Ông Ngô Quang Lương |
Nhằm đưa tới người gửi tiền những thông tin hữu ích để nhận diện, ứng xử phù hợp trước các tin đồn thất thiệt liên quan đến hoạt động ngân hàng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Lương – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN).
Thưa ông, xin ông cho biết BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua những hoạt động như thế nào?
Khi người gửi tiền không thuộc các đối tượng loại trừ theo quy định của Luật BHTG, gửi tiền bằng đồng Việt Nam ở các tổ chức tham gia BHTG là đã tự động được bảo hiểm và được BHTGVN bảo vệ.
Ngay từ khi TCTD có nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam được thành lập là đã bắt buộc phải tham gia BHTG. BHTGVN cấp giấy chứng nhận tham gia BHTG cho tổ chức này. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN thực hiện giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG; tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng.
Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, BHTGVN tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt theo quy định của NHNN. Trong trường hợp tổ chức đó không thể phục hồi mà lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, theo quy định, BHTGVN trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG. Sau đó, BHTGVN tham gia quản lý, thanh lý tài sản của các tổ chức tham gia BHTG khi bị giải thể, phá sản theo quy định của Chính phủ.
Có thể nói, các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN gắn liền với vòng đời của một TCTD tham gia BHTG, và suốt quá trình đó, mọi hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN đều trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Trong khi đó, người gửi tiền hoàn toàn không phải nộp bất cứ khoản phí BHTG nào, mà phí này do tổ chức nhận tiền gửi đóng.
Vậy người gửi tiền có thể nhận biết một TCTD đã tham gia BHTG như thế nào, thưa ông?
Theo Luật BHTG, các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô có nhận tiền gửi bằng VND đều bắt buộc phải tham gia BHTG và phải niêm yết công khai giấy Chứng nhận tham gia BHTG tại trụ sở chính, chi nhánh và các điểm giao dịch có nhận tiền gửi của cá nhân.
Khi tới giao dịch tại các TCTD này, người gửi tiền có thể quan sát giấy Chứng nhận tham gia BHTG nói trên để nhận biết tổ chức đó đã tham gia BHTG hay chưa, có phải là tổ chức được phép nhận tiền gửi một cách hợp pháp hay không.
Mọi hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN đều trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền |
Thời gian qua đã xuất hiện hiện tượng một số tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các TCTD. Xin ông cho biết nếu vì những tin đồn như vậy mà người gửi tiền tới rút tiền trước kỳ hạn thì bản thân họ và phía TCTD có thể gặp phải những hậu quả gì?
Các hành động cảm tính nhất thời như tới rút tiền khi chưa thực sự cần thiết, kêu gọi người khác tới rút tiền trước hạn khiến người gửi tiền chỉ được hưởng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, thấp hơn nhiều so với rút tiền đúng hạn, có kỳ hạn, đồng thời gây ra khó khăn cho chính TCTD nơi mình gửi tiền. Thậm chí có trường hợp, tin đồn là thất thiệt, nhưng việc người gửi tiền đến rút tiền hàng loạt đe dọa tới khả năng thanh khoản, tạo ra nguy cơ khiến tổ chức đó đổ vỡ. Như vậy, cả TCTD và người gửi tiền đều bất lợi.
Ông có thể đưa ra lời khuyên gì cho người gửi tiền trước việc xuất hiện những tin đồn như vậy?
Khi xuất hiện tin đồn tiêu cực liên quan tới các TCTD, người gửi tiền cần bình tĩnh và xác minh thông tin. Trước hết, người gửi tiền cần báo cho NHNN, chính quyền địa phương và BHTGVN để các cơ quan chức năng ghi nhận, kiểm tra, xác minh. Đồng thời, người gửi tiền cũng nên theo dõi những thông báo chính thức của cơ quan chức năng, đặc biệt là của NHNN – cơ quan quản lý ngành Ngân hàng.
Trước đây đã có những trường hợp tin đồn thất thiệt được tung ra và lan truyền, khiến một số TCTD đối mặt với tình trạng rút tiền hàng loạt. Tuy nhiên, NHNN và các cơ quan có liên quan đã nhanh chóng can thiệp và ổn định tình hình. Các TCTD này sau đó đã hoạt động bình thường trở lại một cách nhanh chóng.
Người tung tin đồn, hoặc tiếp tay lan truyền tin đồn, nếu gây thiệt hại nghiêm trọng thì có thể sẽ phải đối mặt với việc bồi thường, chịu xử lý hành chính hoặc thậm chí bị khởi tố hình sự.
Vậy còn các TCTD cần làm gì, thưa ông?
Theo tôi, không chỉ đối với các tin đồn thất thiệt mà đối với mọi loại rủi ro, quan trọng nhất là việc phòng ngừa chứ không phải khi “có chuyện” mới bàn cách xử lý. Và cách phòng ngừa hiệu quả nhất chính là minh bạch thông tin, minh bạch trong hoạt động của mình, đồng thời luôn lắng nghe thông tin dư luận nhằm kịp thời phản ứng sớm trước mọi diễn biến bất lợi.
Trong trường hợp xuất hiện thông tin tiêu cực liên quan đến chính TCTD mình hay TCTD khác, dù đó là thông tin đúng hay sai, các TCTD cũng nên báo cáo ngay với NHNN, BHTGVN và chính quyền địa phương nhằm giúp các cơ quan chức năng nắm bắt vấn đề, thống nhất về mặt thông tin và sớm có biện pháp can thiệp. Tôi nói vậy bởi tin đồn thất thiệt liên quan đến một TCTD sẽ có thể gây nên những tác động lan truyền, ảnh hưởng đến hoạt động thông suốt của hệ thống ngân hàng nói chung.
Với các TCTD quy mô nhỏ, có địa bàn hoạt động hẹp, như quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, bên cạnh việc báo cáo NHNN, BHTGVN và phối hợp với chính quyền địa phương để ổn định tình hình, biện pháp quan trọng không thể thiếu là truyền thông trực tiếp, liên tục đến người gửi tiền, tránh thông tin tiêu cực lan rộng.
Về dài hạn, cần triển khai các chương trình nâng cao kiến thức tài chính cộng đồng, tăng khả năng “đề kháng” của người gửi tiền trước các thông tin thất thiệt. Có như vậy, hệ thống tài chính - ngân hàng sẽ đảm bảo duy trì vận hành một cách an toàn, lành mạnh.
Vâng, xin cảm ơn ông!
Diệu Mỹ thực hiện