Nỗ lực dỡ bỏ rào cản

10:20 | 08/06/2012

Chính phủ đang cố gắng để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.

Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là rào cản chính đối với các NĐTNN

Công ty Samsung Electronics Việt Nam, một công ty con của Tập đoàn Samsung đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội. Dự án này là một phần trong cam kết của công ty với Chính phủ Việt Nam sau khi đã nhận được những ưu đãi cao nhất dành cho doanh nghiệp công nghệ cao.


Lao động giá rẻ đang là vấn đề ở Việt Nam

Mặc dù dự án xây dựng trung tâm R&D phải mất một hai năm nữa mới đi vào hoạt động, nhưng phía Samsung đã nhìn thấy trước một khó khăn rất lớn trong việc tuyển dụng nguồn nhân công có trình độ cao làm việc trong những nơi như thế này. Theo quy định của Luật Công nghệ cao, một trong những tiêu chí để được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao là phải có 5% tỷ lệ lao động làm trung tâm trong R&D. Tuy nhiên, theo một đại diện của Samsung, tiêu chí này rất khó đáp ứng vì nguồn lao động có trình độ cao ở Việt Nam không nhiều.

Samsung không phải là trường hợp điển hình gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có trình độ tại Việt Nam. Trước đó, tập đoàn sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới, Intel, cũng đã gặp khó khăn tương tự khi tuyển dụng lao động vào làm việc trong nhà máy của tập đoàn này tại TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam hiện đang có xu hướng chuyển dịch sang chiến lược thu hút đầu tư FDI vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao, trong khi giảm dần các dự án thâm dụng lao động giá rẻ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng chiến lược này vẫn chưa thể thực hiện ngay được. Mặc dù thời gian gần đây đã có nhiều tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Canon hay Nokia, nhưng phần lớn trong số họ vẫn chỉ xây dựng những nhà máy lắp ráp đơn thuần. Ngay cả như nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung tại Bắc Ninh cũng chủ yếu là hoạt động lắp ráp các thiết bị được nhập từ bên ngoài vào.

Ông Hong Sun - Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhận xét: những yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực là nguyên nhân chính cản trở các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đầu tư vào các hoạt động R&D và các hoạt động sản xuất công nghệ cao khác cho những lĩnh vực này đòi hỏi lao động phải có trình độ.

Theo kết quả khảo sát được Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố tại cuộc họp Diễn đàn Doanh nghiệp cuối tháng 5 vừa qua, hơn 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng chuyên môn, 78% lao động từ 20 đến 24 tuổi không có hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn. Thực tế, trong khối ASEAN, Việt Nam xếp ở nửa dưới về phát triển nguồn nhân lực. Vì vậy, cải thiện và nâng cao chất lượng lực lượng lao động là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước đang thay đổi nhanh chóng.

Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch của EuroCham cho rằng, công tác đào tạo và dạy nghề không dựa trên nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. “Các công ty thành viên EuroCham đã phải chi ra những khoản tiền lớn để gửi nhân viên Việt Nam đến các trụ sở chính tại nước ngoài để đào tạo họ tại các cơ sở với trang thiết bị hiện đại. Các doanh nghiệp này phải chấp nhận rủi ro về tài chính nếu các nhân viên đó không trở lại làm việc hoặc làm việc không lâu sau khi được đào tạo” - ông Hjortlund nói.

Trong chiến lược đào tạo nghề mới ban hành tuần trước, Chính phủ đang cố gắng để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng chiến lược này sẽ được thực hiện thành công. Khi đó dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao sẽ tăng lên đáng kể.

Nguồn nhân lực hy vọng sẽ chất lượng hơn

Ngày 30/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 18/CT-TTg về việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội giai đoạn 2011 – 2015.

Trong đó, Chỉ thị đề cập tới việc các bộ, ngành căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực của bộ, ngành đã phê duyệt để chỉ đạo lồng ghép các mục tiêu, định hướng, giải pháp phát triển nhân lực vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, hàng năm của bộ, ngành mình. Đồng thời phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực của bộ, ngành, kết nối với hệ thống dữ liệu, thông tin dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia…

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì phải quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của cả nước và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án cụ thể phát triển nhân lực của địa phương…

Đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, xây dựng kế hoạch quản lý và phát triển nhân lực của đơn vị mình. Chủ động bố trí nguồn lực của doanh nghiệp trong việc đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực giai đoạn 2011 – 2015. Nhất là có sự đánh giá chất lượng của học sinh, sinh viên tốt nghiệp để cung cấp ý kiến phản hồi tới cơ sở đào tạo…

Bên cạnh đó, các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và đào tạo cũng có những phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác và địa phương trong việc xây dựng quy hoạch, nội dung đào tạo, nguồn tài chính…

Bảo Trâm

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều