500 cơ hội làm việc tại Sacombank | |
ANZ Việt Nam có Tổng giám đốc mới | |
Maritime Bank mở thêm 9 chi nhánh, tuyển 559 nhân sự |
Quả vậy, trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đang muốn tận dụng và vượt lên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh điện toán đám mây, dữ liệu lớn thì các làn sóng công nghệ mới như blockchain hay trí tuệ nhân tạo (AI)… sẽ là những chìa khoá quan trọng có thể giúp Việt Nam bứt phá. Lĩnh vực ngân hàng – một trong những lĩnh vực áp dụng blockchain và AI rộng rãi nhất - vì thế sẽ rất cần các nhân lực giỏi.
Ảnh minh họa |
Trong một báo cáo gần đây của Tập đoàn HSBC, có thể trong một tương lai rất gần, tại nhiều ngân hàng sẽ xuất hiện những công việc, những chức danh rất mới chuyên sâu về công nghệ như: chuyên viên thiết kế trải nghiệm thực tế ảo; chuyên viên thiết kế thuật toán; chuyên viên thiết kế giao diện đối thoại; chuyên viên tư vấn dịch vụ quốc tế môi trường thực tế ảo; kỹ sư quy trình số hay chuyên gia thúc đẩy hợp tác.
Thậm chí với sự phát triển quá nhanh của công nghệ hiện nay, sẽ còn nhiều chức danh, việc làm mới nữa mà chúng ta còn chưa mường tượng hết. Chỉ biết rằng, với năng lực và trình độ sẵn có, cùng với đó là thái độ cầu thị, không ngừng học hỏi các công nghệ mới thì cơ hội sẽ rộng mở cho nhiều nhân lực hiện đang làm việc ở trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nếu đặt sự phát triển nhanh chóng của cách mạng số trong bối cảnh hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ tham gia như AEC hay đặc biệt là CPTPP với luồng lao động nội - ngoại được dịch chuyển dễ dàng và cạnh tranh hơn, có thể thấy thách thức cho các lao động Việt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là không hề nhỏ.
Rất có thể sẽ có nhiều công việc, chức danh công việc như tạm kể ra ở trên sẽ không được trao cho các nhân lực người Việt mà rơi vào tay người nước ngoài. Bởi nếu không quá chú trọng tới yếu tố chi phí lương và thu nhập mà chỉ quan tâm tới mục tiêu và chất lượng cho mỗi đầu chức danh công việc cần đạt được, các ông chủ nhà băng trong nước sẽ không ngần ngại chi lương thưởng cao để thu hút người tài, người nước ngoài vào làm việc để có thể hiện thực hóa khát vọng vươn ra hoạt động tại các thị trường khu vực và quốc tế.
Theo PGS - TS. Lê Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính – Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những điểm yếu lớn của ngành tài chính – ngân hàng hiện nay là khan hiếm nghiêm trọng nguồn lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, đầu tư quốc tế, thanh toán quốc tế… và đặc biệt là các chuyên gia tài chính – ngân hàng có bằng cấp quốc tế. “Thế nên trong nhiều trường hợp, các ngân hàng đã phải mất rất nhiều chi phí thuê chuyên gia nước ngoài”, bà Tâm cho biết.
Trong khi từng nhân viên ngân hàng trong nước đang phải đối mặt với cạnh tranh và phải không ngừng “nâng cấp”, hoàn thiện mình để giữ được vị trí công việc hiện tại thì ở chiều ngược lại, sự thâm nhập mạnh mẽ hơn của các định chế tài chính nước ngoài trong thời gian tới cũng tạo ra cơ hội để họ dễ dàng “nhảy việc”.
Với bề dày kinh nghiệm, lợi thế về một môi trường làm việc mang tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo, chính sách đãi ngộ tốt hay cơ hội được làm việc, tích lũy kinh nghiệm ở nhiều thị trường… các ngân hàng nước ngoài hứa hẹn sẽ trở thành “cục nam châm” thu hút một lượng không nhỏ nguồn nhân lực chất lượng cao từ các NHTM Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao nhiều chuyên gia gần đây rất lo ngại về nguy cơ chảy máu chất xám và chuyển dịch nguồn nhân lực tài chính – ngân hàng khi CPTPP có hiệu lực. Đây cũng chính là bài toán đầy thách thức cho các NHTM trong nước.
Có thể khẳng định chất lượng nguồn nhân lực được xem là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành công và phát triển bền vững trước những thay đổi của CMCN 4.0 và quá trình hội nhập hiện nay. Chất lượng nguồn nhân lực không chỉ là về trình độ nghiệp vụ ngân hàng, mà đi liền với đó là kỹ năng về vận hành công nghệ số, tính tuân thủ về quy trình vận hành cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong môi trường IT…
Do đó, các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng nhân lực... cần được nghiên cứu chỉnh sửa hợp lý nhằm thu hút được nhân tài phục cho ngành Ngân hàng. Đây không chỉ là công việc trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngân hàng trong tương lai.
Đỗ Lê