Ba ngành dịch vụ có cơ hội phát triển từ CPTPP | |
Áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP |
Ảnh minh họa |
Phân phối - thương mại điện tử - logistics là các dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, phục vụ sản xuất hàng hóa. Đây là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết WTO; đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước. Vì vậy, CPTPP được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai thị trường phân phối, thương mại điện tử, logistics Việt Nam.
Khó phân định giữa cơ hội – thách thức
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, logistics là nhóm các ngành dịch vụ mà tất cả các ngành sản xuất đều phải sử dụng đến, dù là xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.
Trong đó, ngành phân phối nói chung và thương mại điện tử nói riêng là đầu ra không thể thiếu của hoạt động sản xuất hàng hoá. Nếu không có những lĩnh vực này thì hàng hoá, dịch vụ của DN không thể đến được với người tiêu dùng. Vì tính quan trọng và có tác động lẫn nhau như vậy, các DN trong nhóm các ngành này cần hiểu và tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức từ CPTPP.
Bên cạnh đó, bà Trang cũng cho biết, nếu CPTPP là hiệp định thương mại tự do có nội dung phức tạp, thì các cam kết dịch vụ đóng góp tới 2/3 sự phức tạp đó. Nói như vậy để thấy sự đan xen giữa cơ hội và thách thức mà hiệp định này mang lại cho nhóm ngành phân phối - thương mại điện tử - logistics là rất phức tạp và khó phân định.
Nghiên cứu của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, tác động trực tiếp từ CPTPP đến mở cửa thị trường là không đáng kể, tuy nhiên tác động gián tiếp lại khá rõ rệt. Theo đó, CPTPP giúp đẩy mạnh thu hút đầu tư nhờ việc cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam khi thực thi các cam kết trong CPTPP. Mặt khác, việc thông qua cam kết về loại bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ tạo điều kiện gia tăng nguồn cung hàng hóa cho phân phối – thương mại điện tử, tăng cầu cho dịch vụ logistics. Các cam kết về hải quan, tạo thuận lợi thương mại cùng các biện pháp phi thuế… cũng sẽ làm giảm chi phí kinh doanh cho DN.
Làm rõ hơn về những lĩnh vực cụ thể, theo Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ sẽ được mở rộng dung lượng thị trường. Đó là nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân. Hơn nữa, các cam kết về thương mại hàng hóa của CPTPP, đặc biệt là cam kết về thuế quan và tạo thuận lợi thương mại sẽ giúp đa dạng về nguồn hàng và cạnh tranh về giá cả cho ngành phân phối.
Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI chỉ rõ, CPTPP có một số cam kết mở cửa thị trường đối với cả đầu tư và dịch vụ trong một số lĩnh vực logistics ở mức cao so với mức mở cửa trong WTO, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không.
NĐT trong nước sẽ mất “quyền” được ưu ái
Cơ hội mà CPTPP mang lại là không thể phủ nhận; song theo các chuyên gia, những thách thức từ hiệp định này cũng không thể xem thường. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương phân tích, lo ngại đầu tiên chính là với phương thức cam kết chọn – bỏ, rất nhiều dịch vụ logistics không được liệt kê tên cũng sẽ được mở cửa ở mức đáng kể. Đây là cơ hội lớn thu hút đầu tư, từ đó có thể tạo ra những bước phát triển mạnh cho logistics.
Với phương thức này, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực phân phối chắc chắn sẽ phát triển mạnh theo nhiều hình thức đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc góp vốn, mua cổ phần. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đây cũng sẽ là thách thức với DN Việt Nam khi phải cạnh tranh với các DN nước ngoài có tiềm lực mạnh.
Vấn đề khác cần chú ý liên quan đến nguyên tắc là quản lý nhà nước chỉ được phép điều chỉnh chính sách theo hướng thuận lợi hơn cho NĐT trong các quốc gia CPTPP. Điều này giúp đảm bảo môi trường chính sách ổn định cho Việt Nam, tuy nhiên sẽ là chốt chặn đối với cơ quan quản lý trong trường hợp muốn sửa đổi chính sách theo hướng nới lỏng, tạo điều kiện cho DN trong nước.
Lấy ví dụ liên quan đến quy định góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài tại các hãng hàng không Việt Nam, ông Khanh cho biết, trước đây chúng ta từng cho nước ngoài sở hữu trên 30% cổ phần của các hãng hàng không trong nước, sau đó rút xuống dưới 30%, vừa vừa mới đây Bộ Giao thông - Vận tải lại đề nghị nâng lên. Trước đây khi chưa hội nhập, việc nâng lên – hạ xuống có thể tuỳ vào điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ. Nhưng khi đã có nguyên tắc chung thì ngưỡng mới là 34% sẽ không thể giảm xuống được nữa vì làm như vậy là hạn chế đối với NĐT nước ngoài, vi phạm cam kết hội nhập.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng đặt ra lo ngại với việc mở cửa thị trường logistics. Bà cho rằng hiện nay DN nội địa vẫn chiếm phần lớn thị phần đối với dịch vụ vận tải nội địa. Chẳng hạn với dịch vụ vận tải biển ven bờ, hiện nay 70% hàng hoá vận chuyển Bắc - Nam đi con đường này. Do đó việc chúng ta chưa mở cửa mạnh sẽ giữ thị phần cho các DN trong nước. Còn đối với logistics quốc tế, DN trong nước chỉ chiếm 20-30% thị phần, nếu mở cả thị trường logistics nội địa, nhiều ý kiến lo ngại DN Việt Nam sẽ không còn đất sống.
Tuy nhiên, theo phản hồi của nhiều DN logistics trong nước, không nên quá lo lắng về vấn đề này. Các DN cho biết, họ không e ngại việc phải cạnh tranh với DN nước ngoài trong mảng logistics nội địa bằng việc phải đối phó với cơ chế quản lý phức tạp trong nước, hay đáp ứng các điều kiện kinh doanh với ngành này, cũng như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, đặc biệt là chi phí không chính thức. Vì vậy ở chiều ngược lại, các NĐT trong lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử còn mong đợi tác động của CPTPP sẽ sớm ngấm vào nền kinh tế để đẩy nhanh quá trình minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư.
Ngọc Khanh