Nhân lực ngành Sản xuất: Nhiều cơ hội tuyển dụng cuối năm

13:48 | 21/10/2019

VietnamWorks, trang web tuyển dụng trực tuyến thuộc tập đoàn Navigos Group vừa phát hành Báo cáo thị trường tuyển dụng trực tuyến lĩnh vực Sản xuất năm 2019 tại Việt Nam.

Số liệu thống kê trong báo cáo được phân tích dựa trên hồ sơ ứng tuyển tại VietnamWorks từ năm 2014 đến nay và kết hợp cùng khảo sát trên 750 người tìm việc thuộc lĩnh vực Sản xuất.

Nhu cầu nhiều, cạnh tranh cao

Theo thống kê, top 3 các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất nửa đầu năm 2019 thuộc lĩnh vực Sản xuất là: Quy trình/Sản xuất; Cơ khí; Điện/Điện tử. Đây cũng là top 3 đứng đầu về lượng hồ sơ ứng tuyển trong năm 2019, tức tỷ lệ cạnh tranh cho các công việc này cũng cao nhất.

Xếp theo địa điểm, top 5 các tỉnh thành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất lần lượt là: Hồ Chí Minh; Hà Nội; Bình Dương; Đồng Nai; Hải Dương. Đây cũng là top 5 các địa điểm có tỷ lệ cạnh tranh cao do lượng hồ số ứng tuyển nhiều nhất.

nhan luc nganh san xuat nhieu co hoi tuyen dung cuoi nam

Đáng chú ý, với tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng lẫn nguồn cung lao động tăng mạnh trong 5 năm trở lại đây, Hà Nam đã vươn lên vị trí có tốc độ tăng trưởng cao nhất, với nhu cầu tuyển dụng tăng đến 421%, và nguồn cung lao động tăng đến 615% (so sánh giữa giai đoạn nửa đầu năm 2014 với nửa đầu năm 2019).

Xét theo ngành, Dệt may/Da giày có dấu hiệu giảm nhiệt về nhu cầu tuyển dụng khi nằm cuối danh sách top 10 tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm trở lại đây với 63%. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của nguồn cung lao động của ngành nghề này đứng vị trí thứ 3 với tỷ lệ tăng trưởng trong 5 năm qua đến 209%, so giữa giai đoạn 6 tháng đầu năm 2014 với 6 tháng đầu năm 2019.

Bên cạnh đó, nhóm ứng viên thuộc Dệt may/Da giày cũng là nhóm đang có ý định chuyển việc trong thời gian tới cao nhất, chiếm đến 81% ý kiến. Với tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng không đột biến như các ngành nghề khác, khả năng tìm việc đúng ngành nghề sẽ gặp ít thuận lợi hơn cho ứng viên nhóm này.

Một tỷ lệ cao có ý định chuyển việc

Khi được hỏi về ý định chuyển việc trong 6 tháng tới, có đến 75% ứng viên trong lĩnh vực Sản xuất được khảo sát cho biết họ có ý định thay đổi công việc vào cuối năm 2019. Con số này mở ra cơ hội tìm kiếm và thu hút nhân tài thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp sản xuất vào cuối năm 2019.

Cũng theo khảo sát này, các ứng viên cấp càng cao có ý định chuyển việc càng nhiều. Theo đó, có đến 83% ứng viên thuộc cấp Giám đốc hoặc cao hơn cho biết họ sẽ chuyển việc trong cuối năm 2019, trong khi 76% nhóm ứng viên thuộc cấp Trưởng phòng/Quản lý cũng có đồng quan điểm.

Những ứng viên có nhiều kinh nghiệm, độ tuổi từ 40 trở lên (thuộc thế hệ X –những người sinh từ năm 1965 – 1980), được dự đoán sẽ có nhu cầu tìm việc cao nhất trong cuối năm 2019. Có đến 84% ý kiến trong số họ cho biết ý định chuyển việc, cao hơn so với thế hệ Y (sinh năm 1981 – 1995) chiếm 74%, và thế hệ Z (sinh năm 1996 trở về sau) chiếm 69%.

Phân tích kỹ hơn về thế hệ Gen X muốn chuyển việc, 57% đã làm việc tại công ty từ 5 năm trở lên, 76% đang giữ cấp bậc Quản lý trở lên. Xét theo số năm làm việc tại công ty, ứng viên làm việc càng lâu càng có ý định chuyển việc càng nhiều, theo đó nhóm ứng viên “làm việc tại công ty từ 3 – 5 năm” và nhóm “làm việc tại công ty từ 5 năm trở lên” cùng chiếm đến 81% về ý định chuyển việc.

Khi được hỏi về lý do thay đổi công việc, top 3 các lý do lần lượt là: Mong muốn có mức lương thưởng cao hơn; Mong muốn được hưởng chính sách phúc lợi tốt hơn; Mong muốn có một vị trí/chức vị cao hơn.

Khảo sát về những giải pháp để “giữ chân nhân tài”, các ứng viên cho rằng, “Mức lương thưởng cạnh tranh và phù hợp với năng lực” tiếp tục là giải pháp đứng đầu mà cá ứng viên cho rằng sẽ hiệu quả. Theo sau đó lần lượt là: Môi trường làm việc chuyên nghiệp; Có cơ hội thăng tiến và gắn bó lâu dài.

Có đến 80% các ứng viên tham gia khảo sát cũng cho biết lựa chọn VietnamWorks là kênh tìm việc phổ biến nhất cuối năm 2019. Theo sau đó là kênh "Giới thiệu bạn bè" chiếm 35%; trang mạng xã hội việc làm LinkedIn chiếm 33%; Các trang tìm việc trực tuyến khác chiếm 30%; Mạng xã hội của công ty chiếm 18%.

ĐP

Tin đọc nhiều