Ngành gỗ trước vận hội mới

09:00 | 14/11/2019

Qua kim ngạch xuất khẩu gỗ 10 tháng đầu năm 2019 vừa qua có thể thấy, doanh nghiệp nội địa trong ngành gỗ hiện đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trước đây. 

Gian lận thương mại là thách thức lớn nhất với ngành gỗ xuất khẩu
Không để tình trạng trục lợi, giả danh gỗ Việt để xuất khẩu
Thiếu nguyên liệu làm khó ngành gỗ

So với các ngành hàng xuất khẩu khác, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xuất khẩu 2019 được đánh giá là thành công. Theo ông Trần Anh Vũ, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa), đến tháng 11/2019 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản có mức tăng trưởng ổn định, từ 17% - 19% qua từng tháng, với mức tăng 10,6% về gỗ và tăng 19,5% về sản phẩm gỗ. 10 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt hơn 9 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2018. Với đà tăng trưởng này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2019 sẽ hoàn thành mục tiêu 11 tỷ USD. Thời gian tới, ngành này còn nhiều dư địa phát triển, với dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2020 có thể đạt từ 12 tỷ - 13 tỷ USD và năm 2015 đạt đến 20 tỷ USD.

nganh go truoc van hoi moi
Doanh nghiệp gỗ hiện đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trước đây

Ông Trần Anh Vũ cho rằng, ngành gỗ và chế biến gỗ Việt Nam hiện lớn về quy mô doanh nghiệp sản xuất và mạnh về xuất khẩu. Hiện có đến gần 5.000 doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu, đưa sản phẩm gỗ của Việt Nam chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu, đứng thứ 5 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu. Thị trường nhập khẩu của đồ gỗ Việt cũng tăng nhanh, hiện đã là trên 120 quốc gia vùng lãnh thổ.

Điều này tạo dư địa phát triển tốt cho doanh nghiệp trong ngành. Bởi khi số lượng đơn hàng xuất khẩu lớn (đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí theo phong cách cổ điển) sẽ đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đáp ứng được thị trường.

Thực tế sản xuất của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương (địa phương có số lượng doanh nghiệp ngành gỗ lớn nhất cả nước) cho thấy, tuy hiện nay sự chênh lệch doanh số kinh doanh giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội còn cao, nhưng doanh nghiệp Việt hiện nay đã chiếm được 50% tổng kim ngạch xuất đồ gỗ so với tỷ lệ trước đây chỉ vào khoảng 10% – 20%. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp ngành gỗ Việt đã phát triển mạnh trong việc đầu tư khâu thiết kế mẫu mã, trang thiết bị sản xuất, xây dựng thương hiệu đồ gỗ Việt… để sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, qua kim ngạch xuất khẩu gỗ 10 tháng/2019 vừa qua có thể thấy, doanh nghiệp nội địa trong ngành gỗ hiện đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trước đây.

Cụ thể như hiện chúng ta đã bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bước đầu cũng đã tạo được dấu ấn riêng biệt cho các sản phẩm đồ gỗ Việt, thậm chí ở một vài phân khúc, đã đủ sức phản kháng, cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp gỗ đang phải đối mặt với vấn đề mới, đó là tình trạng dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia khác vào Việt Nam, tạo sự tăng trưởng nóng trong ngành, dẫn đến thiếu hụt lao động, tăng giá thành sản phẩm và giảm chất lượng hàng xuất khẩu.

Theo ông Trần Anh Vũ, từ khi cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ xảy ra, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất nước ngoài hướng đến đẩy mạnh phát triển cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Việc có dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn chảy vào ngành gỗ và chế biến gỗ tại Việt Nam có cả hai mặt lợi và không lợi.

Trước mắt có thể thấy, làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các dự án đầu tư nước ngoài sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng dự án và nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không bảo đảm các yêu cầu về môi trường. Bên cạnh đó, ngành gỗ trong nước tăng chịu áp lực cạnh tranh, khiến doanh nghiệp nhỏ khó phát triển.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều