Ảnh minh họa |
Người cũ đối mặt với yêu cầu mới
Sau khi sáp nhập, lãnh đạo một NHTMCP (có liên quan tới một hãng bay giá rẻ) tuyên bố rộng rãi rằng: Toàn bộ biển hiệu của ngân hàng (NH) bị sáp nhập tại 65 điểm giao dịch sẽ được tháo xuống, NH cũng thực hiện việc sắp xếp lại mạng lưới nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Vị này cũng nói chắc như đinh về việc cam kết không để nhân viên bị mất việc, chỉ có sự sắp xếp, điều chuyển phù hợp; Quyền lợi của nhân viên bị sáp nhập cũng được đảm bảo.
Nhưng mới đây, khi gặp anh K., nhân viên cũ của NH đã sáp nhập mới biết thực tế rằng, chỉ thời gian ngắn, lượng nhân viên bỏ việc và bị rơi vào trường hợp phải bỏ việc tại NH sáp nhập là rất lớn. Anh kể rằng, dù không chính thức sa thải nhưng phần lớn lãnh đạo đơn vị mới “vô tình” tạo áp lực để nhân viên tự nghỉ. Thành ra, cả trăm đồng nghiệp của anh cũng bỗng dưng mất việc. Có người đã tìm được đơn vị mới, nhưng cũng có người từ lúc nghỉ việc đến nay vẫn thất nghiệp vì rất nhiều NH hiện cũng đang tái cơ cấu, giảm bớt nhân sự.
Theo anh K., toàn bộ lãnh đạo NH cũ của anh đều nghỉ hết sau khi NH chính thức sáp nhập. Còn dàn nhân viên ở dưới, có những bộ phận bị nghỉ hết sau cả chục năm gắn bó. Nghỉ việc là đúng bởi hệ thống vận hành của NH mới khác nhiều so với NH cũ. Đơn cử, hệ thống Core của NH mới là của Trung Quốc, trong khi NH cũ của anh vận hành Core từ Đan Mạch. Do đó, sau khi chuyển giao công nghệ, toàn bộ nhân viên của Phòng vận hành hệ thống Core NH cũ phải “giải tán” vì không còn phù hợp với mô hình mới. Hay nói cách khác, không còn vị trí nào cho họ.
Một yếu tố nữa cũng quyết định đến việc nhân viên tự nghỉ việc đó là khi về với NH mới, họ không được giao việc gì cụ thể. Anh K. là một ví dụ. Anh kể rằng, bộ phận Marketing của anh gồm 4 người hiện chỉ còn lại 1. “Chỉ ngồi đó mà không có việc, nản quá mọi người đành đệ đơn xin nghỉ. Còn lại một số khác thì đang bị giao việc quá nhiều. Đó là chưa kể sau giờ làm phải ở lại học thêm những cái mới của NH mới. Đến khi quá tải, họ cũng phải tính đến chuyện nghỉ việc mà thôi”, anh K. tâm sự.
Theo chị L., nhân viên một NH tiền thân ở miền Tây Nam bộ vừa mới sáp nhập cho biết: thời điểm cận Tết vừa qua, chị không nhận được lương suốt từ 3-5 tháng trước đó. Trong khi đó, nhân viên của NH “mẹ” vẫn ung dung “đếm tiền” đều đặn hàng tháng. Điều này khiến một lượng lớn người lao động tại đây rơi vào hoàn cảnh khó khăn và tính đến chuyện ra đi.
Là một nhân viên đã nghỉ việc, chị Quỳnh Như (cũng ở NH trên) cho biết, chị thuộc diện… có thông tin bị cắt giảm khi NH này tái cơ cấu. Không riêng gì chị mà rất nhiều vị trí cũng bị lọt vào danh sách sẽ bị nghỉ, hoặc thông tin lan truyền rằng sẽ có những phòng ban bị xóa sổ. “Dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng khi đã ngồi ở vị trí cao, nghe những thông tin như thế thì phần lớn người lao động tự ý xin nghỉ trước khi có thông báo chính thức. Đó cũng là vị mỗi người có tự ái riêng của mình”, chị Như nói.
Cũng đã từng có chung hoàn cảnh, anh Phong (cán bộ tín dụng của một NH hợp nhất từ 3 NH) kể lại chuyện cũ, lúc đó anh rất bối rối khi phòng giao dịch của mình bị đóng cửa. Theo anh, “người tính không bằng trời tính” vì phòng giao dịch bị đóng cửa đồng nghĩa với việc anh phải tự nghỉ chứ không cần phòng nhân sự đưa ra lý do nào khác.
“Cắt giảm chi phí, những phòng giao dịch không đạt chỉ tiêu phần lớn bị đóng cửa/dời địa điểm/gom vào phòng giao dịch khác. Những thay đổi trên khiến rất nhiều nhân viên phải tản đi tìm việc mới, thậm chí có những đồng nghiệp không kiếm được việc phải chuyển sang làm sale cho những nhãn hàng khác…”, anh Phong nói.
Sự thanh lọc chẳng thể... đặng đừng
Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự mất việc. Có thể đó là do sự khác nhau về chiến lược kinh doanh của lãnh đạo ngân hàng sau sáp nhập, nhưng cũng có thể là “đòn” tâm lý của lãnh đạo NH mới muốn đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu chuyên môn cao hơn. Song, dù lý do gì thì kết quả cuối cùng vẫn là chuyện người lao động tự dưng mất việc mà họ đã dày công gây dựng, gắn bó bao nhiêu năm. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, bản thân họ không lầm lỗi, họ cũng là người cố gắng trong công việc, họ dùng hết chất xám của mình để phát triển chung cho hệ thống nhưng vì lý do họ là bên yếu thế nên bị mất việc.
Tới đây, Đề án sáp nhập Sacombank và SouthernBank nhiều khả năng được triển khai thành hiện thực. Chuyện mua bán, chuyển đổi, sáp nhập là điều thường tình trong nền kinh tế, nhưng nhìn ở góc độ nào cũng thế, người thắng cuộc có quyền quyết định tất cả. Chỉ tội cho nhóm “hàng binh” không biết tương lai của mình.
PV
thoibaonganhang.vn