Nguồn vốn lớn, cạnh tranh cao

07:00 | 14/10/2019

Cuộc chiến giữa các DN để trở thành người dẫn đầu về thương mại điện tử sẽ ngày càng cam go

5 xu hướng tác động đến ngành bán lẻ
Cần tạo niềm tin cho người tiêu dùng
Nhiều thách thức với thị trường thương mại điện tử

Theo các chuyên gia và DN trong ngành, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ở rất gần ngưỡng trở thành nền thương mại điện tử (TMĐT) lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Với những yếu tố tích cực và tốc độ đón vốn lớn như hiện nay, đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành thị trường TMĐT lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Indonesia.

Nhiều tiềm năng để vào top đầu khu vực

Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company vừa công bố báo cáo mới nhất về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 (e-Conomy Southeast Asia 2019). Theo đó, báo cáo này ước tính nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt quy mô 12 tỷ USD năm 2019 và 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực TMĐT, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.

Trong số 6 thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam là 2 đại diện dẫn đầu có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/năm, qua đó bứt phá mạnh mẽ trong xu hướng phát triển kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan hiện đang tăng trưởng ở mức 20 - 30% hàng năm.

nguon von lon canh tranh cao
Việt Nam đã ở rất gần ngưỡng trở thành nền thương mại điện tử lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á

Báo cáo này nhận định, sự tăng trưởng vượt trội khắp khu vực Đông Nam Á đến từ dòng chảy cư dân trực tuyến mới trong khu vực. Cũng như các thị trường khác, tại Việt Nam, lượng khách hàng trên đà tăng trưởng đã tạo động lực cho các DN tiếp thu và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động.

Với hai “đầu tàu” Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nằm trong số 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực, Việt Nam trở thành thị trường đón nhận nguồn đầu tư đứng thứ 3 với 600 triệu USD rót vào từ năm 2018 đến nửa đầu 2019. Số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn trong năm 2019. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các khoản đầu tư.

Ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ nhận định, giai đoạn 2014 - 2016, quốc gia được đầu tư nhiều nhất trong lĩnh vực TMĐT là Ấn Độ. Trong suốt thời gian đó, nước này thu hút gần 20 tỷ USD vào thị trường. Nhờ tận dụng được vốn ngoại, Ấn Độ đã hình thành nên DN dẫn đầu thị trường do chính người bản địa tạo ra, với giá trị lên tới khoảng 20 tỷ USD. Giờ đây, điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư là những quốc gia khác rất lớn về quy mô dân số song lại có nền TMĐT chưa phát triển, chính là Indonesia và Việt Nam.

Trong năm 2019, các DN TMĐT Việt Nam thu hút được 889 triệu USD, với hai công ty hút được dòng vốn chính là Tiki và Sendo. “1 năm trước đó, chúng ta chỉ thu hút được 400 triệu USD trong lĩnh vực này, nhưng năm 2018 đã thu hút được gấp đôi. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu nhà đầu tư đang chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo cho những năm 2019-2021", CEO Sen Đỏ nhận định.

Cuộc chiến còn khốc liệt

Mặc dù hứa hẹn đón vốn lớn, song đây cũng là yếu tố thúc đẩy cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực TMĐT để dần hình thành nên DN dẫn đầu thị trường. Bối cảnh đó còn đặt ra lo ngại cho các DN trong nước trước về nguy cơ mất trận địa trên chính sân nhà. Các DN TMĐT nước ngoài đang có lợi thế của các gã khổng lồ với những DN dẫn đầu trong ngành TMĐT thường được biết đến gồm Lazada (thuộc Alibaba) và Shopee (thuộc Sea Group), đều có trụ sở tại Singapore.

Bên cạnh đó, xu hướng TMĐT không biên giới đang phát triển nhanh. Tại Việt Nam, môi trường đầu tư, nhất là các quy định về TMĐT còn chậm thay đổi để bắt kịp với sự thay đổi của thị trường. Những vấn đề đó càng gây ra bất lợi trong bối cảnh TMĐT của Việt Nam còn non trẻ.

Song đáng mừng là các DN trong nước hiện nay cũng đang “chơi sát ván” trong cuộc chiến giành thị phần trên chính sân nhà. Đại diện Tiki cho hay, các DN trong nước đang dần chiếm lĩnh được thị trường nội địa - một trong những thị trường phát triển nhanh, tầng lớp trung lưu đang tăng cao, với mức thu nhập và nhu cầu kết nối internet ngày càng cao. Hiện tại đơn vị này sở hữu hệ thống kho bãi và trung tâm xử lý hàng hóa có quy mô lớn nhất cả nước, cùng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chắc chắn sẽ cạnh tranh được với các đối thủ trong ngành và tạo lợi thế để “vươn ra biển lớn”.

Thế trận khốc liệt hiện nay của TMĐT cũng đang thu hút sự quan tâm của các DN nước ngoài. Ông Ted Kim, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIMC, Hàn Quốc nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong lĩnh vực này. Theo ông Kim, các DNNVV chi 30% ngân sách cho công nghệ đã tăng doanh thu gấp 9 lần so với các DN chi dưới 10%. Tương tự như vậy, DN sử dụng internet và ứng dụng công nghệ tăng trưởng 2.1 lần so với không sử dụng. Nghiên cứu của công ty này cho thấy, tại Việt Nam 67% người dùng internet đã trải nghiệm mua hàng trực tuyến.

Ông cho rằng, TMĐT & fintech đang đóng vai trò quan trọng trong sự bùng nổ của phong trào khởi nghiệp. 6 ngành hàng đầu nhận vốn khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2017, trong đó TMĐT đứng đầu với 83 triệu USD, cao hơn công nghệ thực phẩm là 65 triệu USD, fintech 57 triệu USD, logistics và truyền thông cùng nhận được 18 triệu USD… Đây là những yếu tố khiến ngày càng có nhiều NĐT nước ngoài tìm cách rót vốn vào thị trường Việt Nam trong lĩnh vực tiềm năng này.

Tuy nhiên vẫn còn một số điểm nghẽn cần tháo gỡ để tạo dòng chảy mạnh hơn cho TMĐT. Đó là mức chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển liên quan đến kinh doanh công nghệ thông tin còn thấp; thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ thanh toán điện tử; an ninh mạng yếu làm triệt tiêu sự sinh động của thị trường. Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định và chính sách pháp luật làm giảm giá trị và uy tín TMĐT.

Đức Ngọc

Tin đọc nhiều