Ngành dệt may thu hút công nghệ mới

11:00 | 27/11/2019

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tăng đều, khiến nhiều nhà đầu tư tập trung công nghệ mới vào ngành dệt may Việt Nam

Cân nhắc lựa chọn FDI vào dệt may
Giảm ô nhiễm môi trường: Dệt may hướng tới kinh tế tuần hoàn
Ngành dệt may chưa xáo trộn nhiều vì CMCN 4.0

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Việt Nam hiện nay đã trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới với mức tăng 10,8%/năm 2019. Do phát triển tốt quan hệ hợp tác thương mại lâu dài với nhiều quốc gia trên thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), nên ngành dệt may đã trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư (trang thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại và nguyên phụ liệu mới) đến từ nhiều nước trên thế giới.

nganh det may thu hut cong nghe moi
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tăng đều, khiến nhiều nhà đầu tư tập trung công nghệ mới vào ngành dệt may Việt Nam

Ghi nhận tại 4 triển lãm chuyên ngành dệt may cùng lúc diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mới đây (từ ngày 20 – 23/11/2019) cho thấy, rất nhiều công nghệ mới, giải pháp mới và xu hướng giúp nâng cấp nhiều khía cạnh khác nhau trong toàn bộ chuỗi sản xuất dệt may và da giày tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu.

Các triển lãm có mặt những doanh nghiệp nước ngoài đến từ nhiều quốc gia có thế mạnh về dệt may như Bangladesh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... đã tập trung các nhà cung ứng hàng đầu thế giới, trưng bày và giới thiệu nhiều giải pháp sản xuất tối ưu nhất.

Trong đó có những thương hiệu nổi tiếng như ZSK và Nantex (Cộng hòa Liên bang Đức) và Barudan (Nhật Bản) với công nghệ máy thêu độ phân giải cao; Tajima mang đến máy thêu vi tính mới nhất, với hệ thống quản lý chỉ số thông minh, cùng các thương hiệu máy in màn hình dệt như Heinz Walz, Oz, Bihong, San Sin.

Hay thương hiệu Xiamen Xing-Quanlong (Hong Kong) trình làng máy dệt kim tròn tự động, có tính linh hoạt cao. Đặc biệt, có các thương hiệu vải, chỉ, sợi hàng đầu thế giới đến từ Hàn Quốc do Hiệp hội Thương mại dệt Hàn Quốc (KTTA) giới thiệu.

Hay gian hàng đến từ Ấn Độ do Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, Hội đồng Xuất khẩu dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ, Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt cotton của Ấn Độ phối hợp tổ chức, và gian hàng Đài Loan do Liên đoàn Dệt Đài Loan đã giới thiệu đến doanh nghiệp Việt Nam nguồn nguyên liệu (chỉ, vải sợi…) chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chuyên sản xuất máy cho sản xuất dệt may nổi tiếng như Minglin, Luluxin… (Đài Loan) cũng giới thiệu hàng loạt thiết bị, công nghệ tự động hoá trong lĩnh vực máy móc sản xuất quần áo may sẵn, da giày… Khu vực triển lãm phụ kiện dệt may và ngành công nghiệp nhuộm, hoá chất cũng mang đến những công nghệ, giải pháp mới nhất để phục vụ cho ngành dệt may Việt.

Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Vitas, ngành dệt may dù đang dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, nhưng vẫn đang đối mặt không ít khó khăn vì thiếu nguyên, phụ liệu trong nước và công nghệ sản xuất chưa cao. Nếu doanh nghiệp trong ngành muốn phát triển bền vững, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất, tìm nguồn cung nguyên phụ liệu ổn định, giá cả phù hợp. Như vậy mới đủ năng lực để đón cơ hội dịch chuyển các đơn hàng và đáp ứng các điều kiện miễn giảm thuế từ các FTA mang lại. Tại các triển lãm chuyên ngành dệt may này cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang đón đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.

Các doanh nghiệp Việt trong ngành hiện cũng đang chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để hiện đại hóa các khâu sản xuất. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ trong thiết kế thời trang, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng. Song song với đó, doanh nghiệp vẫn đang liên kết với đối tác, khách hàng trên toàn thế giới để nắm bắt xu hướng, nhu cầu của thị trường đang tiêu thụ. Tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có (cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước), chuẩn bị nguồn lực đổi mới công nghệ.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều