Nhập siêu: "Lấy nước xa cứu lửa gần"

15:55 | 09/05/2012

Trong tổng số gần 2,6 nghìn xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam tháng 3 vừa qua, xuất xứ tờ khai từ Hàn Quốc chiếm gần một nửa, còn lại là nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Thái Lan...

Với các sản phẩm công nghệ cao như ô tô là ví dụ, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Á. Điều này đang dẫn đến một thực tế, cán cân thương mại của Việt Nam thâm hụt nặng nề với các nước thành viên khối ASEAN, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, với các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, hay các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Việt Nam xuất siêu khá lớn. Cho nên, dù là nghịch lý nhưng thực tế trong kiểm soát nhập siêu hiện nay chính là "lấy nước xa cứu lửa gần". Theo dõi diễn biến kim ngạch xuất nhập khẩu nhiều năm gần đây, xu hướng này đã định hình khá chắc chắn.

Ảnh: BĐT
Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao từ các nước châu Á. (Ảnh: BĐT)

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2011, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN đạt trên 88 tỷ USD, nhưng nhập siêu với các đối tác này đã lên tới trên 29,2 tỷ USD. May mắn là Việt Nam đã xuất siêu được xấp xỉ 21,2 tỷ USD sang các thị trường Mỹ và EU trong cùng năm đó nên tổng giá trị nhập siêu cả năm được khống chế ở mức dưới 10 tỷ USD. Với diễn biến mới hơn, dữ liệu của quý I/2012 cũng cho thấy, tương quan nhập siêu và xuất siêu giữa các đối tác gần và xa của nước ta ở mức khá cân bằng, đều đạt khoảng 5,6 tỷ USD. Kết quả này phản ánh vào cán cân thương mại 3 tháng đầu năm là xuất siêu nhẹ.

Để phá vỡ sự phụ thuộc nhập khẩu châu Á, xuất khẩu Mỹ và EU, nhiều thị trường ngách đang được quan tâm phát triển. Chẳng hạn trong quý I/2012, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao ở thị trường châu Phi, ước tăng khoảng 77%. Đáng chú ý là một số thị trường tăng gấp 3 và gấp 2 lần như Ai Cập, Ăngola, Angiêri, Bờ biển Ngà, Nigiêria... Hay thị trường Arập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, tăng gấp 2 lần; Israen tăng gấp 3 lần… Ngay thị trường châu Âu cũng tăng trưởng kim ngạch tới gần 31%, trong đó có thị trường Latvia tăng gấp 5 lần, thị trường Áo, Thuỵ Điển tăng gấp trên 2 lần; thị trường châu Mỹ tăng 16,1% trong đó Mỹ tăng 16,5%.

Nhưng dù các doanh nghiệp Việt Nam rất nỗ lực mở rộng thị trường sản phẩm, cũng như tìm kiếm đa dạng hơn các giao dịch thương mại, vai trò đối tác xuất nhập khẩu lớn lâu nay vẫn ít có thay đổi. Trong 3 năm gần đây, giá trị thương mại hàng hóa của Việt Nam với các đối tác lớn như ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Cho nên, việc lấy nước xa để chữa lửa gần trong kiềm chế nhập siêu của Việt Nam sẽ vẫn là câu chuyện còn theo đuổi nhiều năm tới, nếu không phá vỡ được mối quan hệ nhập siêu Bắc - Nam trong thương mại, hay phát huy được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU.

Tuy nhiên, một số dịch chuyển đang có khả năng tạo ra những thay đổi trong thời gian tới. Trong khi giá trị kim ngạch hàng hóa với các nước ASEAN đang có dấu hiệu đi xuống, các đối tác chính còn lại đều trong xu hướng tăng mạnh, đáng chú ý làTrung Quốc và Mỹ. Nếu như trước giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra năm 2009, ASEAN là khu vực có quan hệ thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, thì cuối năm 2011 khu vực này chỉ đứng thứ 4 và nhỉnh hơn EU không lớn về tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu. Trong khi đó, từ năm 2010, Trung Quốc đã vươn lên vị trí dẫn đầu sau khi liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kim ngạch.

Nhưng sự "thần kỳ" nhất phải kể đến thương mại với Mỹ. Đối tác này vào năm 2010 chỉ đứng thứ 3 trong các quốc gia, khu vực có quan hệ thương mại lớn nhất đến Việt Nam, thì sau 1 năm đã lên thứ nhì với tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu ngang bằng Trung Quốc. Do Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang Mỹ nên dù là "nước xa", đây có thể trở thành nhân tố sẽ vẽ lại tương quan thương mại của Việt Nam, nếu xử lý được các vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, hay câu chuyện kiện chống bán phá giá đang có xu hướng phức tạp hơn mấy năm gần đây.

Tường Lam

aens

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều