Ngân hàng “thắng lớn” nhờ dịch vụ

08:00 | 05/08/2019

Ngân hàng bán lẻ đang trở thành một sân chơi lớn của các NHTM Việt Nam...

Xài dịch vụ tài chính trọn gói, lợi gấp đôi
Làm thế nào để sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách thông minh?
ngan hang thang lon nho dich vu
Thị trường dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết

Để chiếm lĩnh thị trường, các ngân hàng đua nhau tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, áp dụng các công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của hầu hết NHTM rất khả quan. Báo cáo của các ngân hàng cho thấy doanh thu và lợi nhuận, nhất là nguồn thu từ dịch vụ có mức tăng trưởng tốt.

Đơn cử ở khối các NHTM nhà nước, Vietcombank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất với lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 2.145 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian này, lãi từ hoạt động dịch vụ của BIDV cũng đạt 1.968 tỷ đồng, tăng 14,4%; VietinBank đạt 1.955 tỷ đồng, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng thu từ dịch vụ của các NHTMCP còn cao hơn. Chẳng hạn MB cũng ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.813 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ. Trong khi TPB cũng thu lãi thuần 485 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, tăng 98,5% so với cùng kỳ. Thậm chí VIB ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng tới 142% so với cùng kỳ năm trước, đạt 764 tỷ đồng. Mảng dịch vụ quý II/2019 của LienViet PostBank ghi nhận khoản lãi hơn 69 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần quý II/2018, nâng lợi nhuận lũy kế 6 tháng lên hơn 104 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.

Các mảng kinh doanh phi tín dụng của các nhà băng như kinh doanh ngoại hối cũng tăng trưởng tích cực. Chẳng hạn như Vietcombank, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối 6 tháng đạt 1.628 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ; VietinBank cũng thu lãi từ kinh doanh ngoại hối gấp hơn 2 lần cùng kỳ 2018, đạt 787 tỷ đồng…

TS-LS. Bùi Quang Tín - Chuyên gia tài chính cho rằng, hiện nay nguồn thu của các ngân hàng đang chuyển dịch nguồn thu từ tín dụng sang nguồn thu dịch vụ. Điển hình nhất là các nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các NHTM cũng đang đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại cho doanh nghiệp; cũng như bán chéo sản phẩm mà nổi lên là bancassurance.

Dịch vụ mới, công nghệ cao

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, ở các ngân hàng, việc cải tiến công nghệ, áp dụng công nghệ mới trong dịch vụ luôn được chú trọng. Theo đó, các ngân hàng đang đẩy mạnh kết hợp với các công ty Fintech, Bigtech, để cung cấp những dịch vụ liên quan đến thanh toán, ngoài ra còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ bán lẻ.

Với các ngân hàng, đơn cử như Vietcombank nguồn thu nhập từ tín dụng vẫn là “xương sống” với 32.802 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thu từ dịch vụ cũng đang tăng dần theo thời gian. Để đạt được kết quả này, Vietcombank đã chú trọng tới việc áp dụng các công nghệ mới để gia tăng tiện ích cũng như tính trải nghiệm khi khách hàng sử dụng dịch vụ. Vietcombank nhanh chóng bắt tay với MoMo, ví điện tử được thí điểm từ năm 2009 và hiện sở hữu số lượng người đăng ký nhiều nhất tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Vietcombank còn phát triển nhiều dịch vụ mới như Vietcombank PAY, dịch vụ mới thuộc hệ sinh thái Mobile Banking.

Ở khối các NHTM tầm trung, nguồn thu chủ yếu đến từ các công ty tài chính và hoạt động liên kết bán bảo hiểm. Đơn cử, VPBank có lợi thế đến từ công ty tài chính FE Credit - công ty con của ngân hàng. FE Credit duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, số lượng giải ngân trong ba tháng đầu năm của công ty tài chính tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. MB đẩy mạnh mảng kinh doanh bảo hiểm khi hoạt động này có lãi tới 1.042 tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức đạt được cùng kỳ.

Ngoài ra, lợi thế của MB còn đến từ việc kết hợp cùng Viettel để triển khai dịch vụ Bankplus, chuyển tiền tại nhà. MB cũng tham gia vào nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu cho các đối tác của Viettel. Đối với HDBank, với lợi thế mạng lưới khách hàng từ HDSaison và Vietjet mang lại, ngân hàng này có cơ hội “phủ sóng” các sản phẩm, dịch vụ đến hàng chục triệu khách hàng đã, đang sử dụng dịch vụ của HDSaison và Vietjet.

Chuyên nghiệp hơn trong việc phục vụ phân khúc khách hàng cao cấp cũng đang là hướng đi mới của ngân hàng khi không ít người Việt Nam hiện có thu nhập rất cao. Không còn tên gọi chung là khách hàng VIP mà các NHTM đã có sự phân loại đối tượng khách hàng chi tiết hơn với những sản phẩm, dịch vụ được “đo ni đóng giầy“ như: Techcombank Piority, VP Pank Diamond, MB Private, BIDV Premier…

TS-LS. Bùi Quang Tín dự báo: nguồn thu của các ngân hàng sẽ dịch chuyển mạnh mẽ hơn từ tín dụng qua dịch vụ. Thứ hai là các ngân hàng bán lẻ sẽ phải nhanh chóng tuân thủ những chuẩn mực về quản trị, quản lý trong Basel II. Thứ ba là dù tung ra bao nhiêu sản phẩm, các ngân hàng cũng phải tăng tính trải nghiệm, thoải mái, tiện ích cho khách hàng và có một mức phí cạnh tranh nhất...

Trang Quỳnh

Tin đọc nhiều