Nhân sự ngân hàng: Đào tạo lại hay tuyển mới?

10:03 | 04/12/2020

Trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây với luồng lao động trong và ngoài nước sẽ được dịch chuyển dễ dàng và cạnh trạnh hơn thì thách thức với lao động Việt Nam nói chung, nhân sự lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng là không nhỏ.

Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân sự ở nhiều ngân hàng cũng có sự biến động theo và cho thấy có sự khác biệt trong sử dụng lao động giữa các nhà băng. VPBank được xem là một trong những ngân hàng cắt giảm nhân sự mạnh nhất với gần 4.800 nhân viên, giảm 17,7% so với cuối năm 2019. Tương tự, OCB giảm tới 1.614 người, tương đương giảm 27% so với đầu năm; MB giảm 1.071 người - tương đương giảm 6,8%. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận cắt giảm nhân sự trong 9 tháng đầu năm như Sacombank, HDBank, SeABank…

Tuy nhiên ngược lại, cũng có không ít ngân hàng tăng thêm số lượng nhân sự so với thời điểm đầu năm, như: VIB tăng 1.480 nhân viên, BIDV tăng thêm 461 nhân viên, LienVietPostBank tăng thêm 386 nhân viên. Vietcombank cũng dự kiến tăng 12% quy mô nhân sự trong năm 2020 - tương đương tuyển dụng thêm hơn 2.200 nhân viên mới và mở mới 5 chi nhánh; tính đến hết tháng 9/2020 ngân hàng này có 20.370 nhân viên - tăng 1.422 so với đầu năm…

nhan su ngan hang dao tao lai hay tuyen moi
Cần chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sao phù hợp với chuyển đổi số

Trên thực tế, trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, áp lực với các ngân hàng là không hề nhỏ khi vừa phải thu xếp nguồn lực để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song vẫn phải duy trì một khoản chi phí tương đối để đảm bảo vận hành hệ thống. Tuy nhiên theo một chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng cắt giảm nhân sự chủ yếu là do cơ cấu lại hoạt động. Đặc biệt là xu hướng chuyển đổi số hiện nay khiến một số công đoạn của ngân hàng đã được thay thế bằng công nghệ, không phụ thuộc quá nhiều vào sự vận hành của con người nên nhân sự cũng có sự tiết giảm hơn.

“Sự thay đổi nhân sự của các ngân hàng chủ yếu là do cơ cấu hoạt động. Bằng chứng là vẫn có những ngân hàng tuyển dụng thêm nhân sự để mở rộng hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh”, vị chuyên gia này nhấn mạnh. Tuy nhiên, tiến trình số hóa hoạt động của các ngân hàng cũng đòi hỏi một lượng không nhỏ nhân sự mới với những kỹ năng mới.

Có thể thấy việc tuyển dụng mới là quan trọng, nhưng theo chia sẻ của CEO một NHTMCP, “cũng có những nhà băng nhận thấy vẫn có thể tận dụng chính những con người mà mình đang có để đào tạo, đào tạo lại, bổ sung kiến thức, kỹ năng để làm sao thích ứng và phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, tiết kiệm chi phí tuyển dụng mới cho ngân hàng. Vì ngân hàng cũng như DN, đều mong muốn nhân sự ổn định, gắn bó lâu dài với mình”.

Đồng tình như vậy, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, việc tìm kiếm nhân tài phục vụ chuyển đổi số không dễ dàng với ngân hàng nói chung, và càng không dễ với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Để thu hút nhân tài, đồng nghĩa ngân hàng phải mang tới một môi trường làm việc, động lực tốt nhất. Nhưng có một thực tế chuyên gia này cũng đề cập là các công ty công nghệ, start-up được đánh giá mang tới cho các kỹ sư nhiều vấn đề mới mẻ để thử thách và xử lý hơn, môi trường làm việc cũng có phần cởi mở hơn so với văn hoá nhiều tính kiểm soát như ngành tài chính – ngân hàng.

Nhìn rộng ra, trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia gần đây với luồng lao động trong và ngoài nước sẽ được dịch chuyển dễ dàng và cạnh trạnh hơn thì thách thức với lao động Việt Nam nói chung, nhân sự lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng là không nhỏ.

PGS.TS Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, một trong những điểm yếu lớn của ngành tài chính – ngân hàng hiện nay là khan hiếm nghiêm trọng nguồn lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế… đặc biệt là các chuyên gia tài chính – ngân hàng có bằng cấp quốc tế. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, các ngân hàng phải mất rất nhiều chi phí để thuê chuyên gia nước ngoài.

Bàn về nhân sự thời gian tới, chuyên gia cho rằng cũng như tình trạng chung của nhiều ngân hàng trên thế giới, nhân sự ngân hàng Việt Nam vẫn là xu hướng giảm. Trong tương lai, tác động rõ ràng nhất của cuộc CMCN lần thứ 4 là các hệ thống ngân hàng truyền thống sẽ dần bị thay thế bởi công nghệ hiện đại. Sự thu hẹp của các văn phòng giao dịch sẽ dẫn tới sự biến mất của một số vị trí làm việc trong ngân hàng như giao dịch viên, bán lẻ… Các nhóm nghề này được nhận định có khả năng cao sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi tự động hoá. Thực tế, nhiều quốc gia tại các ngân hàng đã sử dụng robot phục vụ khách hàng tại trụ sở giao dịch, như HSBC tại Mỹ bổ nhiệm robot làm trợ lý khách hàng, Citibank cũng dự kiến sa thải 10.000 nhân viên để dùng robot thay thế…

Đứng trước rất nhiều thách thức và yêu cầu của thời kỳ phát triển mới, mỗi ngân hàng phải có chính sách điều chỉnh nguồn nhân lực sao cho phù hợp với thay đổi của chuyển đổi số và trên hết là phải linh hoạt, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Chuyên gia cho rằng, nhân lực linh hoạt sẽ tận dụng được tối đa hiệu quả của trí tuệ nhân tạo; cộng với đó là khả năng đánh giá và xử lý tình huống, ra quyết định khi máy móc gặp vấn đề.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều