Người Việt ưu tiên thanh toán thông minh cho khoản chi tiêu nhỏ

09:46 | 30/08/2021

Công nghệ mới thúc đẩy Việt Nam tiến gần đến một xã hội không tiền mặt khi thanh toán thông minh ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, đặc biệt là cho các khoản chi tiêu nhỏ ­lẻ, theo khảo sát của Visa.

nguoi viet uu tien thanh toan thong minh cho khoan chi tieu nho
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ.

Một tương lai không tiền mặt là viễn cảnh khả quan tại Việt Nam, khi người tiêu dùng gia tăng tần suất sử dụng thanh toán không tiền mặt để hoàn tất giao dịch cho các khoản chi tiêu hàng ngày.

Khảo sát của Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, về thái độ thanh toán của người tiêu dùng đã thể hiện rõ sự quan tâm ngày càng tăng đối với ngân hàng số và các công nghệ thanh toán mới khác, đặt nền tảng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.

Kết quả từ khảo sát của Visa cho thấy ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với phần lớn trong số họ (77%) biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này.

Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%).

“Khảo sát của chúng tôi về thái độ thanh toán của người tiêu dùng đã chỉ ra rằng người dùng Việt Nam ngày càng sẵn sàng đặt niềm tin vào các dịch vụ thanh toán mới do doanh nghiệp có tên tuổi mà họ tin tưởng cung cấp”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ. “Ngoài sự an toàn và bảo mật mà các phương thức thanh toán này mang lại, chúng cũng được đánh giá cao vì khả năng tăng cường kiểm soát và giám sát tài chính cá nhân”.

Đồng thời, ngày càng nhiều người quan tâm đến các phương thức thanh toán mới trên thị trường. Thanh toán sinh trắc học (chẳng hạn như quét vân tay, nhận dạng giọng nói/khuôn mặt hoặc quét võng mạc) cũng được quan tâm đặc biệt.

83% người tiêu dùng trong nước hiện đã biết đến các phương thức thanh toán này và đa số cũng quan tâm trải nghiệm chúng. Thẻ không số cũng dần được nhận biết bởi 62% người tiêu dùng và có tới 77% người tiêu dùng sẽ sử dụng chúng cho các giao dịch trong tương lai.

“Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt cho các khoản chi tiêu nhỏ lẻ. Dễ nhận thấy tiềm năng của các xu hướng này đối với nhóm người dùng trẻ là rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng Thế hệ Z thể hiện sự tin tưởng và hào hứng đáng kể đối với các dịch vụ thanh toán và kênh tiêu dùng mới như thương mại trên mạng xã hội”, bà Đặng Tuyết Dung cho biết thêm.

Người tiêu dùng Thế hệ Z là lực lượng tiêu dùng cốt lõi của thương mại trên mạng xã hội, với 85% người được khảo sát thuộc Thế hệ Z đã biết về thương mại mạng xã hội và 68% hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để xem tối thiểu ba đánh giá liên quan đến sản phẩm trước khi mua hàng lần đầu tiên.

Sự phản hồi tích cực về các phương thức thanh toán số là động lực để giúp các phương thức này trở nên phổ biến hơn, và góp phần phát triển một xã hội không tiền mặt tại Việt Nam, mang lại những đổi mới tiến bộ về tính an toàn, bảo mật và tiện lợi.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều