Nhà băng đào tạo nhân sự bảo hiểm

09:11 | 25/03/2020

Trong bối cảnh doanh thu từ mảng kinh doanh bảo hiểm (bancassurrance) ngày càng lớn ở một số ngân hàng; trong khi lực lượng lao động được đào tạo chính quy về lĩnh vực bảo hiểm trên thị trường lại thiếu hụt trầm trọng. Hiện nay nhiều NHTM đã chủ động tham gia sâu hơn vào hoạt động đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm cho nhân viên của mình.

Thực tế, trên thị trường các nhà băng có doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu nhập những năm qua gồm có: Techcombank, MB, SCB, VIB, VPBank, Sacombank… đều đã đưa ra các chiến lược chiếm lĩnh thị trường bancassurrance một cách dài hạn và bài bản.

nha bang dao tao nhan su bao hiem
Ảnh minh họa

Cách nay hai năm, Techcombank bị đánh giá là sụt giảm doanh thu từ mảng bancassurrance, nhà băng này đã đưa ra một hướng đi hoàn toàn mới cho lĩnh vực hợp tác kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, đơn vị đã chủ động số hóa toàn bộ quy trình phân phối các sản phẩm bảo hiểm, đồng thời tự đào tạo hơn 4.000 nhân viên của mình để có được chứng chỉ tư vấn - kinh doanh bảo hiểm (theo quy định của Bộ Tài chính). Với đội ngũ nhân lực dồi dào này, trong năm 2020, thay vì chỉ sử dụng đội ngũ tư vấn của DN bảo hiểm, Techcombank có thể trực tiếp biến nhân viên tín dụng của mình thành đội ngũ phân phối bảo hiểm chuyên nghiệp, tự đứng ra bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng chứ không chỉ giới thiệu sản phẩm rồi “ăn” phí môi giới như cách làm truyền thống.

Các nhà băng khác như: VPBank, VietinBank, ACB, VIB… tình hình cũng diễn ra tương tự. Tại VPBank, với mục tiêu kỳ vọng doanh thu từ mảng bảo hiểm sẽ đóng góp khoảng 50% - 60% vào tổng doanh thu phí của phân khúc khách hàng cá nhân trong năm 2020, nhà băng này đã tập trung phối hợp với hãng bảo hiểm AIA đào tạo hàng ngàn nhân viên tư vấn bảo hiểm từ nguồn lực có sẵn tại các chi nhánh.

Trong khi đó, các trung tâm đào tạo nhân lực của VietinBank, ACB và Sacombank thời gian vừa qua cũng đã phối hợp chặt chẽ với các DN bảo hiểm như Manulife, Dai-ichi Life và VBI để chủ động đào tạo mỗi đơn vị từ 1.000-3.000 nhân viên phân phối bảo hiểm có chứng chỉ phù hợp.

Để tích hợp số hóa quy trình phân phối bảo hiểm, nhiều nhà băng đã kết nối các tính năng của sản phẩm dịch vụ ngân hàng với DN bảo hiểm, giúp cho khách mua bảo hiểm qua kênh ngân hàng khi đăng ký dịch vụ ủy thác thanh toán phí tự động sẽ tránh việc mất hiệu lực hợp đồng do quên đóng phí và việc đóng phí được tiến hành dễ dàng, nhanh chóng.

Ông Trần Nguyên Đán - Viện trưởng Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM) nhận định, việc các NHTM hiện nay chủ động “giành” quyền đào tạo nhân sự phân phối bảo hiểm, xét đến cùng là do sức ép từ nhu cầu thị trường và sự tăng trưởng nhanh chóng trong các kế hoạch về doanh thu bancassurrane của các đơn vị.

Ở góc độ chất lượng, theo ông Đán, nếu hệ thống đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm của các NHTM tốt thì có thể xem đây là kênh cung cấp nhanh chóng nhất lực lượng nhân sự ngành bảo hiểm vốn đang có sự thiếu hụt và gặp nhiều bất cập trong cân đối giữa nhu cầu lao động của thị trường và khả năng đào tạo nhân lực chính quy. Tuy nhiên, để kiểm chứng, nhân sự bảo hiểm mà các NHTM tự đào tạo có tốt hay không chỉ có thị trường mới có thể có câu trả lời chuẩn xác. Bởi hiện nay các NHTM quá khó để đào tạo nhân viên tư vấn phân phối bảo hiểm (do có sẵn lực lượng nhân viên, đồng thời có sẵn nguồn khách hàng để trực tiếp thực hành ngay sau khi được đào tạo nghiệp vụ). Song, nếu tỷ lệ duy trì hợp đồng từ năm thứ 2 trở đi ít và số vụ tranh chấp bảo hiểm tăng cao thì các NHTM cũng cần lưu ý đến chất lượng nhân viên do mình chủ động đào tạo theo nhu cầu phát triển nóng.

Tuy nhiên, ở góc độ pháp lý, ông Trương Minh Cát Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA lại cho rằng, việc các NHTM chủ động đào tạo lực lượng nhân viên tư vấn, phân phối bảo hiểm chuyên nghiệp và giành quyền bán các sản phẩm bảo hiểm cũng sẽ tạo ra sự mạch lạc và minh bạch cho thị trường bancassurrane. Bởi vì nếu hợp đồng bảo hiểm được thu xếp qua đại lý là nhân viên ngân hàng, thì khách hàng sẽ có cơ sở xử lý tranh chấp và có thể quy trách nhiệm cho từng bên (DN bảo hiểm và ngân hàng) nếu có sai sót từ các khâu giao dịch. Trong khi đó, nếu hợp đồng bảo hiểm chỉ được khách hàng ký với DN bảo hiểm và nhân viên ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ trung gian giới thiệu thì nếu có tranh chấp xảy ra, khách hàng sẽ khó quy trách nhiệm cho phía nhân viên ngân hàng, bởi hiện nay, ngay cả Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi 2019) cũng chỉ quy định về các hình thức môi giới hoặc đại lý bảo hiểm chứ không có quy định về hình thức làm trung gian giới thiệu.

PV

Tin đọc nhiều