Ngư dân "ngó lơ" với bảo hiểm

16:33 | 26/03/2012

Tham gia bảo hiểm - một trong những giải pháp nhằm giúp ngư dân yên tâm hơn khi lênh đênh trên biển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay do những nhiêu khê, rườm rà trong thủ tục thanh toán, khiến nhiều ngư dân miền Trung đang "ngó lơ" với bảo hiểm...

"Trầy vi tróc vảy" với bảo hiểm

Đi dọc các làng chài ở khu vực miền Trung, không hiếm những câu chuyện ngư dân bị tổn thất nặng nề do tàu cá, thuyền viên gặp nạn mà không có bảo hiểm. Nhiều ngư dân có thể mua sắm con tàu trị giá cả tỷ đồng, nhưng lại chần chừ khi tham gia bảo hiểm. Nguyên nhân chính khiến ngư dân chưa mặn mà, xuất phát từ những thủ tục rườm rà, nhiêu khê trong khâu thanh toán của các doanh nghiệp bảo hiểm...

Khác với bảo hiểm ô tô hay xe máy, đối với bảo hiểm tàu cá rất khó để xác định hiện trường tai nạn. Tàu cá gặp nạn giữa biển khơi nên việc xác định nguyên nhân, thời điểm tai nạn... rất phức tạp. Vì vậy, việc chi trả cho tàu cá gặp nạn thường phải kéo dài, với nhiều xác minh, thủ tục… làm nản lòng ngư dân. Ông Nguyễn Văn Chiến, chủ một tàu cá ở phường Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Thật lòng, ngư dân cũng rất muốn tham gia bảo hiểm tàu cá. Đi biển sóng gió, hồn treo cột buồm, biết thế nào mà lường trước được mọi việc. Tuy nhiên, những lúc ra khơi chẳng may tàu bị gãy chân vịt hay hỏng máy... Về đến đất liền, để nhận được tiền bảo hiểm, chủ tàu phải kê khai hàng chục thứ giấy chứng thực của biên phòng, người làm chứng, ảnh hiện trường… Thủ tục nhiều quá đâm nản! Khi mua thì rất nhanh, nhưng đến lúc gặp sự cố nhiều chủ tàu phải chạy ngược, chạy xuôi "trầy vi tróc vảy" mới lấy được tiền bảo hiểm. Nếu suôn sẻ cũng phải khoảng chừng 3 tháng, khúc mắc trục trặc còn kéo dài hơn nữa... Có trường hợp ngư dân đã tham gia bảo hiểm đầy đủ, nhưng khi tàu không may chết máy ngoài khơi, phải thuê tàu khác lai dắt về đất liền, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lại "nói không" với khoản phí này.

Ảnh: CAND online
Thủ tục rườm rà, ngư dân không mặn mà với bảo hiểm. (Ảnh: CAND online)

Bên cạnh những thủ tục rườm rà, hiện phí bảo hiểm tàu cá còn tương đối cao. Bình quân tàu có công suất từ 100 CV đến 120 CV, nếu tham gia bảo hiểm toàn bộ bao gồm vật chất tàu, trách nhiệm dân sự của chủ tàu và thuyền viên cũng phải mất khoảng 10 triệu đồng/năm. Trong khi, chi phí đặc biệt là xăng dầu cho các chuyến đi biển ngày càng tăng, tốn thêm khoản tiền bảo hiểm là thêm gánh nặng cho các chủ tàu.

Rủi ro ngư dân gánh

Thời điểm năm 2008, theo Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngư dân được hỗ trợ xăng dầu với điều kiện bắt buộc là tàu thuyền đó phải có bảo hiểm và được hỗ trợ về kinh phí bảo hiểm thân tàu. Để được hỗ trợ nhiều chủ tàu đã đổ xô đi mua bảo hiểm. Nhưng, từ đầu năm 2010 đến nay, Quyết định 289/QĐ-TTg không còn hiệu lực nhiều tàu thuyền ở miền Trung đã dần "lãng quên" thói quen mua bảo hiểm.

Tại Phú Yên, theo thống kê sơ bộ trong số hơn 3.800 tàu cá của ngư dân địa phương hiện chỉ có 312 tàu tham gia bảo hiểm tại Bảo Việt Phú Yên. 100 tàu tham gia tại Bảo Minh và một số ít tham gia tại các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm cho thuyền viên cũng rất ít. Còn tại Quảng Ngãi, một trong những địa phương có số tàu thuyền lớn nhất nước với gần 6.000 tàu cá. Trong đó, khoảng 1/3 tàu có công suất lớn. Tuy nhiên, số tàu thuyền tham gia bảo hiểm ở đây lại vào loại thấp nhất nước. Nếu năm 2008, Quảng Ngãi có hơn 2.200 tàu mua bảo hiểm thì đến nay số tàu tham gia mua bảo hiểm chỉ khoảng 500 chiếc. Tương tự, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2008 có 298/527 tàu công suất 40 CV trở lên mua bảo hiểm. Năm 2009, chỉ còn lại 91 tàu. Đến nay, tổng số tàu ở thành phố có mua bảo hiểm chỉ còn khoảng vài chục chiếc.

Việc không mua bảo hiểm, khi xảy ra những sự cố sẽ gây nhiều thiệt thòi cho ngư dân. Nếu xảy ra tai nạn, chủ tàu sẽ gặp khó về chi phí sửa chữa hoặc đóng mới tàu thuyền. Ông Hồ Phó - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho rằng: Nghề biển chất chứa những rủi ro. Ngư dân ra khơi đánh bắt luôn phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Hầu như năm nào trên địa bàn miền Trung cũng có tàu thuyền của ngư dân gặp nạn. Tổn thất nặng nề nếu không có sự chia sẻ của bảo hiểm, ngư dân rất dễ đứng trước nguy cơ trắng tay, nợ nần chồng chất, có khi phải bỏ nghề... Mới đây, để hỗ trợ ngư dân bám biển UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm tai nạn cho ngư dân. Theo đó, lao động và thuyền viên các tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 50 CV trở lên sẽ được hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm tai nạn với mức 64.000 đồng/thuyền viên/năm. Nếu không may xảy ra tai nạn, ngư dân được nhận mức bồi thường cao nhất 20 triệu đồng/thuyền viên...

Hồng Xuân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều