Người dùng muốn gì ở ví điện tử?

11:32 | 02/07/2020

Người dùng cần một hệ sinh thái đa dạng dịch vụ, an toàn, có thể liên kết với nhiều ngân hàng để thuận tiện trong sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.

nguoi dung muon gi o vi dien tu

Cuộc chiến giành thị trường

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 43 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có trên 10 triệu tài khoản ví điện tử. Có thể thấy, thị trường ví điện tử đang là miếng bánh ngon và đầy tiềm năng mà bất kỳ công ty công nghệ tài chính (fintech) nào cũng muốn nhảy vào.

Nắm bắt tâm lý người dùng Việt là gắn các tiện ích trực tuyến với “giá hời” và “ưu đãi khủng”, các fintech khi gia nhập cuộc đua ví điện tử tại thị trường Việt Nam đều có chiến lược “đốt tiền” nhằm hút người dùng. Sau mỗi chiến dịch như vậy, lượng người dùng cứ thế tăng vọt.

Trong tháng 6/2020, ví điện tử AirPay đưa ra chương trình ưu đãi cho người dùng lần đầu kích hoạt ví AirPay trên Shopee, nhận ngay gói ưu đãi hơn 300.000 đồng.

Momo có chương trình “tuần lễ vàng” từ ngày 4 - 30/6 khi giới thiệu thành công một khách hàng mới sử dụng ví Momo, đối tác sẽ nhận ngay 100.000 đồng tiền vào ví. Người được bạn giới thiệu cũng nhận gói quà 500.000 đồng.

Hàng loạt ví khác áp dụng khuyến mãi giảm giá trực tiếp, tặng thêm món ăn, thức uống tại các điểm giao dịch, giảm giá khi nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện nước, mua vé xem phim…

Ngược thời gian về năm 2015, các sàn thương mại điện tử lớn “đốt” rất nhiều tiền để hút người dùng mới; 5 năm sau, thương mại điện tử Việt tăng trưởng rất mạnh với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 30%. Chừng ấy thời gian cũng làm nhiều cái tên phải gia đi do không giữ chân được khách hàng.

“Cuộc chiến” của các fintech ví điện tử hiện nay tuy khác về thời gian nhưng bối cảnh và viễn cảnh tương lai cũng không khác nhiều cuộc chiến của các sàn thương mại điện tử thời gian trước.

Theo đại diện ví điện tử Momo, ví điện tử đang phát huy tốt vai trò tiện lợi cho người sử dụng trong thanh toán hằng ngày, hình thành một thói quen mới không còn phụ thuộc vào tiền mặt từ thanh toán điện, nước, internet hay nạp thẻ điện thoại, mua vé xem phim, thanh toán mua sắm trực tuyến…

Theo báo cáo mới đây của JPMorgan, giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam vào khoảng gần 20%, ngang với thanh toán bằng tiền mặt, chỉ xếp sau thanh toán qua thẻ và chuyển khoản ngân hàng.

Trong giai đoạn ra nhập thị trường, chiến lược khuyến mãi để hút và giữ chân khách hàng luôn được các đơn vị sử dụng. Không đứng ngoài xu thế đó, các ví điện tử được dự báo là sẽ tiếp tục “đốt tiền” nhằm hút mới và giữ chân khách hàng trong cuộc chiến thị phần còn nhiều khốc liệt.

“Đốt tiền” - cần nhưng chưa đủ

Chị Nguyễn Minh Hòa, nhân viên văn phòng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, là người trẻ chị đã dùng qua nhiều ví điện tử như momo, zalopay, viettelpay, vimo, senpay… theo các chính sách khuyến mãi của các ví này. Hiện nay, chị chỉ còn sử dụng một ví điện tử do đáp ứng được các nhu cầu thường xuyên như thanh toán điện, nước, internet… cũng như sự đa dạng các địa điểm chấp nhận thanh toán.

Anh Hoàng Tiến Đạt (Đống Đa, Hà Nội) thì cho biết, anh đã dùng qua nhiều ví điện tử, tuy nhiên hiện tại chỉ còn sử dụng 2 ví điện tử đáp ứng cho nhu cầu thanh toán đi lại và thanh toán các dịch vụ thiết yếu và có nhiều điểm chấp nhận thanh toán.

Cùng ý kiến trên, chị Nguyễn Thu Uyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết thêm, việc chấp nhận liên kết nhiều ngân hàng trong hoạt động nạp, rút tiền cũng là yếu tố quyết định mức độ gắn bó của người dùng.

Đây cũng là quan điểm chung của nhiều người khi cho rằng việc chuyển từ sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử sang ví điện tử, từ ví điện tử này sang ví điện tử khác phụ thuộc và sự đa dạng của dịch vụ cũng như mạng lưới điểm chấp nhận thanh toán. Khuyến mãi chỉ có thể hút được khách hàng mới nhưng không thể giữ chân khách hàng khi dịch vụ và điểm chấp nhận thanh toán đơn điệu.

Các chuyên gia đánh giá, việc “đốt tiền” vào khuyến mãi trong giai đoạn xâm nhập thị trường là bước đi cần thiết giúp các ví điện tử thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, khi xét về đường dài, tài chính mạnh và hệ sinh thái thanh toán tốt mới chính là yếu tố giúp các ví điện tử "lên ngôi".

Để phát triển ví điện tử một cách lâu dài và giữ chân khách hàng, theo các chuyên gia, các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt phải thuận tiện, đáp ứng được lợi ích và nhu cầu cho người tiêu dùng.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến hai xu hướng phát triển của các ví điện tử hoặc sáp nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn hoặc tự phát triển hệ sinh thái cho riêng mình. Dù theo xu hướng nào thì sự cạnh tranh giữa hàng chục ví điện tử vẫn diễn ra khốc liệt. Trong đó, quyết định cho sự thành - bại của ví điện tử phải là hệ sinh thái, tài chính mạnh sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực cho cuộc đua đường trường này.

Là đơn vị dẫn đầu thị trường, đại diện Momo chia sẻ, bí quyết để có được vị thế như hiện tại là nhờ hệ sinh thái đa dạng từ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, đến cả những dịch vụ ăn uống, du lịch, giao thông và dịch vụ công… để thuyết phục người dùng, người bán hàng dùng MoMo, thay vì trả tiền mặt.

Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường độc lập Cimigo, các yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn ví điện tử của người dùng gồm: giao diện thân thiện, dễ sử dụng; có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; an toàn và bảo mật; liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.

Tú Hoàng

Tin đọc nhiều