Ngân hàng tăng cường cho vay thấu chi

08:33 | 06/09/2023

Với việc tích hợp công nghệ và kiểm soát tốt dữ liệu khách hàng, nhiều ngân hàng đang thúc đẩy mạnh các sản phẩm cho vay thấu chi, cho vay trực tuyến linh hoạt đối với cá nhân và doanh nghiệp.

Agribank vừa đồng loạt tung ra 6 gói sản phẩm cho vay thấu chi phù hợp với từng nhóm khách hàng. Trong đó, khách hàng không quá 70 tuổi hoặc không có nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) sẽ được ngân hàng xem xét cho vay thấu chi tối đa 12 tháng với hạn mức đa dạng.

Cụ thể, đối với nhóm khách hàng cá nhân vay theo thu nhập từ tiền lương, ngân hàng này cấp hạn mức thấu chi tối đa 800 triệu đồng. Trường hợp khách hàng có tài sản đảm bảo bằng trái phiếu (Agribank phát hành), có số dư tiền gửi tại ngân hàng này hoặc thế chấp bất động sản, ngân hàng cho vay linh hoạt dựa trên nhu cầu vay vốn và kết quả định giá tài sản. Hạn mức tối đa các khoảng vay này có thể đạt 5 tỷ đồng/khách hàng cá nhân, hoặc 50% giá trị tài sản bảo đảm.

Đối với khách hàng pháp nhân (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác), Agribank cũng áp dụng điều kiện vay tương tự, nhưng hạn mức cao hơn, tối đa 20 tỷ đồng (đối với nhóm khách hàng pháp nhân có tài sản bảo đảm là trái phiếu của ngân hàng này hoặc số dư tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng) và 5 tỷ đồng (đối với nhóm doanh nghiệp có tài sản đảm bảo là bất động sản).

ngan hang tang cuong cho vay thau chi
Ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo thêm nhiều tiện ích cho khách hàng

Không chỉ Agribank, nhiều NHTM đều đã tung ra các sản phẩm cho vay thấu chi với hạn mức và thời hạn cho vay linh hoạt. Chẳng hạn, HDBank mới đây đã phối hợp với VNPT Money triển khai chương trình cho vay thấu chi có khuyến mại hoàn tiền khi thanh toán không dùng tiền mặt, hạn mức tối đa 200 triệu đồng/khoản vay.

SHB đồng thời triển khai nhiều ưu đãi cho khách hàng là cán bộ, công nhân viên các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có hạn mức cho vay thấu chi tối đa 500 triệu đồng/người.

Techcombank có sản phẩm cho vay thấu chi không có tài sản đảm bảo (F2) cho phép các khách hàng ưu tiên được vay thấu chi tối đa 150 triệu đồng không cần chứng minh thu nhập.

Trong khi đó, VIB, MB, ACB… cũng đang có các sản phẩm tương tự. Hạn mức vay thấu chi online tối đa qua App của MB là 50 triệu đồng; của VIB là 500 triệu đồng và ACB là 100 triệu đồng.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hiện nay các TCTD đều ứng dụng công nghệ số hóa hỗ trợ trong hoạt động cho vay trực tuyến không cần tài sản đảm bảo và cho vay thấu chi. Các khâu đoạn xác thực, định danh, chấm điểm và sàng lọc khách hàng đều đang được tiến hành rất nhanh chóng.

Tại Agribank, ngân hàng này đang áp dụng công nghệ tự động trong quá trình khởi tạo khoản vay, quản lý nợ có vấn đề, quản lý tài sản đảm bảo và thu nợ tự động.

Trong khi đó, TPBank áp dụng công nghệ thẩm định và xét duyệt tín dụng trên hệ thống luân chuyển hồ sơ và phê duyệt tín dụng nội bộ (thay vì các hồ sơ bản cứng trước đây).

Là một trong những ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đại diện MSB cho biết, ngân hàng này đang thí điểm việc tích hợp thông tin khách hàng có sẵn từ các kênh khác nhau, sau đó tự động chấm điểm mức độ tín nhiệm, đo lường xác suất vỡ nợ của khách hàng theo lô và áp dụng phê duyệt trước đối với các khoản vay thấu chi tự động trên Mobile App cho khách hàng là công nhân viên chức.

Tương tự VPBank, cũng đang triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi đối với khách hàng doanh nghiệp trực tuyến, đống thời cho phép khách hàng cá nhân đăng ký vay mua xe ô tô ngay tại đại lý ô tô và biết kết quả phê duyệt sau 5 phút.

Ứng dụng liên kết giữa VPBank với các đối tác bán lẻ cũng cho phép cán bộ bán hàng gặp trực tiếp khách hàng, thực hiện nhập liệu thông tin, nhận diện khách hàng và trình hồ sơ chứng từ trực tuyến…

Tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 1/9/2023) có quy định về cho vay bằng phương tiện điện tử. Thông tư này chính là hành lang pháp lý để các ngân hàng triển khai đại trà, áp dụng rộng rãi phương tiện điện tử vào quy trình cho vay. Đồng thời cũng chính là động lực để các ngân hàng tiếp tục đầu tư phát triển đa dạng hóa các sản phẩm cho vay trực tuyến, “may đo” theo nhu cầu tài chính của từng tệp, nhóm khách hàng.

Trong một vài năm tới, với xu hướng phát triển nhanh của các hệ sinh thái ngân hàng số, hoạt động cạnh tranh trong mảng tín dụng tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối các thông tin khách hàng liên quan đến nghĩa vụ tài chính (thuế, phí) cũng như các dữ liệu về dòng tiền của khách hàng sẽ là nền tảng để các ngân hàng và các fintech hoặc đối tác thứ ba kết hợp, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tài chính tín dụng tiện lợi theo hướng giao dịch trực tuyến, cho vay thấu chi, cho vay không cần tài sản đảm bảo, kể cả các khoản vay có giá trị lớn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều