Ngân hàng với cơ hội từ ứng dụng chữ ký số từ xa

14:18 | 16/11/2021

Chữ ký số từ xa (Remote Signing) là một dạng chữ ký số kiểu mới, sử dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud based) để ký mà không cần bất cứ thiết bị phần cứng nào. Nhờ đó, người dùng có thể ký mọi lúc, mọi nơi ngay trên thiết bị di động của mình.

Dù mới chỉ được phát triển trên thế giới chưa lâu, chữ ký số từ xa đã nhanh chóng được chứng minh tính hiệu quả, bảo mật trên các giao dịch điện tử, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo trực tuyến “Chữ ký số cá nhân: Đón đầu cơ hội cho ngành Tài chính - Ngân hàng” diễn ra sáng nay (16/11).
ngan hang voi co hoi tu ung dung chu ky so tu xa
Ngân hàng đón cơ hội từ ứng dụng chữ ký số từ xa

Sẵn sàng cho giải pháp chữ ký số

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, việc lấy người dân làm trung tâm của chuyển đối số và đề ra yêu cầu định danh công dân để hỗ trợ cho các giao dịch điện tử được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết một trong những hành động cụ thể và quan trọng nhất đã được triển khai đó là khuyến khích người dân đưa mọi hoạt động của mình lên môi trường số, trong đó có sử dụng chữ ký số đơn giản, chi phí thấp và dễ sử dụng. Đến nay, đã có 3 đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa và sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã sẵn sàng cho giải pháp chữ ký số cho các giao dịch. Ông Phan Thái Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong những năm gần đây, ngành Ngân hàng đặc biệt chú trọng đến an ninh, an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng. Điều này có thể thấy rõ nét nhất khi Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch lớn và nhiều ngân hàng đã triển khai ứng dụng trong các giao dịch chuyển tiền.

Chi phí để ngân hàng đầu tư các thiết bị ứng dụng chữ ký số không phải là nhỏ, nhưng để hướng tới sự tiện lợi cho khách hàng thì các ngân hàng sẵn sàng ứng dụng chữ ký số cho các giao dịch nhỏ lẻ, có giá trị thấp trong thời gian tới.

Là một ngân hàng đang ứng dụng chữ ký số trong hoạt động nội bộ, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng đã áp dụng chữ ký số trong các văn bản được ban hành với chất lượng được bảo đảm.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, VietinBank cũng triển khai chữ ký số trong các giao dịch và hướng tới nhóm khách hàng cá nhân trong thời gian tới. Điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho các ngân hàng phát hành thẻ qua hình thức trực tuyến bằng công nghệ định danh khách hàng điện tử - eKYC. Tuy nhiên, để số hóa hoàn toàn quá trình ứng dụng chữ ký số, các ngân hàng đang rất cần giải pháp từ chữ ký số từ xa.

ngan hang voi co hoi tu ung dung chu ky so tu xa
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo

Hướng đến giải pháp chữ ký số từ xa

Theo các chuyên gia, tính đến thời điểm hiện tại, việc định danh điện tử dành cho các giao dịch thuộc ngành tài chính - ngân hàng… vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của các khách hàng và nhà đầu tư. Đơn cử, khách hàng vẫn phải chờ đợi mã xác thực riêng lẻ cho từng giao dịch, với một số thiết bị phải nhập thủ công mã OTP cũng có thể dẫn đến sai sót.

Trong khi đó, hình thức ký số vẫn chỉ được thực hiện trong nội bộ ngân hàng và vẫn còn phải phụ thuộc vào các thiết bị vật lý lưu trữ mã bí mật (USB token) và các thiết bị kết nối như máy tính, laptop… Hầu hết chữ ký số mới được áp dụng tại các doanh nghiệp có quy mô lớn còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay nhóm cá nhân chưa tiếp cận được dịch vụ này nhiều.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số từ xa, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đánh giá, so với hai hình thức ký số khác bằng USB Token và Sim PKI, chữ ký số từ xa là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do thực hiện được trên đa nền tảng, không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số.

Bên cạnh đó, chữ ký số từ xa mang đến chi phí phù hợp hơn cho doanh nghiệp cung cấp khi phổ cập dịch vụ này đến đông đảo khách hàng; tiết kiệm tối đa chi phí cho người dùng, đặc biệt là người dùng cá nhân khi thực hiện được nhiều giao dịch điện tử từ xa.

“Đặc biệt đối với ngành Ngân hàng, liên quan đến quản trị rủi ro, quản trị nội bộ, quản lý dòng tiền, thì việc sử dụng chữ ký số từ xa là hoàn toàn phù hợp. Mỗi người tham gia sử dụng dịch vụ sẽ càng tăng thêm tính an toàn của cả hệ thống. Ngoài ra, điều này sẽ mở ra cơ hội để triển khai thêm các nền tảng ứng dụng chữ ký số từ xa khác như cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống giao dịch tài chính, bảo hiểm...”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT khẳng định.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, ứng dụng chữ ký số từ xa sẽ giải quyết được đa số những bất cập về chữ ký số hiện nay. Bởi, nếu dùng hai hình thức ký số bằng USB Token và Sim PKI, khách hàng và doanh nghiệp vẫn phải gặp mặt trực tiếp để sử dụng thiết bị vật lý lưu mã khóa. Nhưng với chữ ký số từ xa, việc tạo mã khóa sẽ do nhà cung cấp xử lý thông qua đường truyền bảo mật nên hoàn toàn có thể tạo lập chữ ký và sử dụng trực tuyến. Đến nay, công nghệ xác thực người dùng bằng video, AI… đã “chín muồi” để đảm bảo an toàn trong việc đăng ký chữ ký số trực tuyến.

“Khi các ngân hàng làm trọn vẹn được quá trình ứng dụng chữ ký số sẽ làm giảm giá thành cung cấp dịch vụ, khách hàng sẽ dễ dàng sử dụng dịch vụ hơn. Hơn thế nữa, tính pháp lý của các văn bản được công nhận, tính xác thực của cá nhân ký cũng được củng cố. Đây là yếu tố rất quan trọng trong việc phổ biến chữ ký số đến từng doanh nghiệp, cá nhân”, ông Ngô Diên Hy khẳng định.

Hương Giang

Tin đọc nhiều