Ngân hàng tăng tính cạnh tranh bằng AI

10:31 | 04/10/2022

Tại Việt Nam, các ngân hàng đã nhận thức rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong tiến trình số hóa của mình, nhiều ngân hàng đang sử dụng AI trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện hiệu quả kinh doanh, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới và đảm bảo an toàn an ninh cao hơn.

Báo cáo gần nhất của Accenture cho thấy, có hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng tìm đến AI với phong thái thăm dò, thử nghiệm, trong đó chỉ 12% sử dụng ở mức độ trưởng thành (ứng dụng bề mặt). Đặc biệt, các công ty này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI.

ngan hang tang tinh canh tranh bang ai
Ứng dụng công nghệ giúp ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích.

Nói về hiệu quả khi ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng, TS. Châu Đình Linh - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, ứng dụng AI sẽ thay đổi hoàn toàn trải nghiệm và nâng cao tính cá nhân hóa khách hàng. Qua việc tăng khả năng thu thập dữ liệu người dùng, ngân hàng sẽ cung cấp đa dạng các kênh phân phối tự phục vụ và tương tác cá nhân tới khách hàng, xây dựng sản phẩm linh hoạt phù hợp với từng phân khúc khách hàng. Bên cạnh đó, đảm bảo dữ liệu được thông suốt, hỗ trợ ngân hàng ra quyết định dễ dàng hơn đơn cử như trong lĩnh vực cấp tín dụng.

Trước đây, các nhà quản lý ngân hàng gặp không ít khó khăn trong quá trình ra quyết định vì khối lượng hồ sơ phê duyệt nhiều. AI sẽ khắc phục điều này khi giúp ngân hàng có thể xử lý một số lượng lớn hồ sơ, thay vì tập trung hồ sơ cho một vài người. Mặt khác, hoạt động cấp tín dụng sẽ được định lượng, định tính rõ ràng, ngân hàng quản lý rủi ro tốt hơn. Đặc biệt, AI còn có thể phát hiện cả nợ quá hạn tiềm tàng thông qua phân tích dữ liệu và đưa ra cảnh báo sớm các rủi ro này.

Thực tế, tại Việt Nam, các ngân hàng cũng đã nhận thức rõ vai trò của AI trong tiến trình số hoá của mình, nhiều ngân hàng đang sử dụng AI trong các hoạt động nghiệp vụ nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện hiệu quả kinh doanh, tạo ra sản phẩm dịch vụ mới và đảm bảo an toàn an ninh cao hơn.

Đơn cử như Chatbot được xem là ứng dụng đầu tiên và dễ thấy nhất sức ảnh hưởng của AI được áp dụng trong hoạt động của ngân hàng mà không cần đến sự can thiệp của nhân viên, hiện đã được nhiều nhà băng áp dụng. Các chatbot được hỗ trợ bởi AI, tương tác với khách hàng theo cách giống như con người, cung cấp, hướng dẫn tài chính cho khách hàng của ngân hàng thông qua tin nhắn thoại và văn bản, truy cập dịch vụ 24/7.

Hay như Nam A Bank đã đưa robot OPBA vào phục vụ khách hàng. Robot OPBA tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu của khách thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy. Với những cử động đã được lập trình, robot này có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID, chủ động chào hỏi hỗ trợ người đến giao dịch. Đặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, robot sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch theo đúng nhu cầu.

Tại TPBank, nhà băng này cũng vận dụng AI với công nghệ nhận diện khuôn mặt trên kênh ngân hàng tự động LiveBank. Nhờ đó khách hàng không cần phải mang theo thẻ hay chứng minh thư, thậm chí cũng không cần phải nhớ bất kỳ thông tin nào khác như số thẻ, mã PIN.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhà băng Việt mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm và thăm dò, một số ít thì ứng dụng vào hoạt động nhưng mới chỉ thực hiện ở một vài bộ phận như hoạt động thanh toán, phòng giao dịch không người… Cuộc cạnh tranh số hoá ngày càng khốc liệt cùng với nhu cầu trải nghiệm mới từ người dùng đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư quan tâm ngay từ bây giờ để khai thác hiệu quả giá trị AI, tăng tính cạnh tranh thông qua việc ứng dụng công nghệ chatbot, voicebot và các công nghệ khác để thay thế các phương tiện truyền thống. Ứng dụng AI cần tập trung vào trải nghiệm khách hàng nhiều hơn.

Theo ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel quy trình đưa AI vào hoạt động của các ngân hàng đạt hiệu quả gồm 6 bước: xây dựng chiến lược; ưu tiên các ứng dụng AI; xây dựng các mẫu thử nghiệm AI; ứng dụng AI một cách chủ động; triển khai mở rộng quy mô ứng dụng; và cuối cùng là nâng cao tính bền vững của AI.

Việc sớm ứng dụng AI là điều tất yếu, nhưng TS. Châu Đình Linh lưu ý ngân hàng không ứng dụng AI một cách nóng vội. Trước hết các ngân hàng phải xây dựng kho dữ liệu của khách hàng. Việc này cần thời gian và phải triển khai thực hiện một cách bài bản.

Nếu không có dữ liệu lớn, theo TS. Linh việc ứng dụng AI sẽ trở nên vô ích. Vì vậy, ngân hàng cần dùng nhiều chiến lược khác nhau để hút khách hàng về phía mình, đáp ứng đa dạng nhất các dịch vụ, sản phẩm tài chính cho khách hàng và đảm bảo họ được “may đo” các sản phẩm, dịch vụ riêng, đúng theo tiêu chí khách hàng là trọng tâm. Lúc này, người dùng sẽ thực hiện tất cả các hoạt động tại ngân hàng, từ đó tạo ra một cơ sở dữ liệu lớn và đầy đủ về khách hàng.

“Có được dữ liệu, ngân hàng mới có thể áp dụng các bộ tiêu chí thẩm định khách hàng; hay sáng tạo ra sản phẩm tài chính mới phù hợp với người dùng. Muốn vậy phải có thời gian và nền tảng chuyển đổi số vững chắc, chứ ngân hàng không thể một bước tiến ngay đến áp dụng AI”, ông Linh nhấn mạnh.

Quỳnh Trang

Tin đọc nhiều