Ngân hàng Việt đầu tiên cho phép giao dịch bằng nhận diện khuôn mặt

09:25 | 02/07/2020

Mới đây, TPBank đã chính thức cập nhật thêm công nghệ nhận diện khuôn mặt trên kênh ngân hàng tự động LiveBank. Đây được coi là một bước tiến lớn để nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại vô vàn tiện lợi trong giao dịch mà vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.

ngan hang viet dau tien cho phep giao dich bang nhan dien khuon mat

Nhận diện khách hàng chỉ trong vòng 3s

Liên tục cập nhật và phát triển tính năng mới để hỗ trợ khách hàng, nâng cao sự thuận tiện trong giao dịch, ngày 01/07/2020, TPBank ra mắt tính năng nhận diện khuôn mặt trên ngân hàng tự động LiveBank.

Theo đó, khi giao dịch bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt, khách hàng không cần phải mang theo thẻ hay chứng minh thư, thậm chí cũng không cần phải nhớ bất kỳ thông tin nào khác như số thẻ, mã PIN.

Chỉ cần đứng trước máy, nhìn vào camera, máy sẽ nhận diện trong 3s và xác nhận thêm vân tay là bạn đã hoàn thành bước đăng nhập để thực hiện mọi giao dịch. Trong khi Face ID của Apple chỉ có thể so sánh duy nhất một khuôn mặt lưu trữ sẵn trong thiết bị di động thì công nghệ nhận diện khuôn mặt của LiveBank vượt trội hơn khi cho phép phân biệt bạn với hàng triệu người khác trong hệ thống dữ liệu.

Công nghệ này sử dụng Depth Camera có chức năng Liveness check (đảm bảo người thật, chống mạo danh bằng ảnh hay video) và sử dụng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) để nắm bắt dữ liệu khuôn mặt chính xác bằng cách chiếu và phân tích hơn hàng chục ngàn chấm ảnh để tạo ra một bản đồ độ sâu khuôn mặt, xác định các góc cạnh của khuôn mặt, hình dáng và vị trí mắt, phát hiện chuyển động… và ghi nhận hình ảnh của khách hàng, lưu trữ trong hệ thống.

Chuyên gia Ngân hàng số từ TPBank cho biết: “Chúng tôi muốn đem đến sự thuận tiện nhất cho khách hàng. Bạn chỉ cần quét mặt lên camera, sau đó xác nhận thêm bằng vân tay (bước xác thực thứ hai) để gia tăng sự chính xác. Các thao tác này đảm bảo an toàn tuyệt đối và bảo mật cho khách hàng, tránh tình trạng bị lộ thông tin thẻ, mật khẩu. Công nghệ này cũng giúp TPBank hạn chế tối đa việc khách hàng mở tài khoản ảo hay dùng chứng minh thư giả, tư lợi cá nhân”.

Hiện mới chỉ có một số nước phát triển sử dụng giải pháp xác thực danh tính này tại cây ATM. Ở Việt Nam thì “TPBank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất phát triển giải pháp này”, vị chuyên gia này chia sẻ thêm.

Công nghệ số ngân hàng không thua kém thế giới

Xuất hiện lần đầu tiên năm 2017, TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam triển khai sử dụng hệ thống VTM (Video Teller Machine) với tên gọi LiveBank cho phép khách hàng giao dịch gửi tiền, chuyển tiền, gửi tiết kiệm, mở thẻ… mà không cần làm việc trực tiếp với nhân viên tại quầy.

Hệ thống của LiveBank được diễn ra hoàn toàn tự động hóa với nhiều công nghệ hiện đại tích hợp như: Biometrics – Sinh trắc học, sử dụng công nghệ nhận dạng chữ viết OCR, ứng dụng QR Code; trang bị các thiết bị nhận diện sinh trắc học, dual camera nhận diện thực thể sống; ghi lại toàn cảnh giao dịch… Không chỉ đầu tư về công nghệ, LiveBank còn có những bước phát triển thần tốc. Chỉ sau 3 năm trình làng, đến cuối 2020 dự kiến sẽ có 300 LiveBank “phủ” khắp toàn quốc.

Vượt trội hơn 1 cây ATM thông thường, LiveBank sở hữu nhiều tính năng, dịch vụ liên tục được cập nhật và phát triển để phù hợp với nhu cầu cao của các thượng đế thời công nghệ 4.0. Điển hình với năm 2018, LiveBank cập nhật tính năng giao dịch bằng vân tay, giúp người dùng trải nghiệm phương thức giao dịch mới, tiện lợi và an toàn vì vân tay là không thể làm giả hay trùng nhau, ngay cả với anh em sinh đôi.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết: “Chúng tôi đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số”. Chiến lược đầu tư này không chỉ đơn thuần mang về hiệu quả kinh doanh như việc mỗi tháng có thêm hàng chục nghìn khách hàng mới mở tài khoản, phát hành thẻ trên kênh này mà còn là nỗ lực mang lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng, gắn kết với người dùng và đem đến những dịch vụ ngân hàng hiện đại không thua kém thế giới.

ĐP

Tin đọc nhiều