Nhân sự ngân hàng, chất đã lên ngôi?

11:38 | 26/11/2012

Thời điểm hiện tại là đặc biệt quan trọng để các ngân hàng quan tâm đến chất lượng nhân sự. TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận: “Các ngân hàng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu có được đội ngũ nhân sự có chất lượng. Vậy nên việc giảm bớt các nhân sự yếu kém trong khi tiếp tục bổ sung những lao động có chất lượng là điều cần thiết”.

Hết “nóng” về lượng

Việc nhân sự của các ngân hàng phát triển nóng thời gian trước đây - trong đó chủ yếu liên quan đến tăng số lượng để đáp ứng yêu cầu mở rộng mạng lưới hoạt động kinh doanh - đang có dấu hiệu chậm lại. Theo nhiều chuyên gia, đây dường như là một quy luật “tất yếu phải thế”. “Vì khi phát triển nóng thì người ta phải mở rộng nhanh để có thể chiếm lĩnh được thị phần, khẳng định được thương hiệu… và phải có đủ nhân lực để giải quyết được yêu cầu của hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, khi phát triển nóng như thế thì khó có thể nào lại đi cùng với chất lượng được”, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Giám đốc Điều hành công ty tuyển dụng nhân sự cao cấp Navigos Search nhìn nhận.


Hoạt động ngân hàng cần phải có đội ngũ nhân sự chất lượng cao. (Ảnh: ĐK)

Vị giám đốc nhân sự này cho rằng, cái gì cũng có quy luật cả. Sau một thời gian phát triển quá nóng thì bao giờ cũng phải có một giai đoạn điều chỉnh chậm lại. Lấy ví dụ nhân sự trong ngành chứng khoán, đã có thời gian mà: ra ngõ gặp người buôn “chứng”, nhà nhà chứng khoán, người người chứng khoán. Kéo theo đó là các công ty chứng khoán (CTCK) mọc ra như nấm và thu hút một lượng lớn nhân sự vào ngành này. Tuy nhiên khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường ảm đạm cùng với việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư rời bỏ cuộc chơi khiến cho các CTCK đứng trước vô vàn khó khăn và áp lực phải tái cấu trúc thực sự. Nhân lực làm trong ngành này ngày càng giảm với thu nhập cũng thấp đi đáng kể.

Đây cũng có thể xem là tấm gương nhỏ phản ánh bức tranh của các ngân hàng hiện nay. Kinh tế khó khăn, hoạt động ngân hàng cũng khó khăn hơn nên giờ buộc các ngân hàng phải chậm lại, phải điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Chỉ có ngân hàng nào có chiến lược dài hạn, có nền tảng nhân sự tốt, hệ thống tốt mới vượt qua được những khó khăn hiện nay để phát triển bền vững trong tương lai.

Hơn thế nữa, quá trình điều chỉnh, tái cấu trúc lại hoạt động và nhân sự của các ngân hàng hiện nay cũng phù hợp với chủ trương tái cấu trúc ngành tài chính - ngân hàng của Chính phủ và lộ trình thực hiện tái cơ cấu các TCTD của NHNN.

Giờ cần đến “chất”

Trong những năm tăng trưởng nóng trước đây, các ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng và việc này theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, đưa đến hai hệ quả: Thứ nhất, chất lượng nhân viên không thực sự đồng đều; Thứ hai, nảy sinh ra vấn đề thừa nhân sự khi nền kinh tế khó khăn, hoạt động của các ngân hàng thu hẹp. Đứng trước thực tế này, các ngân hàng đã bắt đầu các kế hoạch mạnh tay với tuyển dụng và cắt giảm nhân sự. Cụ thể, tình hình tuyển dụng nhân sự của nhiều NHTM trong 9 tháng đầu năm đã giảm mạnh so với những năm trước. Đặc biệt trong quý III vừa qua, số lượng nhân sự tuyển mới ở các ngân hàng càng có dấu hiệu giảm mạnh trong khi tỷ lệ cắt giảm tăng lên. Cá biệt, đã có ngân hàng cắt giảm nhân sự khá mạnh tới trên 600 lao động.


Đã có ngân hàng cắt giảm tới 600 lao động. (Ảnh: KĐK)

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chất lượng. Các chuyên gia dự báo xu hướng này sẽ còn diễn ra, thậm chí mạnh hơn trong quý IV năm nay và nửa đầu năm tới khi tiến trình tái cấu trúc được dự báo còn lớn và quyết liệt hơn trong khi áp lực doanh thu, lợi nhuận trong năm 2013 cũng không hề nhỏ. Theo bà Vân Anh, dù đứng ở góc độ vĩ mô hay chỉ từ một người dân bình thường thì sự điều chỉnh này là một dấu hiện tích cực xét về lâu dài. “Vì mọi người đều muốn sự phát triển phải trên nền tảng bền vững, chắc chắn chứ cũng không muốn một hệ thống ngân hàng mà cứ tăng trưởng nóng mãi như thế”, vị này bình luận.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Hiếu nhìn nhận: “Các ngân hàng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu có được đội ngũ nhân sự có chất lượng. Vậy nên việc giảm bớt các nhân sự yếu kém trong khi tiếp tục bổ sung những lao động có chất lượng là điều cần thiết”. Mặt khác, chuyên gia này cho rằng, việc giảm tuyển mới và cắt giảm lao động cũ đang xảy ra mang tính hệ thống chứ không phải chỉ của một vài ngân hàng đơn lẻ. Do đó nhìn về lâu dài thì điều này sẽ giúp cho hệ thống nhân sự hoạt động trong ngành Ngân hàng sẽ ngày càng chất lượng hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, chủ trương cắt giảm lao động tại các ngân hàng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến bản thân những nhân viên bị cắt giảm và cả những nhân viên đang làm việc. Theo bà Vân Anh, xử lý vấn đề này không đơn giản và nó tùy thuộc vào mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, nguyên tắc chung là phải làm rất bài bản, chứ không đơn thuần là việc “tôi không cần anh nữa thì anh phải ra đi”. Ví dụ, cần có giải thích thuyết phục lý do vì sao ngân hàng phải làm thế; vì sao lại chính là nhân viên đó bị cắt giảm; những hỗ trợ về tài chính, tinh thần, thời gian… mà ngân hàng có thể giúp họ là gì. “Dù cắt giảm là xu thế phải làm nhưng làm sao giữ được thương hiệu, uy tín của mình cũng quan trọng không kém”, bà Vân Anh nói.

Bên cạnh đó, một ngân hàng muốn hoạt động tốt và thực sự hiệu quả thì từ đội ngũ cao nhất đến các cấp dưới đều cần được đào tạo bài bản để kịp thời cập nhật những biến chuyển mới trên thị trường, những sản phẩm mới và học hỏi những cách thức quản lý mới trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Cùng với đó, để tuyển dụng được lực lượng nhân sự mới đủ tiêu chuẩn và chất lượng tốt hơn thì bản thân đội ngũ chuyên tuyển dụng của các ngân hàng cũng cần được đào tạo tốt hơn.

Đỗ Lê

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều