Nhân sự ngân hàng - vừa thừa vừa thiếu

15:11 | 17/07/2013

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành tài chính, ngân hàng đã báo động từ lâu về sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và sự thiếu hụt này đang xảy ra tại các NHTM, nhất là đội ngũ quản trị điều hành là cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao với khả năng phân tích, tổng hợp và dự báo cùng với sự am hiểu về pháp luật cũng như khả năng linh hoạt, độc lập xử lý các vấn đề thực tế.

Giảm nhân sự, giảm lương

Ảnh minh họa

Không tuyển mới, giảm nhân viên, cắt bớt quỹ lương thưởng... là những cách cắt giảm chi phí được nhiều ngân hàng áp dụng trong những tháng đầu năm nay. Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thực hiện cắt giảm 223 nhân sự trong quý I/2013. Bên cạnh đó, bình quân lương và phụ cấp nhân viên ACB trong 3 tháng đầu năm nay chỉ hơn 9,5 triệu đồng/tháng, trong khi con số này của năm 2012 là 14,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, so với cùng kỳ 2012, 3 tháng đầu năm nay, thu nhập nhân viên ACB giảm khoảng 30%. Kế hoạch năm 2013 của Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) sẽ mạnh tay cắt giảm nhân sự tới 13,9% so với năm 2012, tương đương giảm từ 4.879 người xuống còn 4.200 người. Năm 2012, Maritime Bank cũng đã sa thải 1.060 người làm việc chính thức.

Là ngân hàng được đánh giá là có mức lương cao hàng đầu trong hệ thống NHTM với mức lương bình quân 21,01 triệu đồng/tháng cho nhân viên, song Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã giảm 169 nhân sự trong 3 tháng đầu năm nay. Một “ông lớn” nữa là Vietcombank tuy chưa có dấu hiệu giảm nhân sự nhưng mức lương và phụ cấp đã điều chỉnh giảm gần 15%, từ mức 20,7 triệu đồng/tháng của năm 2012 về còn 17,4 triệu đồng/tháng.

Hoạt động kinh doanh không tăng trưởng như dự báo là nguyên nhân chính cho sự ra đi của nhân sự của các NHTM ở những vị trí không còn cần thiết. Kết quả kinh doanh quý I/2013 của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giảm tới trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái đã khiến hai ngân hàng này cũng giảm nhân sự lần lượt là 240 người và 29 người.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động ngân hàng hiện nay đang gặp khó khăn, đặc biệt là mảng tín dụng không cho vay ra được khiến nguồn thu chính của ngân hàng sụt giảm mạnh. Nợ xấu tăng buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận cũng bị ảnh hưởng. Do đó, việc giảm lương và giảm nhân sự là bài toán buộc phải tính đến trong thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, mạng lưới hoạt động của ngân hàng cũng không có khả năng mở rộng nhiều như trước đây, nên số lượng nhân sự ngân hàng có thể điều động trong nội bộ được mà không cần tuyển nhiều như trước.

Vẫn “săn đầu người” cấp cao

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79% điểm trong thang điểm 10, xếp thứ 11/12 quốc gia được khảo sát tại khu vực châu Á. Còn theo nghiên cứu mới đây của trường Đại học Tài chính Marketing (TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, có khoảng 70% nhân viên ngân hàng đáp ứng được yêu cầu công việc, riêng đối với các đơn vị là chi nhánh, phòng giao dịch mới hay ở tỉnh thì con số này chỉ là 50%. Do đó, khó khăn và thách thức lớn nhất của ngành Ngân hàng là khả năng quản trị điều hành và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành tài chính, ngân hàng đã báo động từ lâu về sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và sự thiếu hụt này đang xảy ra tại các NHTM, nhất là đội ngũ quản trị điều hành là cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn cao với khả năng phân tích, tổng hợp và dự báo cùng với sự am hiểu về pháp luật cũng như khả năng linh hoạt, độc lập xử lý các vấn đề thực tế.

Theo TS. Ngô Minh Châu - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam, điều quan trọng được đặc biệt chú ý là tái cấu trúc nhân sự với nội dung cơ bản là giảm thiểu những nhân viên yếu kém, chất lượng thấp, tuyển dụng và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với những ưu đãi về mức lương cũng như chế độ chính sách ưu đãi về nhân tài.

Chính sự săn tìm người tài, cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đã đẩy giá “nhân sự cấp cao” lên 5.000-7.000 USD/người/tháng đối với vị trí giám đốc tài chính, quản trị tài chính, ngân hàng. Đối với khối ngân hàng nước ngoài thì ngay cả giám đốc một bộ phận như marketing có lúc cũng lên đến 30.000 USD/người/tháng, lương tổng giám đốc người nước ngoài lên đến 50.000 USD/người/tháng.

Cách đây 2-3 năm việc tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần lớn trong nước có mức lương tới 1 tỷ đồng/tháng là phổ biến và đây là mức trả cao nhất trên thị trường nhân sự ngân hàng. Còn “Top 2” được trả lương 400-600 triệu đồng/tháng, “Top 3” được trả lương khoảng 200 triệu đồng/tháng. Nhưng nay, với sự suy thoái của nền kinh tế, cộng với cạnh tranh nhân sự nước ngoài đang đổ về Việt Nam khiến mức lương của các vị trí cấp cao ngân hàng cũng giảm bớt.

Ông Ngô Minh Châu cho biết, lương hiện nay của một tổng giám đốc NHTMCP trong nước phổ biến từ 200- 300 triệu đồng/tháng. Quan niệm của các ngân hàng hiện nay là trả lương cao gấp 10 lần cho nhân viên giỏi, biết làm việc còn hơn là nhận nhiều người với năng lực, nghiệp vụ ở tầm làng nhàng. Và việc cạnh tranh nhân sự giỏi trong thời buổi khó khăn vẫn đang diễn ra khốc liệt khi tình trạng nhân sự của ngành này đang “vừa thừa nhưng vẫn thiếu” khi nguồn nhân lực chất lượng cao với khả năng ngoại ngữ thông thạo và có đủ tầm giao dịch tại thị trường nước ngoài để mở rộng hoạt động vẫn đang là “cơn khát” của các ngân hàng nội.

Quang Anh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều