Tái cấu trúc để nâng cao chất lượng
HĐQT Techcombank mới đây đã thông qua đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Lê Quốc Anh - Tổng Giám đốc Techcombank; VPBank vừa công bố miễn nhiệm nhân sự cấp cao là Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Tín dụng tiểu thương, Phó Tổng Giám đốc thường trực kiêm Giám đốc điều hành cao cấp;... Không chỉ nhân sự cấp cao, cắt giảm nhân sự lớn cũng diễn ra ở một số ngân hàng. Riêng năm 2019, như VPBank đã giảm hơn 2.000 người, NCB giảm 500 người; hàng loạt ngân hàng khác như OCB, VietinBank, ACB, SHB, Saigonbank... cũng cắt giảm nhân sự, với tổng lượng cắt giảm lên tới hơn 4.000 người.
Xu hướng thay đổi CEO là bình thường trong hoạt động phát triển ngành Ngân hàng hiện nay. Thực tế, không phải như thời gian trước, khi ngân hàng có sự cắt giảm nhân sự sẽ đi cùng với ít nhiều lo lắng về sức khoẻ kinh doanh của nhà băng đó. Mà hiện nay, việc cắt giảm nhân sự được ghi nhận là một trong những động thái tái cấu trúc của nhà băng để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình. Như ở VPBank, năm 2019 giảm hơn 2.000 người nhưng tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng mẹ 24%, lợi nhuận trước thuế 5.835 tỷ đồng - chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất. Hay như OCB, nhân sự có giảm mạnh năm 2019 nhưng ngân hàng này vẫn ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ đạt 3.232 tỷ đồng - tăng gần 47% so với năm 2018...
Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực |
Thêm nữa, bên cạnh những ngân hàng cắt giảm nhân sự, có không ít nhà băng tuyển dụng bổ sung. Tính trong tháng 2/2020, ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank đều thông báo đang có nhu cầu tuyển thêm rất nhiều nhân sự cho các vị trí khác nhau. Các NHTM có quy mô nhỏ hơn như ACB, SHB, OCB, SeABank, Sacombank, MB... cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều vị trí như chuyên viên khách hàng, chuyên viên tư vấn, chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp hỗ trợ tín dụng.
Theo chuyên gia, việc cắt giảm nhân sự hay tuyển dụng bổ sung phụ thuộc vào định hướng tái cấu trúc của ngân hàng muốn phát triển mở rộng hay theo chiều sâu trong giai đoạn các ngân hàng đang định hướng lại chiến lược, mô hình kinh doanh. Chưa kể khi Hiệp định EVFTA đã được phê duyệt và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 năm nay, nếu Việt Nam có hai TCTD đáp ứng được tiêu chuẩn để có thể tăng room ngoại lên 49%, thu hút được sự quan tâm của đối tác nước ngoài thì đây cũng sẽ là một trong những nguyên do dẫn tới thay đổi về nhân sự.
TS-LS Bùi Quang Tín cho rằng, với một lĩnh vực đòi hỏi cao và cạnh tranh gay gắt như ngân hàng thì áp lực dồn lên các nhân sự cấp cao là vô cùng lớn. Cùng với đó các yếu tố khác về quan hệ sở hữu, thay đổi chiến lược cũng là yếu tố tác động đến việc đi và ở của họ. Theo chuyên gia này, mọi thay đổi đều có lý do và được nhắc tới nhiều hiện nay là quá trình tái cơ cấu ngân hàng.
Đòi hỏi của thực tế
Việc tái cơ cấu với ngân hàng là nhu cầu tất yếu để nâng cao sức khoẻ tài chính, năng lực cạnh tranh. Và trong bối cảnh hiện nay, theo giới chuyên gia, CMCN 4.0 sẽ khiến cho xu hướng nhân sự trong ngành tài chính - ngân hàng sẽ diễn biến với việc giảm số lượng nhân sự do thay thế của máy móc, trí tuệ nhân tạo; giảm các công việc có xu hướng phức tạp, yêu cầu năng lực về công nghệ cũng như sự linh hoạt, đổi mới để thích nghi với những tiến bộ của công nghệ; cạnh tranh với nhân sự đến từ các công ty Fintech. TS. Cấn Văn Lực nhận định, các ngân hàng tại Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với hai vấn đề về tuyển dụng nhân sự có năng lực về công nghệ và xây dựng chiến lược phát triển và tái cơ cấu lại nhân sự để phù hợp với mô hình kinh doanh mới. Giải pháp đưa ra là tái cơ cấu lại các vị trí để phù hợp với mô hình mới; xác định kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu thời đại; xây dựng môi trường làm việc sáng tạo, linh hoạt; có chiến lược quản trị nhân tài hợp lý.
Đơn cử với việc tái cơ cấu các vị trí trong ngân hàng, máy móc sẽ thay thế con người là chuyện không phải bàn cãi. Chính vì thế, các nhà băng phải sẵn sàng chuẩn bị cho sự thay thế này bằng cách nhanh chóng thích ứng. Một số vị trí mới cần thiết trong tương lai theo chuyên gia sẽ là kỹ sư machine learning, kỹ sư deep learning, chuyên gia phân tích gian lận, chuyên gia chiến lược cho vay... Theo đó, các ngân hàng trước mắt phải đánh giá lại công việc dựa trên cơ sở phân loại theo nhóm việc có thể thực hiện bởi máy móc và những công việc thực hiện bởi con người. Từ đó, xác định vị trí mới có giá trị cao hơn con người có thể đảm nhận. Lấy một ví dụ như với việc tổng hợp dữ liệu bởi bộ phân phân tích nhận diện khách hàng, sẽ được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo để phân tích, phát hiện ra các trường hợp bất thường, đánh giá rủi ro; hay với việc ứng dụng blockchain để hỗ trợ thì nay tiến thêm một bước tìm ra cách để công nghệ này tạo thêm giá trị cho ngân hàng...
TS. Cấn Văn Lực cũng chia sẻ thêm, ngân hàng sẽ hình thành các nhóm dự án gồm nhiều thành viên tới từ các bộ phận chức năng khác nhau. Trong đó người trưởng nhóm phải là người cùng sáng tạo, hợp tác với tất cả thành viên, có quyền ra quyết định khi có sự việc phát sinh. Điều này có nghĩa ngân hàng phải xây dựng kỹ năng lãnh đạo ở nhiều cấp bậc.
Ernst&Young dự báo đến khoảng năm 2020 - 2022, các ngân hàng sẽ cắt giảm từ 20 - 30% nhân sự. Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Với riêng lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ngân hàng nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng được nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết các thách thức của mình thì sẽ có lợi thế trong cạnh tranh.
Nhóm nghiên cứu TS. Phan Anh, ThS. Lê Trọng Khanh (Học viện Ngân hàng) cho rằng, trong môi trường toàn cầu hoá, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự bùng nổ của CNTT, kiến thức có ảnh hưởng sâu sắc tới sự thành công của mỗi ngân hàng. Song, CNTT chỉ là công cụ để trợ giúp cho con người trong các hoạt động. Quá trình ứng dụng CNTT chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi người sử dụng nó phải am hiểu và thành thạo. Bởi vậy, việc đào tạo nhân sự ngân hàng cần tiến một bước trước khi ứng dụng công nghệ. Bản thân nhân viên của mỗi nhà băng cũng phải thường xuyên cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới khi vai trò, tiêu chuẩn của nhân viên ngân hàng trong bối cảnh công nghệ số sẽ khác rất nhiều so với hiện nay.
Minh Khôi