NHNN khẳng định, điều kiện về thành viên không "bóp chẹt" hệ thống QTDND

11:43 | 03/12/2016

NHNN Việt Nam khẳng định, quy định điều kiện để trở thành thành viên QTDND tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN nhằm tăng tính liên kết giữa các thành viên QTDND, nâng cao chất lượng thành viên QTDND và không trái, mẫu thuẫn với Luật Cư trú, không "bóp chẹt" hệ thống QTDND.

nhnn khang dinh dieu kien ve thanh vien khong bop chet he thong qtdnd
Ảnh minh họa

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Trần Minh Duẫn, đại diện một số quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phản ánh bất cập trong quy định về điều kiện trở thành thành viên của QTDND đối với cá nhân và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp điều chỉnh.

Theo phản ánh của ông Duẫn, tại Điều 31 Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về QTDND có nội dung về điều kiện để trở thành thành viên QTDND đối với cá nhân là: “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có hộ khẩu và thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân”.

Ông Duẫn cho rằng, quy định về hộ khẩu như nêu trên đang gây khó khăn cho hoạt động của các QTDND, vi phạm Luật Cư trú, Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 20/5/2005, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 và Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ; làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Để tạo điều kiện cho các QTDND hoạt động thuận lợi, có hiệu quả, ông Duẫn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh nội dung trong Thông tư số 04/2015/TT-NHNN.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:

Siết điều kiện để nâng chất lượng thành viên

Về nội dung "cư trú" trong điều kiện để trở thành thành viên QTDND được quy định theo các thời kỳ như sau: Trước khi Luật các TCTD năm 2010 ban hành và có hiệu lực, các văn bản gồm Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của QTDND, Nghị định số 69/2005/NĐ-CP ngày 26/5/2005 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP, Thông tư số 08/2005/TT-NHNN ngày 30/12/2005 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2001/NĐ-CP, Thông tư số 06/2007/TT-NHNN ngày 6/11/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2005/NĐ-CP có quy định: "Cá nhân cư trú, làm việc hoặc sản xuất kinh doanh hợp pháp trên địa bàn hoạt động của QTDND".

Theo Điều 12 Luật Cư trú, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú (sổ hộ khẩu) và nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú (sổ tạm trú).

Theo các quy định nêu trên, công dân tạm trú (đăng ký tạm trú) trên địa bàn hoạt động của QTDND không đủ điều kiện trở thành thành viên QTDND.

Việc sửa đổi điều kiện "cư trú" thành "có hộ khẩu và thường trú" đối với thành viên QTDND tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, trong đó xuất phát từ thực tế bất cập của quy định là "cá nhân cư trú trên địa bàn", theo đó nhiều cá nhân thường trú tại địa phương khác mang tiền đến để thành lập QTDND, trục lợi vay vốn tại QTDND đã thực hiện đăng ký tạm trú tại nơi mà QTDND hoạt động để trở thành thành viên QTDND.

Điều này dẫn đến hiện tượng gia tăng thành viên “tạm trú” chi phối, lạm dụng, biến tướng QTDND vào các hoạt động kinh doanh của mình, nguy cơ xảy ra rủi ro khi khách hàng “tạm trú” không trả được nợ thì QTDND gặp khó khăn trong việc theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và việc kết nạp các thành viên “tạm trú” sẽ làm giảm tính liên kết, hiểu biết giữa các thành viên QTDND, xa rời mục tiêu huy động tại chỗ, cho vay tại chỗ của QTDND (đây là các nguyên tắc quan trọng bảo đảm an toàn cho hoạt động của QTDND cũng như đặc trưng cơ bản khác của QTDND - loại hình tổ chức tín dụng theo mô hình hợp tác xã khác so với các loại hình tổ chức tín dụng theo mô hình doanh nghiệp).

Do đó, việc quy định một trong những điều kiện để trở thành thành viên QTDND là "cá nhân có hộ khẩu và thường trú" tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN nhằm tăng tính liên kết giữa các thành viên QTDND, nâng cao chất lượng thành viên QTDND với các cá nhân thực sự sinh sống, làm việc, thường trú địa bàn, hiểu biết nhau để bảo đảm an toàn hoạt động, phát triển bền vững cho QTDND và không trái, mẫu thuẫn với Luật Cư trú, Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú như phản ánh của ông Trần Minh Duẫn.

Thông tư không mâu thuẫn Nghị định

Như đã nêu ở trên, Nghị định số 48/2001/NĐ-CP, Nghị định số 69/2005/NĐ-CP căn cứ theo quy định tại Luật các TCTD năm 1997 và Luật Hợp tác xã năm 2003 đã hết hiệu lực thi hành và Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện các thủ tục trình Chính phủ hủy bỏ hai Nghị định này.

Do đó, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định về QTDND theo Luật các TCTD năm 2010 là không vi phạm với Nghị định số 69/2005/NĐ-CP như phản ánh của ông Trần Minh Duẫn.

Ý kiến của ông Trần Minh Duẫn cho rằng điều kiện "có hộ khẩu và thường trú" quy định tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN là vi phạm Điều 2 mục a, b quy định về đối tượng áp dụng "cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn" tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 6/9/2015 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn là không đúng, vì phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN là QTDND, thành viên QTDND khác với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP là đối tượng áp dụng chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

Điều kiện về thành viên không “bóp chẹt” hệ thống QTDND

Luật Các tổ chức tín dụng quy định, QTDND là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật Hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Ngân hàng hợp tác xã (NHHTX) là ngân hàng của tất cả QTDND do các QTDND và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND (Khoản 6, 7 Điều 4).

Thành viên của NHHTX bao gồm tất cả QTDND và các pháp nhân góp vốn khác. Thành viên của QTDND bao gồm các cá nhân, hộ gia đình và các pháp nhân góp vốn khác (Khoản 1, 2 Điều 74).

Theo quy định nêu trên, QTDND hoạt động nhằm tương trợ giữa các thành viên thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống, với cơ cấu thành viên bao gồm các cá nhân, hộ gia đình và các pháp nhân góp vốn khác, trong khi NHHTX hoạt động nhằm liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn giữa các QTDND với cơ cấu thành viên bao gồm tất cả các QTDND.

Vì vậy, với sự khác nhau về cơ cấu thành viên, mục tiêu hoạt động và tính chất liên kết giữa NHHTX và các QTDND, các QTDND hoạt động an toàn, có hiệu quả thì NHHTX mới phát triển và hoạt động có hiệu quả.

Do đó, ý kiến của ông Trần Minh Duẫn cho rằng với việc quy định điều kiện trở thành thành viên QTDND "có hộ khẩu và thường trú" tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN thể hiện Ngân hàng Nhà nước “bóp chẹt” hệ thống QTDND để cho NHHTX mở chi nhánh, phòng giao dịch,... là hoàn toàn không có cơ sở.

Quy định về điều kiện trở thành thành viên tại Thông tư số 04/2015/TT-NHNN là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế và không gây khó khăn cho hoạt động của QTDND.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 57 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận ý kiến của ông Trần Minh Duẫn cũng như các kiến nghị của cá nhân, tổ chức có liên quan đối với Thông tư số 04/2015/TT-NHNN để xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư nếu cần thiết, bảo đảm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta, tạo tiền đề cho hệ thống QTDND bảo phát triển lành mạnh và bền vững.

PV

chinhphu.vn

Tin đọc nhiều