Vietcombank điều động, bổ nhiệm hàng loạt nhân sự quản lý cấp cao | |
Vietcombank kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao | |
Ông Phạm Quang Tùng thôi giữ chức Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam |
Trong quý IV/2017, 52,1% TCTD cho biết đã tuyển thêm lao động song vẫn có 25,3% TCTD nhận định tình trạng thiếu lao động chưa được cải thiện, nhất là nhân sự cho nhu cầu công việc hiện tại (Điều tra xu hướng kinh doanh - Vụ Dự báo, Thống kê thực hiện cuối năm 2017).
Nhu cầu nhân sự cao trong khi khả năng đáp ứng còn hạn chế. Và chắc chắn trong năm 2018, các TCTD, trong đó có hệ thống NHTM sẽ tiếp tục tuyển dụng thêm lao động phục vụ cho công việc. Bởi ngay từ cuối năm trước, nhiều NH đã có những kế hoạch chiêu mộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc. Hơn 52% TCTD dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý I/2018 và 68,7% TCTD dự kiến sẽ tăng số lao động trong cả năm 2018.
Nhìn nhận trên thực tế, một chuyên gia tài chính cho rằng: Nhu cầu nhân sự cấp trung của các NH đang được đáp ứng tương đối đầy đủ. Còn với nhân sự cấp cao, vốn là nơi nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường thì lâu nay vẫn có sự thiếu hụt lớn nên dự báo sẽ có những thay đổi tương đối mạnh trong năm 2018. Ngay trong thời gian qua, đã có khá nhiều sự chuyển động nhân sự cấp cao giữa các NH.
Đơn cử như cuối tháng 10/2017, ông Lý Hoài Văn từ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư tại OCB. Hay như Vietcombank trong tháng 12/2017 cũng đã công bố bổ nhiệm 5 nhân sự mới ở các vị trí lãnh đạo cao cấp…
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD có hiệu lực sẽ tạo ra sự dịch chuyển lớn đối với nhân sự cấp cao của nhiều NHTM |
Sự chuyển động này có nhiều lý do. Theo chuyên gia, điểm quan trọng phải nhắc tới đó là thời gian qua, quá trình tái cơ cấu được NHNN chỉ đạo thực sự quyết liệt. Chính điều này khiến nhân sự tại các NH phải thay đổi rất nhiều. Nhưng không chỉ chịu áp lực đổi mới từ yêu cầu của NHNN, mà bản thân các NHTM cũng đòi hỏi sự cải tiến, đổi mới hoạt động ngay từ bên trong nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các mảng kinh doanh mới… nên đòi hỏi nhân sự cao cấp thật sự “chất lượng”.
Lý thuyết mà nói, đòi hỏi về nhân sự cấp cao của NH không những phải đáp ứng được cả yêu cầu về kinh nghiệm làm việc trong hệ thống tài chính - NH mà còn là kinh nghiệm trải nghiệm ở nhiều vị trí tại nhiều bộ phận. “Có những nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm nhưng lại không có kinh nghiệm mở rộng, chỉ tập trung vào một phận sự nào đó. Hoặc ngược lại có những nhân tố trải qua nhiều hoạt động, nhưng lại không ở tầm cấp cao để lãnh đạo được”, chuyên gia này bày tỏ.
Thêm nữa, nhiều nhân sự cấp cao trong NH của Việt Nam thiếu kinh nghiệm quản lý theo thông lệ quốc tế. Trong khi đó, NH Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đi cùng với đó là yêu cầu đòi hỏi tương đối cao đối với người lãnh đạo.
Chính vì điểm này mà một số NHTM tại Việt Nam đã có sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài. Tuy vậy điều gì cũng có hai mặt, nhân sự người nước ngoài, đặc biệt ở những quốc gia phát triển sẽ có nhiều kinh nghiệm trong quản trị, điều hành phù hợp với thông lệ quốc tế. Song họ cũng rất dễ gặp khó khăn, vướng mắc khi khó nắm bắt và thích nghi với môi trường kinh doanh, cung cách làm việc, “văn hóa” công sở khác biệt của hệ thống NH Việt Nam.
Một điểm mà theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng sẽ tạo ra những sự biến động đáng kể với nhân sự cấp cao NH đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 tới đây. Trong đó có bổ sung khoản 4 tại Điều 34: “Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó Giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác”.
Như vậy, lãnh đạo cấp cao NH sẽ không được kiêm nhiệm giữ vị trí chủ chốt tại các DN khác. Đứng trước lựa chọn NH hay DN, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CTCP Him Lam; ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI; ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T; bà Thái Hương - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc BacA Bank đồng thời là Chủ tịch HĐQT TH True Milk đều đã đưa ra quyết định từ bỏ ghế chủ tịch các DN để chọn NH, đáp ứng quy định tại Luật sửa đổi Luật Các TCTD. Theo dõi trên thị trường, hiện còn khoảng gần 10 lãnh đạo cấp cao của NH và DN lớn hiện vẫn chưa đưa ra được câu trả lời chính thức. Đó là chưa kể tới nhiều cái tên ẩn danh khác.
Theo TS. Hiếu, những quy định về nhân sự được nêu cụ thể trong Luật sửa đổi Luật Các TCTD thực sự hợp lý, nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo, thao túng NH và hoạt động “sân trước sân sau”… “Có một thực tế cần thẳng thắn nhìn nhận, nhân sự cấp cao của NH Việt Nam hiện non yếu kinh nghiệm bởi các ông chủ của nhà băng thường là Chủ tịch HĐQT đem người thuộc phe phái, thậm chí quan hệ thân hữu của họ vào, mà không qua quy trình tuyển dụng theo chỉ tiêu hợp lý. Bây giờ ở giai đoạn các NH đang dần tiếp cận và tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế, thì những nhân sự đủ tài và đúng theo tiêu chí thông lệ quốc tế lại không đáp ứng đủ”, vị này chia sẻ.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, mỗi NH phải có một kế hoạch nhân sự kế thừa và ý thức về người kế thừa. Có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng và phát triển những nhân tố, con người có tiềm năng, giúp họ có khả năng bắt kịp với vai trò mà họ sẽ phải đảm nhiệm. Rủi ro trong ngành NH từ mặt nhân sự cho tới tài chính đều là rủi ro tập trung. “Nếu một CEO quá giỏi, cả NH dựa vào họ là rủi ro rất lớn. Chính vì thế, kế thừa lại càng trở nên quan trọng hơn. Không những chỉ với chức danh quan trọng, mà ngay cả trong các khối, ngành của một TCTD cũng phải ý thức được điều này”, chuyên gia cho hay.
Khuê Nguyễn