Nhận diện rủi ro gửi tiền

09:32 | 21/09/2017

Câu chuyện 17 người gửi tiền tại OceanBank Hải Phòng bị mất tiền lại một lần nữa làm tâm lý người gửi tiền bị xao động. Lúc này, người gửi tiền cần lắm một lời khuyên sao cho gửi tiền vẫn có lợi mà phải an toàn tuyệt đối.

Nhiều lựa chọn cho người gửi tiết kiệm
Thêm động thái chính sách tích cực
Tiết kiệm online tiện lợi cho những món nhỏ

Thực tế, gửi tiết kiệm NH luôn được xem là khá an toàn. Thông thường, khách hàng cá nhân thực hiện gửi tiền theo hình thức tiết kiệm có kỳ hạn, không kỳ hạn (được cấp sổ tiết kiệm) hoặc tiền gửi thanh toán (được cấp số tài khoản thanh toán).

Với các hình thức gửi tiền trên, người gửi tiền luôn phải thực hiện đúng quy trình gửi tiền tại NH như: đến giao dịch trực tiếp tại quầy (trừ gửi online), không ký khống chứng từ, cố gắng duy trì một chữ ký cố định và khi tất toán thì cần làm đúng quy trình. Tuy nhiên, thời gian qua vẫn có nhiều trường hợp số tiền trong sổ bị "bốc hơi". Đến thời điểm này, có lẽ khó để phân tích đâu là nguyên nhân chính khiến người gửi bị mất tiền vì ai cũng khẳng định mình làm đúng quy trình.

Do vậy, điều quan trọng lúc này mà theo các chuyên gia tài chính là nên xem xét phương án nào mình cho thấy khả thi mà không cần theo một quy tắc chuẩn mực nào. Đơn cử, một chuyên gia viết trên trang mạng cá nhân của mình rằng, khi ông khuyên bạn bè gửi tiền thì chỉ nên gửi ở chi nhánh lớn của NH lớn (quốc doanh càng tốt). Bởi vì theo ông, chi nhánh lớn - của NH lớn (NH quốc doanh như VCB) được trang bị hệ thống, quản lý quy trình đầy đủ, con người cũng chuẩn hơn.

Về lý thuyết và thực tế thì các rủi ro mất tiền từ nhân viên NH cố tình làm bậy diễn ra ở NH nhỏ, tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch nhỏ là phần nhiều.

Thực ra, có người viện dẫn vụ Huyền Như để chứng minh NH quốc doanh cũng rủi ro. Nhưng vụ Huyền Như theo các chuyên gia là một dạng khác. Do người gửi đã tín nhiệm vào cá nhân Huyền Như nên thực hiện giao dịch không chuẩn chứ không phải do VietinBank. Hoặc do vụ gửi tiền chuyển qua một tình tiết cố ý làm trái (xin không bình luận đúng sai).

nhan dien rui ro gui tien
Ảnh minh họa

Một vị chuyên gia khác thì khuyên rằng, khi đã chọn NH thì phải thực hiện nghiệp vụ gửi tiền đúng quy định, đó là đến NH nộp tiền; Ký các giấy nộp tiền và nhận sổ nộp tiền đúng trình tự gồm giao dịch viên đưa sổ cho phụ trách ký - đóng dấu - giao sổ tài khoản.

Ví dụ tại VCB giao dịch viên làm giấy - nộp tiền một chỗ - nhận sổ một chỗ (do phụ trách ký) - quy trình qua 3 người độc lập; chỉ trừ khi cả dây chuyền cấu kết mới làm bậy được. Mà cả dây chuyền cấu kết thì xác suất diễn ra cao là ở chi nhánh nhỏ của NH nhỏ. Ngoài ra, nếu muốn an toàn hơn thì bước nộp tiền sẽ từ tài khoản cá nhân của mình chuyển cho NH gửi tiết kiệm; hệ thống sẽ báo trên tin nhắn qua điện thoại đã chuyển tiền (bằng chứng nộp tiền). Tất nhiên sau khi có sổ thì check internet banking của mình xem có sổ tài khoản có đúng tiền không…

Có một điểm chung khá phổ biến nữa là việc mất tiền thường diễn ra đối với những khách hàng thân thiết, khách hàng VIP. Do vậy, điều tối kỵ là khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì người gửi cũng không được ký vào các tờ giấy trắng, như trường hợp khách báo mất 32 tỷ đồng xảy ra tại BIDV trước đây. Vì tất cả các mẫu giấy tờ giao dịch về gửi và rút hay chuyển tiền của NH đều có nội dung rõ ràng và nhân viên nhà băng phải tuân thủ theo đúng quy trình của NH để giao dịch với khách. Hơn nữa, với các mẫu giấy trắng đã có chữ ký của khách hàng, nhân viên NH vẫn có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau và thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký, vì có thể đã có sự thông đồng tại các bộ phận khác nhau.

Trên thực tế, nhiều giao dịch viên NH cho biết, số khách hàng đồng ý ký sẵn một tập chứng từ kiểu này không ít. Đôi khi họ đi công tác, lại đến dịp đáo hạn hoặc đảo sổ tiết kiệm nên muốn làm vậy cho tiện. Tuy nhiên, người gửi đừng quên, cách làm này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người gửi tiền.

Tổng hợp tất cả các lời khuyên lại thì có thể nhận thấy những cách lấy tiền của giao dịch viên mà thời gian qua truyền thông đăng tải nhiều chỉ có thể xảy ra nếu người gửi vì ham lãi suất ngoài, tin tưởng giao dịch viên để đưa tiền cho giao dịch viên làm sổ (trường hợp Huyền Như); thì mới có chuyện giao dịch viên làm sổ giả... Còn việc tiền của khách hàng đã nộp thật vào NH, giao dịch viên đã đếm tiền, viết giấy nộp tiền, trình lãnh đạo ký sổ... mà vẫn rút tiền vài tỷ được lọt qua giám sát camera, quy trình vào ra tiền trong khu vực thì như đã nói chỉ có ở NH có quy trình quản lý tiền lỏng lẻo.

Tóm lại, người gửi tiền nên đến gửi tại những NH có uy tín, NH lớn với nhiều quy trình ký nhận chặt chẽ. Ngược lại, để có thể hưởng lãi suất tốt ở những NH có quy mô vừa và nhỏ thì cần cân nhắc xem xét năng lực và uy tín của các NH, đồng thời, tốt nhất vẫn là lựa chọn gửi trực tiếp tại trụ sở của NH hoặc ít nhất cũng phải là những chi nhánh lớn để tránh rủi ro…

Triều Anh

Tin đọc nhiều