Nhân sự ngân hàng: Hứa hẹn làn gió mới

16:03 | 04/05/2018

Sau đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thông tin đổi chủ ghế nóng tại nhiều NH liên tục được đưa ra khiến dư luận đặc biệt quan tâm. 

Hội đồng quản trị BIDV có người phụ trách, điều hành mới
Nhân lực – chìa khóa để tăng sức cạnh tranh

Giới chuyên gia nhận thấy, việc thay đổi nhân sự cấp cao không gì ngoài việc nhằm mục tiêu đưa NH có những bước tiến phát triển vượt bậc, bền vững hơn. Đặc biệt khi tái cơ cấu hệ thống TCTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 của NHNN.

nhan su ngan hang hua hen lan gio moi
Tái cơ cấu hệ thống TCTD đòi hỏi NH phải có kế hoạch cho vấn đề nhân sự

Đầu tiên phải nói tới sự dịch chuyển lãnh đạo cấp cao giữa các NH với nhau. Đơn cử như bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank được bầu vào HĐQT Eximbank. Ông Nguyễn Cảnh Vinh được bổ nhiệm giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank. Trước đó, ông Vinh là CEO của SeABank và từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Techcombank.

Kienlongbank cũng đã bổ nhiệm ông Võ Văn Châu, thành viên HĐQT kiêm CEO NH này giữ chức Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO Kienlongbank, ông Châu từng là CEO của OCB. Tại ĐHCĐ của BIDV, cổ đông nhất trí bổ sung ông Phạm Quang Tùng, cựu Chủ tịch HĐQT VDB làm thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022.

Mới đây nhất, ABBank ra thông báo chính thức tuyển dụng và bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn Tổng giám đốc thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân. Trước đó, vào tháng 1/2018, ABBank công bố ông Cù Anh Tuấn thôi giữ chức CEO, Phó tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Quân được giao nhiệm vụ tổng giám đốc NH này. Bà Hoa cũng từng giữ chức tổng giám đốc VIB (giai đoạn 2011-2012). Hay tại ĐHCĐ Vietcombank mới đây, khá bất ngờ khi ông Trương Gia Bình trúng cử thành viên độc lập của HĐQT Vietcombank nhiệm kỳ 2018.

Một điểm nữa cũng là nguyên nhân dẫn tới việc thay đổi nhân sự cấp cao tại NH, đó là quy định mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Theo đó, Chủ tịch, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của TCTD không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở DN. Điều này dẫn tới không ít ông chủ nhà băng quyết định rời ghế NH và lựa chọn DN.

Như trường hợp tại Kienlongbank, cổ đông NH này nhất trí bầu ông Lê Khắc Gia Bảo giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Kienlongbank thay cho ông Võ Quốc Thắng sau khi ông Thắng quyết định giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của CTCP Đồng Tâm. Hay ông Vũ Văn Tiền thôi đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT ABBank, toàn tâm toàn ý cho Tập đoàn Geleximco. Ông Tiền cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán An Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Xi măng Thăng Long và Chủ tịch HĐQT CTCP Giấy An Hòa.

Việc lựa chọn nhân sự cấp cao là những người cũ trong hệ thống NH là chuyện dễ hiểu khi điểm mạnh của đối tượng này là kinh nghiệm và có mối quan hệ được phát triển và duy trì qua nhiều năm hoạt động. Nhưng các chuyên gia lại cho rằng, đội ngũ thành viên trong HĐQT cần chú ý hai điểm:

Ưu tiên cho những người trẻ, tư duy mới để thay đổi định hướng phát triển của NH. Nếu không NH đó vẫn sẽ quẩn quanh ở phương pháp, cách thức điều hành quản trị cũ, không có bước tiến mang tính đột phá. Thứ hai là vai trò của thành viên độc lập.

“Thành viên độc lập trước nay mới chỉ nằm trên giấy trắng mực đen, còn vai trò trên thực tế lại tương đối mờ nhạt. Về lý thuyết, họ phải là người phản biện chính sách, chiến lược của HĐQT đặt ra và nhắm vào quyền lợi của những cổ đông nhỏ lẻ. Cơ quan quản lý, NH phải đẩy mạnh hơn nữa vai trò của thành viên độc lập”, chuyên gia nhận định.

Vị này cũng không hoàn toàn đồng tình rằng sự thay đổi nhân sự cấp cao của một số NH vừa qua đã có thể xem là sự “thay máu” để thực sự có một đội ngũ nhân sự lãnh đạo có định hướng mới, chiến lược kinh doanh đột phá. Ông cho rằng thay vì để nhân sự cấp cao của NH “chạy vòng quanh”, thì việc bổ nhiệm những nhân sự lãnh đạo hạng trung lên vị trí cấp cao có thể sẽ hiệu quả hơn.

“Đó là những người đã có thời gian gắn bó với NH, hiểu rõ về ngôi nhà của mình hơn cả. Nên trao cơ hội cho những người trẻ có tính chuyên nghiệp, trình độ và đạo đức kinh doanh đã được quá khứ “chứng nhận”. Tư duy của những người đã ở trong một cấp bậc nào đó rất khó thay đổi, nên việc để loanh quanh một vài nhân tố lãnh đạo cấp cao giữa NH với nhau đôi khi chưa hẳn là tốt nhất”.

Trong thời gian tới, giới chuyên gia dự báo hệ thống NH sẽ đón nhận thêm nhiều sự thay đổi về lãnh đạo cấp cao. Nhiều khả năng sẽ có nhân tố lãnh đạo trẻ hơn, được đào tạo bài bản hơn. Đó là chưa kể nhiều nhân vật vẫn đảm nhiệm cả hai vị trí lãnh đạo NH và DN như bà Lê Thị Băng Tâm hiện kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT HDBank và Vinamilk. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Phó chủ tịch HĐQT HDBank, đồng thời giữ chức Tổng giám đốc VietJet Air, bà Nguyễn Thị Nga kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT SeABank và BRG Group…

Chuyên gia cũng bày tỏ, “những người giữ vị trí lãnh đạo cấp cao NH sẽ ngày càng phải thấu hiểu việc quan tâm nhiều hơn tới lợi ích và quyền lợi của khách hàng. Từ đó có những hành xử, chính sách, chiến lược phát triển đúng theo thông lệ quốc tế, phát huy tối đa hiệu quả phục vụ cho các thành phần kinh tế”.

Khuê Nguyễn

Tin đọc nhiều