Những nghịch lý trong hoạt động xuất khẩu

14:55 | 12/06/2012

Ở giai đoạn mà kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục “bứt phá”, vẫn tồn tại sự “hổng chân” mơ hồ về độ bền vững, uy tín mà các nhà quản lý chưa thể yên tâm. Nghịch lý này đang dần rõ ràng hơn trong thời gian gần đây, nhưng xử lý không dễ.

Tăng trưởng nhanh nhưng không bền

Sẽ là rất thành tích khi liệt kê các con số liên quan đến kim ngạch xuất khấu của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Vào năm ngoái, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu so với GDP đã lần đầu tiên vượt qua mức 80%, từ kỷ lục 70% của năm trước đó, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 200 tỷ USD. Với kim ngạch đó, Việt Nam đã “qua mặt” Philippines, giữ vị trí thứ 5 Đông Nam Á sau Singapore, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Vụ Kinh tế Dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong một dự báo mới đây cho rằng, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 có thể đạt khoảng 52 tỷ USD, tức là tăng khoảng 20,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Với quy luật xuất khẩu tăng mạnh hơn vào các tháng cuối năm, khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ lần đầu tiên vượt 100 tỷ USD, tăng gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2006, thời điểm trước khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với thế giới.

Tuy nhiên, nhìn lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ở giai đoạn vừa qua, điểm dễ thấy là sức tăng không bền. Sau khi đạt mức tăng 20-30% ở giai đoạn 2006-2008, năm 2009 kim ngạch xuất khẩu đã giảm khoảng 9% so với năm trước đó, rồi lại phục hồi mạnh vào năm 2011, đạt mức trên 34%.

Nhưng kể từ cuối năm ngoái, đã có nhiều lời “ca thán” từ phía các hiệp hội, ngành hàng và DN, liên quan đến việc đơn hàng khó khăn và vắng bóng đơn hàng lớn, yêu cầu kỹ thuật gắt gao hơn ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận sụt giảm… Hết nửa đầu năm nay, mức tăng trưởng xuất khẩu chỉ còn trên 20%.

“Tất nhiên vẫn là tăng, nhưng so với trước tăng thấp hơn thì DN bị sốc. Nếu tăng đều còn hơn là cứ vọt lên cao rồi lại xuống thấp như thế”, Phó vụ trưởng Vụ Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhìn nhận như vậy.

Trong khi đó, ở góc nhìn khác nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày chẳng hạn, phần lớn giá trị sản phẩm nằm ở nguyên liệu đầu vào, phần dành cho DN trong nước chỉ là gia công.

“Tức là xuất khẩu hộ cho nước ngoài, còn phần giữ lại trong nước thực tế là chưa như mong muốn”, ông Hải bình luận.

Thị trường cạnh tranh hơn, DN lại lơ là

“Nhìn qua tình hình xuất khẩu đầu năm qua các con số thì vẫn đang tốt, nhưng tốt đó có thể là một sự hổng chân. DN vẫn đang cố chạy rất hăng, nhưng không có bền vững, không duy trì được thì đến lúc sụt giảm sẽ rất kinh”, ông Hải nói.

Theo số liệu hải quan, giá cả của hầu hết các mặt hàng nông sản đang giảm so với cùng kỳ. Cụ thể là trong nửa đầu năm nay, giá gạo đã giảm 5,4%; cao su giảm 30,6%; cà phê giảm 4,4%; hạt điều giảm 7,8%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 16,7%...

Diễn biến này đã làm nhen lên nhiều lo ngại về khả năng xuất khẩu các mặt hàng này trong thời gian tới. Chẳng hạn với mặt hàng gạo, hiện nay Campuchia, Myanmar cũng đã bắt đầu hoạt động xuất khẩu.

“Tất nhiên cũng chưa là gì, khó có thể ngày một ngày hai soán ngôi được, nhưng sẽ là một yếu tố tiềm tàng. Vì thường thì tâm lý người mua lại tìm đến các nhà cung cấp mới, xem có rẻ hơn không”, ông Hải cho hay.

Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nhưng ngược lại, sự quan tâm của DN đối với vấn đề này chưa cao.

“Các DN của chúng ta có khả năng thực hiện được các yêu cầu về kỹ thuật đặt ra đối với sản phẩm xuất khẩu, nhưng vì lý do gì đấy còn lơ là, bỏ bớt khâu kiểm tra…”, ông Hải cho biết.

DN xuất khẩu nhiều, thương hiệu uy tín ít

Nhìn lại 20 năm về trước, Việt Nam chỉ có khoảng 50 DN xuất khẩu, các DN khác đều phải xuất khẩu ủy thác qua các đơn vị này. Đến nay, chính sách đã rất thông thoáng, DN nào cũng có thể hoạt động xuất khẩu.

Sự thông thoáng đó đã dẫn đến “kỳ tích” về tăng trưởng xuất khẩu ở giai đoạn vừa qua. “Với thị trường châu Âu, tôi tin rằng trong 5 đôi giày Adidas, Puma… thì có một đôi sản xuất tại Việt Nam”, ông Hải nói.

Nhưng “đáng buồn” là tên tuổi của các DN xuất khẩu Việt Nam chưa được biết đến rộng rãi. Cụm từ “Made in Vietnam” trên mỗi sản phẩm xuất khẩu chưa gây được ấn tượng với người tiêu dùng tại các nước.

Trong các DN xuất khẩu, Bitis là tên tuổi lớn, đã xuất khẩu sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc nhưng còn rất nhỏ bé. Hay Trung Nguyên là thương hiệu lớn ở Việt Nam cũng chưa được biết đến rộng rãi ở các thị trường ngoài nước khác.

“Ngay cả các DN nước ngoài hoạt động chuyên nghiệp trong cùng ngành, nói đến Bitis hay Trung Nguyên với họ là xa lạ”, Phó vụ trưởng Hải nói.

Cho nên, các thương nhân nước ngoài chỉ biết Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu gạo, cà phê… nhưng không biết chọn DN nào. Cũng bởi lẽ, đôi khi một DN lớn ở quy mô xuất khẩu nhưng chưa chắc đã là DN mạnh.

Bianfishco là một ví dụ, DN hàng đầu của tỉnh Cần Thơ này chỉ qua một biến cố nhỏ từ thông tin bất lợi trên báo chí đã ngay lập tức đứng trên bờ vực phá sản.

“Trong hàng chục ngàn DN phá sản, ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay, chúng tôi chưa có số liệu cụ thể bao nhiêu DN xuất khẩu nằm trong số đó, nhưng chắc cũng không phải ít”, ông Hải nhìn nhận.

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều