Vietcombank: Khẳng định một thương hiệu | |
Sức mạnh thương hiệu VietinBank tăng ấn tượng |
Thời gian gần đây, những ai để ý, sẽ không khó để nhận diện những cái tên đã có công đóng góp to lớn trong việc gây dựng, nuôi dưỡng, làm nên những “thương hiệu” đáng chú ý trong giới NH. Họ là những cái tên như Nguyễn Đình Tùng có gần 5 năm lèo lái OCB, Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB, Võ Tấn Hoàng Văn - Tổng giám đốc SCB …
Đó là một thế hệ lãnh đạo mà những người có kinh nghiệm cũng phải thừa nhận rằng họ có thực tài vì được đào tạo bài bản, đang bứt ra khỏi cái bóng của các bậc đi trước để thể hiện khả năng và bản lĩnh của mình, trở thành tấm gương của rất nhiều lãnh đạo trẻ trong nước; có công vực dậy những NH bằng cả thương hiệu lẫn giá trị nội tại…
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng
Con người là quan trọng nhất
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng |
Nói về OCB ở thời điểm trước khi ông Nguyễn Đình Tùng về đầu quân làm CEO thì không có nhiều điểm nhấn. Tuy nhiên, với những gì học được từ Đại học Maastrict (Hà Lan) cộng với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính - NH tại Việt Nam và nước ngoài, ông Tùng đã thổi một làn gió mới vào thương hiệu OCB lúc này.
Được như vậy vì ông đã xác định nghiêm túc về quá trình tái cấu trúc của OCB. Trong đó, ông đã nỗ lực rất nhiều, thậm chí “hy sinh” kết quả tài chính và lợi nhuận trong vài năm gần đây để thực hiện hai việc, đó là khắc phục những tồn tại cũ đồng thời liên tục nâng cấp, đổi mới về chiến lược phát triển, quản trị điều hành, hệ thống công nghệ thông tin cũng như những vấn đề khác liên quan đến hạ tầng cơ sở của NH.
Kết quả là trong giai đoạn vừa qua, OCB đã xử lý rất tốt những vấn đề tồn đọng cũ bên cạnh việc thực thi các kế hoạch đổi mới theo đúng lộ trình. Tính đến thời điểm đầu tháng 12/2016, tổng tài sản của OCB đạt 61.216 tỷ đồng; LNTT đạt 427 tỷ đồng, tăng 160% so với năm 2015. Các chỉ tiêu kinh doanh khác của OCB cũng tăng trưởng đáng kể sau 11 tháng đầu năm. Cụ thể, dư nợ cho vay tăng 30% so với đầu năm 2016; tổng huy động thị trường tăng 42,5% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu được đưa về mức 1,77%. Theo ông Tùng, ước tính trong năm nay, OCB sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 450 tỷ đồng.
Nói về cá tính, qua tiếp xúc dễ thấy ông là người khảng khái và có cá tính mạnh. Ông luôn cho rằng sự cạnh tranh là điều tất yếu trong kinh doanh, và ngành NH cũng không ngoại lệ. Với ông, nhiều khi cạnh tranh còn đem lại cảm hứng cho việc đổi mới, thúc đẩy NH đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn mức họ kỳ vọng. Và hội nhập là cơ hội để các NH “tăng tốc”, bằng cách đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng và cung cấp cho họ dịch vụ tốt nhất, hiện đại nhất không kém gì khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông xác định con người là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với OCB. Thực tế, mọi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, chiến lược phát triển mang tính chất dài hạn của NH bao giờ cũng gắn liền với mục tiêu phát triển nhân sự. Từ nhiều năm trước, OCB đã xây dựng các chương trình phát triển tài năng, không chỉ tạo điều kiện giúp nhân viên có lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng mà còn tạo môi trường làm việc thân thiện, công bằng, đủ sức hấp dẫn các lao động có năng lực giỏi gia nhập vào OCB.
Cũng nhờ dưới trướng của con người đầy hoài bão, OCB nay đã đi qua thời kỳ khó khăn và là một trong những NH “về đích” sớm trong việc tái cơ cấu. Các chỉ số hoạt động của NH cũng luôn đảm bảo ở mức dưới giới hạn cho phép của NHNN. Những thành tựu này tuy không quá nổi bật nhưng lại tạo nền tảng vững chắc giúp OCB phát triển lâu dài.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy
Kế nghiệp trong giông bão
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy |
Suốt thời gian qua, khi nhắc tới ACB, người ta hay bắt đầu bằng câu hỏi: sắp tới ACB sẽ đứng ở vị trí nào khi NH này nhiều năm rơi vào khủng hoảng và có sự xáo trộn nhất định cả về nhân sự lẫn năng lực tài chính. Ấy vậy mà, mới đây, câu chuyện ACB công bố kết quả kinh doanh (KQKD) của năm 2016 khiến không ít người phải giật mình vì sự “lột xác” của NH này diễn ra quá nhanh sau 3 năm gặp “biến cố”. Trong đó, cái tên Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB bắt đầu được nhắc đến như một “hiện tượng” của giới lãnh đạo trẻ.
Ngay từ cách nói chuyện, người tiếp xúc sẽ dễ dàng nhận ra ông Huy là người nghĩ nhanh, làm nhanh. Và khi nói về ACB trước thềm năm mới, ông Huy chỉ ngắn gọn rằng: trước khi tái tạo hay sáng tạo ra cái gì mới thì cần phải biết được mình xuất phát từ đâu. Vũ khí mạnh nhất và nền tảng quan trọng nhất của ACB là văn hóa của NH. Và với ông, tất cả 10.000 nhân viên ACB đều đề cao yếu tố chính trực và đây là sức mạnh giúp NH đứng vững trên thị trường. Có lẽ, nhờ nền tảng có được mà ông Huy đã tự tin nói rằng quá trình tái cơ cấu ACB đã thành công và ACB đang dẫn đầu nhiều mảng trong ngành NH.
Qua tiếp xúc, dễ thấy, dù trẻ, nhưng ông Huy có sự thận trọng của người từng trải. Với vai trò chủ tịch và đang đảm nhiệm cho những dự án sáng tạo hay còn gọi là dự án S của ACB, ông kỳ vọng những dự án này sẽ có thể thay thế những thế mạnh hiện nay của ACB trong 2 - 3 năm nữa.
Nhìn chung, một con người đã từng va vấp qua rất nhiều thời kỳ, nhưng cũng gắn bó lâu năm ở ACB nên ông hiểu rất rõ văn hóa và môi trường ACB như thế nào để vận hành nó một cách trơn tru. Có lẽ, đây cũng là chiến lược mà ACB đang áp dụng để lấn át các đối thủ xung quanh mình. Kết quả là, ACB đã tự tin công bố KQKD ổn định.
Cụ thể, tận dụng các chỉ tiêu an toàn thanh khoản đang khá tốt (LDR < 80% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xoay quanh mức 30%), ACB đã tối ưu hóa hệ số sử dụng vốn. Theo đó, hoạt động tín dụng tăng tốc khá nhanh trong năm 2016, ước đạt 21%, cao hơn đáng kể so với mức tăng trung bình của Ngành và so với mức tăng trưởng 16% của tiền gửi khách hàng. Tỷ lệ NIM ước tính tăng nhẹ lên xấp xỉ 3,4%, thu nhập lãi thuần theo đó dự báo đạt hơn 6.900 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 17% so với cùng kỳ.
Tính cho cả năm 2016, dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.556 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch khoảng 3,5% và tăng 18,4% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế tương ứng là 1.245 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ). Trong khi cách đó vài năm, hoạt động kinh doanh của ACB phần lớn công bố là cụm từ “lỗ và nợ xấu”…
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn
Không để quá khứ vướng bận tương lai
Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn |
Cái tên Võ Tấn Hoàng Văn trở nên khá nổi trong giới kinh doanh khi ông là người tiếp quản SCB sau khi sáp nhập 3 ngân hàng: Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Công thương Sài Gòn vào năm 2013. Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và từng làm Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), ông Văn chính thức rời khỏi nơi này và về giữ cương vị Phó tổng giám đốc SCB. Chỉ sau vài tháng, ông nắm giữ vai trò quan trọng nhất tại SCB.
Hơn 10 năm gắn bó với Tập đoàn EY đã giúp ông có được những thuận lợi nhất định trong việc xây dựng mối quan hệ với Chính phủ, đối tác, khách hàng, giới truyền thông và thấu hiểu được việc xây dựng một mô hình kinh doanh từ lý thuyết đến thực tế, cũng như tính minh bạch cao trong mọi hoạt động kinh doanh.
Nhờ vậy, bên cạnh việc cạnh tranh truyền thống, SCB đã tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, mở rộng mối quan hệ với đối tác, khẳng định vị thế là ngân hàng tạo lập thị trường, là đối tác đáng tin cậy trên thị trường tài chính - tiền tệ. Với tư cách là thành viên giao dịch tại HNX, thành viên đấu thầu trái phiếu Chính phủ của Bộ Tài chính và là thành viên của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), SCB đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển của thị trường trái phiếu trong thời gian qua. Tính đến ngày 30/6, tổng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ của SCB đạt 45.055 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cuối năm 2015…
Gần 4 năm đầu sau khi về nắm quyền điều hành, ông Võ Tấn Hoàng Văn đã giúp SCB không chỉ thoát ra khỏi cụm từ nợ xấu mà còn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết quý III/2016, SCB đã đạt được kết quả kinh doanh nổi bật, tổng tài sản đạt hơn 339.156 tỷ đồng, dư nợ hơn 200.078 tỷ đồng. Với kết quả này, SCB hiện là ngân hàng có quy mô lớn nhất trong khối các ngân hàng có nguồn gốc ngoài quốc doanh.
Ngoài việc phát triển tín dụng và các hoạt động trên, SCB còn chú trọng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ, kiểm soát chất lượng tín dụng. Hiện tỷ lệ nợ xấu của SCB ở mức 0,33% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (3%), tạo điều kiện cho SCB cải thiện các chỉ số tài chính, tỷ lệ an toàn, đồng thời tạo đà cho phát triển kinh doanh, nhất là hoạt động cho vay.
Sau gần 4 năm tái cơ cấu, SCB đã tự tin xác nhận: năm 2016 là năm bản lề để thực hiện định hướng chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. SCB đã xây dựng Đề án ngân hàng bán lẻ để cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp đặc thù trong hoạt động bán lẻ, phát huy hết các lợi thế của SCB xoay quanh các yếu tố: con người, công nghệ, năng lực tài chính, giải pháp kinh doanh sản phẩm - dịch vụ, kênh phân phối và chất lượng dịch vụ để hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, gia tăng giá trị tài chính cho cổ đông và mang lại sự thịnh vượng cho toàn thể cán bộ - nhân viên SCB.
Quỳnh Chi thực hiện