Nhượng quyền thương hiệu: Sức nóng đang hiện hữu

13:00 | 15/11/2019

Nhượng quyền thương hiệu tuy hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những lĩnh vực mà thị trường đã bão hòa. Do đó các DN muốn nhượng quyền thương hiệu cần tìm hiểu rõ về đối tác, thương hiệu sản phẩm và thị trường.

Nhượng quyền thương hiệu: Cơ hội khởi nghiệp
Nhượng quyền thương hiệu: Đâu chỉ có hoa thơm và quả ngọt
Nhượng quyền thương hiệu một chiều

Ở Việt Nam, nhượng quyền thương hiệu đang trở nên phổ biến trong kinh doanh, thậm chí cả trong các mặt hàng bình dân như trà chanh, trà sữa... Các chuyên gia cho rằng, nhượng quyền thương hiệu là giải pháp nhanh và hữu hiệu đối với các DN mới gia nhập thị trường, nhất là DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua đã không ít thương hiệu bị sụp đổ hoặc giảm giá trị khi nhượng quyền thiếu cẩn trọng.

nhuong quyen thuong hieu suc nong dang hien huu
Ảnh minh họa

Trên thực tế hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… đã có tác động tích cực đến sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ.

Bên cạnh đó, chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho các DN nước ngoài đầu tư kinh doanh của Việt Nam luôn thúc đẩy các nhãn hiệu ngoại tìm đến gia nhập thị trường.

Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư mong muốn mang thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam và đẩy mạnh hoạt động nhượng quyền thương hiệu để mở rộng thị trường. Thời gian qua, thị trường nhượng quyền thương hiệu trong nước chứng kiến sự tham gia của các DN ngoại và cả DN nội, với đa dạng và phong phú các thương hiệu từ nhiều nước trên thế giới. Điều này đã và đang tạo ra sự sôi động trên thị trường Việt Nam.

Theo thống kê trên trang web của Bộ Công thương, cho đến nay đã có trên 200 DN nước ngoài được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam. Trong đó, chiếm phần lớn vẫn là các thương hiệu ẩm thực, nhà hàng và may mặc... đây được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, nhượng quyền thương hiệu không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn đem đến những lợi ích rất lớn cho những DN khởi nghiệp. Theo đó, thay vì đầu tư và phát triển một thương hiệu mới sẽ tốn nhiều thời gian, nguồn lực tài chính, việc tìm kiếm thương hiệu đã thành công trên thị trường quốc tế là một trong những giải pháp cho các DN gia nhập thị trường, lĩnh vực kinh doanh mới một cách nhanh chóng. Đặc biệt hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền. Nhờ uy tín của các thương hiệu lớn nhượng quyền mà sản phẩm của các DNNVV được tiêu thụ mạnh trên thị trường và nhanh chóng đem lại lợi nhuận cho DN.

Tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về Công nghệ cửa hàng và nhượng quyền thương hiệu (VIETRF 2019) đã chứng kiến sức hấp dẫn của nhượng quyền thương hiệu khi số lượng DN tham gia khá lớn. Triển lãm đã quy tụ rất nhiều thương hiệu nhượng quyền, trong đó có 20 thương hiệu đến từ Hàn Quốc, 10 thương hiệu Singapore, 50 thương hiệu Đài Loan, 10 thương hiệu Nhật Bản… Tổng cộng 180 thương hiệu nhượng quyền và 100 thương hiệu ngành thiết bị – công nghệ cửa hàng.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Retail & Franchise Asia cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 8/12 thị trường hàng đầu được Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế xác định là có tiềm năng và giá trị lớn trên toàn cầu. Các lĩnh vực tiềm năng cho các DN nhượng quyền tại Việt Nam là thực phẩm, đồ uống, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, dịch vụ kinh doanh, khách sạn, thời trang, làm đẹp, cửa hàng tiện lợi… Trong 3 năm tới, đây sẽ tiếp tục là điểm đến của các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu khu vực, bà Vân nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều thương hiệu Việt cũng đang đẩy mạnh hoạt động này. Các lĩnh vực mà các DN, đơn vị trong nước mở rộng hoạt động nhượng quyền tập trung vào các lĩnh vực như thực phẩm, nhà hàng, đồ uống…

Chị Vũ Thị Việt Hạnh, chủ cửa hàng “Bánh cuốn nóng 101 Bà Triệu” (Hà Nội) cho biết, thương hiệu bánh cuốn gia truyền đã được nhiều người biết đến và mang lại lợi nhuận không nhỏ. Hiện thương hiệu của chị đã mở rộng với chuỗi hệ thống cửa hàng tại 5 địa điểm trên địa bàn Hà Nội. Với mong muốn mở rộng hệ thống nên thời gian qua chị quyết định mời các cá nhân, đơn vị hợp tác trong vấn đề nhượng quyền thương hiệu. Theo đó, khách hàng không chỉ được quyền sử dụng thương hiệu mà còn được hỗ trợ về nhiều mặt như tư vấn xây dựng hệ thống cửa hàng, trang trí, nguyên vật liệu và hướng dẫn những bí quyết sản xuất…

Cùng với đó, giá chuyển nhượng tùy thuộc vào thương hiệu đó lớn hay nhỏ, dao động từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng. Theo một khảo sát mới đây của Q&Me, DingTea và TocoToco là 2 thương hiệu trà sữa được khách hàng Hà Nội ghé thăm nhiều nhất. Với thương hiệu TocoToco, phí nhượng quyền dao động từ 160 – 300 triệu đồng/3 năm tùy từng khu vực theo chiến lược hoạt động của TocoToco. Chi phí nhượng quyền khoảng 150 triệu đối với thương hiệu Royaltea. Đối với thương hiệu trà sữa Gong Cha thì phí chuyển nhượng khoảng 1 tỷ đồng…

Theo các chuyên gia, nhượng quyền thương hiệu tuy hấp dẫn và đem lại nhiều lợi ích nhưng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là những lĩnh vực mà thị trường đã bão hòa. Do đó các DN muốn nhượng quyền thương hiệu cần tìm hiểu rõ về đối tác, thương hiệu sản phẩm và thị trường.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều