Từ chuẩn hóa chuyên môn
Hệ thống QTDND với số lượng gần 1.200 QTDND hoạt động trên cả nước, số lượng lãnh đạo và cán bộ lên tới hàng vạn người thì nhu cầu đào tạo, nhân lực của hệ thống QTDND là rất lớn. Yêu cầu tổ chức thường xuyên, liên tục các lớp và chương trình đào tạo càng tăng khi những quy định mới về nguồn nhân lực hệ thống ngày càng đòi hỏi khắt khe, cùng với những yêu cầu bức thiết trong quá trình cạnh tranh hội nhập.
Hiệp hội thường xuyên tổ chức chương trình đào tạo cho hệ thống QTDND |
Nắm bắt được nhu cầu này, thời gian qua, Hiệp hội tập trung tổ chức công tác đào tạo hỗ trợ các QTDND đáp ứng được tiêu chuẩn cán bộ QTDND quy định tại Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN (nay được thay thế bởi Thông tư số 04/2015/TT-NHNN và Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND) của Thống đốc NHNN.
Đến thời điểm 30/6/2017, Hiệp hội đã phối hợp với Học viện Ngân hàng và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo được 67 lớp với 5.367 học viên đến từ các QTDND trên cả nước tham gia.
Qua đó, đã góp phần tăng cường chuẩn hóa đội ngũ cán bộ QTDND theo quy định của NHNN, giúp cho công tác quản trị điều hành có kết quả ở các QTDND hội viên và thúc đẩy hệ thống QTDND thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn trong hoạt động của QTDND do Thống đốc NHNN ban hành.
Đối với công tác đào tạo cơ bản cho cán bộ QTDND, Hiệp hội đã làm việc và được Học viện Tài chính và Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tạo điều kiện chấp thuận cho cán bộ hệ thống QTDND tham gia đào tạo hệ đại học vừa học vừa làm. Thông qua khoá học, học viên không chỉ nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn có nhiều kinh nghiệm trong công việc thực tế.
Đây thực sự là cơ hội tốt để cán bộ hệ thống QTDND nâng cao trình độ của mình. Hiệp hội đã tổ chức được nhiều lớp trung cấp, đại học cho hàng ngàn cán bộ của các QTDND hội viên. Đây là những hoạt động đào tạo nền tảng đầu tiên cho việc nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ ngân hàng ở cấp bậc đại học cho đội ngũ cán bộ QTDND.
Cùng với 70 khóa đào tạo cho hơn 6.000 cán bộ QTDND trên cả nước tham gia tập huấn, đào tạo chuyên sâu theo chuyên đề, Hiệp hội đã phối hợp với Sở Giao dịch 3 - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức 5 khóa đào tạo nâng cao và phát triển “Kỹ năng Lãnh đạo QTDND” cho gần 700 học viên là Lãnh đạo các QTDND tại 3 miền (Bắc - Trung - Nam) tham gia với kết quả tốt đẹp, và được các học viên là lãnh đạo QTDND đánh giá cao.
Hiệp hội cũng đã tổ chức 18 chuyến khảo sát cho gần 500 cán bộ QTDND trên cả nước tham gia khảo sát và học hỏi kinh nghiệm tại Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia. Bên cạnh đó, là các chuyến khảo sát giao lưu học hỏi trong nước.
Hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong bối cảnh các TCTD ngày càng mở rộng về khu vực nông nghiệp nông thôn cũng như nhu cầu tiếp cận các dịch vụ ngân hàng hiện đại của thành viên, việc các QTDND tự đổi mới tích hợp công nghệ hiện đại là xu hướng tất yếu. Công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ tin học cho các QTDND là một trong những mảng hoạt động quan trọng mà Hiệp hội QTDND đã hướng đến để trợ lực cho các thành viên trong thời gian qua.
Theo đó, một mặt Hiệp hội tiếp tục mở rộng, triển khai cài đặt phần mềm ngân hàng bán lẻ (ITD-VAPCF) cho các QTDND, mặt khác hỗ trợ các thành viên nâng cấp phần mềm đảm bảo đáp ứng kịp thời công tác báo cáo của QTDND theo Thông tư 35/2015/TT-NHNN của NHNN.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống phần mềm giám sát từ xa đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động của các QTDND của chi nhánh NHNN trong khuôn khổ dự án nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng giám sát QTDND qua phần mềm kết nối thông tin với NHNN tỉnh”.
Trong quá trình triển khai phần mềm cho các QTDND, Hiệp hội cũng tiến hành đào tạo và nâng cao trình độ tin học, sử dụng phần mềm đáp ứng yêu cầu hoạt động của QTDND và giúp cho quá trình khắc phục xử lý sự cố phần mềm được thuận lợi hơn. Hiệp hội đã phối hợp với Phân viện Phú Yên cài đặt và tạo lập môi trường đào tạo phần mềm ITD-VAPCF để qua đó Phân viện tổ chức lớp đào tạo phần mềm cho các QTDND.
Hiệp hội cũng đã chủ động kết nối với các đơn vị đào tạo, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố đề xuất xin nguồn kinh phí hỗ trợ học phí cho các học viên… Thông qua việc triển khai các hoạt động đào tạo mà Hiệp hội thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe được nhiều ý kiến từ phía các Hội viên; từ đó có những điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, khảo sát học tập kinh nghiệm cho phù hợp với nhu cầu của các QTDND.
Bối cảnh cạnh tranh và tái cơ cấu hệ thống các TCTD cũng đặt ra những yêu cầu mới cho hệ thống QTDND trong việc đào tạo nguồn nhân lực theo Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 của Thống đốc NHNN về thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định 1058/QĐ của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.
Cùng với đó là những yêu cầu đào tạo gắn với Quyết định 1533/QĐ-NHNN ngày 20/7/2017 ban hành Kế hoạch hành động ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.
Theo đó, các QTDND phải nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện, trình độ cán bộ, quản lý, nghiệp vụ đối với Chủ tịch, Giám đốc, cán bộ QTDND; Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến năm 2020 dành cho cán bộ của QTDND; Xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đủ mạnh, vừa có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành, vừa có đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc; Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại cán bộ nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời gắn với việc bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp.
Đây cũng là những vấn đề mà Hiệp hội QTDND đã đặt ra khi phối hợp với Học viện Ngân hàng, Vụ Tổ chức cán bộ và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoàn thành việc chỉnh sửa bộ giáo trình đào tạo gồm 8 mô đun học theo Quyết định số 31/2006/QĐ-NHNN (nay là Thông tư số 04/2015/TT-NHNN) trình Thống đốc NHNN xem xét phê duyệt.
Ngày 23/5/2017, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1011/QĐ-NHNN về việc Ban hành Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND.
Với bộ giáo trình này, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ được chuẩn hóa về nội dung đào tạo mà còn phủ đến toàn bộ các đối tượng có liên quan đến hoạt động của các QTDND từ thành viên Hội đồng quản trị QTDND, người điều hành QTDND đến các cán bộ chuyên trách làm việc tại QTDND.
Để các chương trình giảng dạy có thể tích hợp được những yêu cầu mới của cơ quan quản lý cũng như từ nhu cầu thiết thân của các QTDND, bên cạnh các đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, Hiệp hội hướng đến các giảng viên kiêm chức là cán bộ công tác trong ngành Ngân hàng, có ít nhất 1 năm kinh nghiệm công tác liên quan đến hoạt động của QTDND.
Các học viên vì thế không chỉ thường xuyên được cập nhật các văn bản mới, kiến thức mới mà còn có cơ hội học hỏi cách xử lý tình huống điển hình trong thực tiễn về QTDND. Hiệp hội ra quyết định công nhận học viên hoàn thành Chương trình đào tạo trên cơ sở bảo đảm việc tuân thủ các tiêu chuẩn, yêu cầu đối với giảng viên, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá của Chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo nghiệp vụ QTDND và Quyết định số 1012/QĐ-NHNN về việc Ban hành Bộ tài liệu đào tạo nghiệp vụ QTDND mà Thống đốc vừa mới ban hành được xem là một cơ sở pháp lý quan trọng và điều kiện hết sức thuận lợi để Hiệp hội phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Hợp tác xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các khóa đào tạo nghiệp vụ QTDND, đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo của hệ thống QTDND trong giai đoạn tới đây.
Bích Hợp