Nhà băng kết nối khách hàng trên đám mây

08:36 | 23/06/2022

Các ngân hàng sử dụng các giao diện lập trình (API) kết nối với các doanh nghiệp tạo ra nhiều tiện ích cho những ứng dụng ngân hàng mở đang trở thành xu hướng phát triển dịch vụ tài chính trong giai đoạn mới.

Doanh nghiệp “lên mây”

CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã bắt tay với Amazon Web Services (AWS) để dữ liệu hóa hoạt động kinh doanh và đẩy mạnh sử dụng nền tảng điện toán đám mây nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành.

Sau khi mở rộng kinh doanh trên nền tảng đám mây, chi phí vận hành của chuỗi 350 cửa hàng vàng bạc của PNJ đã giảm rất mạnh, chỉ còn 12.000 USD/năm, thay vì mỗi năm phải chi ra 350.000 USD để vận hành các máy chủ và đội ngũ nhân sự. Điều quan trọng hơn là khi dữ liệu kinh doanh đã đưa "lên mây", PNJ dễ dàng chọn lựa các ứng dụng chia sẻ tích hợp dữ liệu để mở rộng kết nối với đối tác, khách hàng trong quá trình mua bán, giao dịch, vay mượn và thanh toán hàng hóa.

nha bang ket noi khach hang tren dam may
Sử dụng API giúp ngân hàng cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích

Hoạt động đầu tư vào điện toán đám mây của PNJ là một ví dụ cho thấy mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường và cạnh tranh trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh.

Theo ông Phí Anh Tuấn - Trưởng ban Tư vấn Doanh nghiệp - Trung tâm chuyển đổi số DX Center TP.HCM, nền kinh tế chia sẻ dữ liệu phát triển mạnh nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, du kịch, khách sạn, giao thông vận tải và đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, bất động sản. Ứng dụng công nghệ kết nối chia sẻ dữ liệu bằng các giao diện mở đã thu hút khá nhiều doanh nghiệp các ngành nghề nhằm gia tăng không gian kinh doanh trên môi trường kết nối internet. Chẳng hạn, Tập đoàn ITL thời gian qua đã triển khai ứng dụng cổng dịch vụ tích hợp giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API) vào dịch vụ phân phối hàng hóa bằng xe tải nhỏ. Hay Vinades mới đây đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép kết nối API để khai thác miễn phí dữ liệu về đấu thầu…

Ông Nguyễn Quang Hiển - Tổng Giám đốc CTCP Miraway cho hay, hiện doanh nghiệp này đã phát triển và cung cấp giải pháp CEM đa kênh tổng thể cho hơn 500 khách hàng tại Việt Nam, cho phép doanh nghiệp cung cấp các hành trình của khách hàng liền mạch ở mọi điểm tiếp xúc. Qua việc liên kết với nhiều ngân hàng như TPBank, MB, BIDV, VietinBank, Vietcombank, VPBank, Agribank, Sacombank… sản phẩm máy tự phục vụ (self-kiosk) ứng dụng công nghệ API của Miraway cho phép khách hàng tự thực hiện các dịch vụ như: mở và tất toán sổ tiết kiệm; Chuyển khoản, thanh toán hóa đơn; Đăng ký khoản vay, mua thẻ sim; nạp tiền điện thoại… 24/7.

Nhiều cơ hội kết nối

Hầu hết các chuyên gia lĩnh vực kinh tế số đều cho rằng, ngân hàng mở (Open Banking) sẽ là xu hướng chủ đạo thu hút đầu tư lớn từ các NHTM trong các năm tới, bởi việc chuyển đổi số ở hệ thống ngân hàng hiện nay đã bước qua giai đoạn áp dụng sản phẩm dịch vụ số đơn thuần.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, trong thời gian tới xu hướng ngân hàng mở cung cấp các sản phẩm, giải pháp theo hình thức dịch vụ – Banking as a Service (BaaS) sẽ phát triển rất mạnh. BaaS sẽ cho phép người dùng truy cập các dịch vụ tài chính qua internet bằng giao diện API và hệ thống trên đám mây. Khi ngày càng nhiều các NHTM tham gia vào làn sóng BaaS, thị trường sẽ hình thành hệ sinh thái, bao gồm ngân hàng cung cấp dịch vụ (Providers), nhà cung cấp BaaS (License holders) và những thương hiệu số thuộc tài chính hoặc phi tài chính (Digital Brands). “Bằng việc cho phép sử dụng API để chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, BaaS tạo ra một luồng doanh thu mới cho các NHTM”, ông Lực nhận định.

Thực tế từ thị trường cho thấy, hiện nay việc phát triển ứng dụng Open API được rất nhiều NHTM quan tâm. Các ứng dụng mở cho phép tích hợp và chia sẻ dữ liệu như VietinBank iConnect, Omni BIDV iBank hay các ứng dụng tương tự của VPBank, TPBank, OCB, MB, đều rất thành công trong việc thu hút khách hàng liên kết trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ. Hầu hết các ngân hàng đều có xu hướng tích hợp giao dịch ngân hàng ngay trên phần mềm quản lý tài chính của doanh nghiệp. Từ đó tạo thuận tiện và tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả hai bên.

Ở khía cạnh kinh doanh, ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho rằng, hiện nay với sự ra đời của các nền tảng kinh doanh số (như Uber, Airbnb, Nexflix, Facebook, Google…) nhiều tập đoàn lớn trên thế giới phải thay đổi tư duy chiến lược số hóa và đầu tư tái định vị kênh phân phối.

Riêng tại Việt Nam, làn sóng ứng dụng công nghệ API đã bắt đầu phát triển rất nhanh trong hệ thống tài chính – ngân hàng và bắt đầu lan tỏa ở khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp lớn và các startup công nghệ. Vì thế cơ hội để phát triển các dịch vụ dựa trên API là rất lớn đối với các ngân hàng và fintech. Trong đó, các hệ sinh thái ngân hàng mở sẽ được nhiều ngân hàng hướng đến nhằm định hình lại sản phẩm dịch vụ tài chính và thay đổi ý tưởng về dịch vụ cũng như phạm vi phục vụ của các ngân hàng.

Cần sớm chuẩn hóa pháp lý về API

Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, hiện nay nhiều ngân hàng đã cung cấp API cho khách hàng lớn của mình. Tuy nhiên, các API đều mang tính riêng lẻ do ngân hàng và đối tác tự xây dựng dựa trên nhu cầu của mình, dẫn tới việc các ngân hàng phải cung cấp một số lượng lớn các API cho các công ty đối tác.

Ông Hòe cho rằng, việc xây dựng API một cách riêng lẻ và không được chuẩn hóa, không có quy trình quản lý tập trung, có thể dẫn tới rủi ro về an toàn thông tin của hệ thống do phía ngân hàng phải kết nối hệ thống back-end vào hệ thống của các doanh nghiệp đối tác. Nếu các hệ thống của đối tác xảy ra rủi ro sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống của ngân hàng. Vì vậy, NHNN cần sớm nghiên cứu chuẩn hóa hành lang pháp lý cho ứng dụng giao diện lập trình ứng dụng để các TCTD có căn cứ phát triển mảng công nghệ số này.

Đỗ Cường

Tin đọc nhiều