chuyển đổi số

Việc nhiều ngân hàng tích cực chuyển đổi số để đồng nhất các trải nghiệm trên tất cả các kênh thanh toán phù hợp với xu thế tiêu dùng mới của khách hàng. Bởi, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%. Giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày.

Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank: Với mục tiêu đem đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, chúng tôi đã nỗ lực chuyển đổi số cũng như đồng nhất các trải nghiệm trên tất cả các kênh để khi khách hàng giao dịch trên bất cứ kênh nào từ điểm giao dịch truyền thống đến LiveBank, app TPBank đều có trải nghiệm giống nhau.

Vietcombank cũng triển khai đồng nhất các nền tảng giao dịch số trên Internet Banking, Mobile Banking và ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank. Theo đó, Vietcombank đồng nhất tài khoản đăng nhập, mật khẩu, hạn mức giao dịch trực tuyến của khách hàng, giao diện và thiết kế ứng dụng…

Chia sẻ với báo chí, ông Đào Minh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho viết, chuyển đối số là một trong những động lực quan trọng đối với tăng trưởng của Ngân hàng và đang được chúng tôi thực thi mạnh mẽ.

Ngoài ra, phương châm hoạt động “chậm mà chắc” của nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành, nghề có những lợi thế khác nhau. Tuy nhiên, đối với hoạt động tài chính - ngân hàng, nhiều chuyên gia nhận định nếu chậm để chắc, không bắt kịp xu hướng số hoá thì đồng nghĩa với việc mất thị phần và khách hàng.

Vì vậy, vị chuyên gia này khẳng định “nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định”.

Hương Giang

Tin đọc nhiều