Nỗ lực "cứu" DN

15:42 | 23/04/2012

"Thể trạng sức khỏe của các DN ngày càng cạn kiệt, nếu không có giải pháp đồng bộ hỗ trợ đối tượng này, số DN phá sản sẽ còn tăng lên rất nhanh trong vài tháng tới", đó là nhận định của Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà trong buổi họp báo công bố một loạt giải pháp hỗ trợ khách hàng của ngân hàng này.

Theo ông Trần Bắc Hà, có lẽ thời điểm này, cần phải xác định mục tiêu tăng trưởng "song trùng" với mục tiêu lạm phát. Bởi trụ cột của nền kinh tế là cộng đồng DN đang gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào cao, trong khi đầu ra lại bị nghẽn hàng tồn kho ứ đọng; đặc biệt các sản phẩm trụ cột của nền kinh tế như sắt thép xi măng kể cả nông sản tồn kho rất nhiều, gắn vào đấy người lao động mất việc ngày càng gia tăng. Nếu không cứu DN kịp thời thì số DN bị phá sản, đóng cửa sẽ không dừng lại ở con số 12.000 mà sẽ là cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, các ngân hàng cần phải có những giải pháp đồng bộ hỗ trợ các DN.

Ảnh: BĐT
Các NHTM đang nỗ lực tiết giảm chi phí, hạ thấp lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. (Ảnh: BĐT)

BIDV đi tiên phong khi vừa công bố gói giải pháp hỗ trợ đặc biệt cho DN. Bên cạnh việc giảm lãi suất, tiếp tục cung ứng tín dụng, mở rộng đối tượng vay vốn, BIDV tích cực hỗ trợ DN giải phóng lượng hàng tồn kho lớn. Theo đó, BIDV kêu gọi "4 nhà" gồm: nhà đầu tư, nhà băng, nhà thầu và nhà sản xuất cung ứng ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu giải quyết câu chuyện này. Bên cạnh đó, trong thời gian tới BIDV sẽ chủ động đến các hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội Cà phê, gạo, thủy sản, điều, dệt may và bất động sản để nắm rõ hơn về tình hình sức khỏe của DN cũng như tìm ra những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để có biện pháp xử lý tốt nhất hỗ trợ cho DN.

Bất kỳ một chính sách nào cũng có "độ trễ" nhất định để nó có thể phát huy công năng của nó và chính sách lãi suất cũng không phải ngoại lệ. Theo BIDV sau 1 tuần giảm lãi suất cho vay (tức là từ ngày 12/4), số vốn được giải ngân đạt 9.240 tỷ đồng cho thấy sức hấp thụ của các DN đã tốt hơn.

Một trong những chính sách  được nhấn mạnh trong gói giải pháp hỗ trợ DN là BIDV sẽ chủ động rà soát, cơ cấu lại nợ vay, từ việc xem xét gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền của khách  hàng... để giảm áp lực cho khách  hàng. Đồng thời thông qua đó có mức tài trợ, hỗ trợ phù hợp; thậm chí có thể xem xét cho vay trung dài hạn bù đắp các khoản vay ngắn hạn để khách hàng khắc phục tình trạng mất cân đối vốn, cơ cấu lại dòng tiền cũng như đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. Chưa hết, BIDV đã mạnh dạn khuyến khích khách hàng thu xếp nguồn vốn trả nợ trước hạn đặc biệt là các hợp đồng tín dụng lãi suất cao để tiếp tục vay mới với lãi suất thấp như hiện nay; thực hiện miễn giảm lãi, lãi phạt đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ...

Lãnh đạo BIDV cho rằng, điều quan trọng nhất trong thời điểm này là các ngân hàng phải chủ động tìm đến khách hàng chứ không phải chờ khách. Khi chủ động tiếp cận DN xác định khó khăn vướng mắc để cùng tháo gỡ hay nói cách khác phát hiện đúng bệnh rồi phải điều trị ngay.

Tuy chưa tính toán cụ thể, nhưng với các giải pháp hỗ trợ DN như trên, theo BIDV ít nhất ngân hàng phải giảm lợi nhuận từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng. Song, theo ông Hà đó là việc làm cần thiết bởi trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng phải xác định ý thức và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Tuy nhiên, "việc phải cứu DN là đương nhiên, nhưng cứu phải có nguyên tắc chứ không phải cứu vô tội vạ. Đó là DN được cứu phải sống", ông Hà lưu ý.

Chưa tung một gói giải pháp hỗ trợ đồng bộ, nhưng các "ông lớn" như Agribank, VietinBank cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng. Như VietinBank, theo Phó tổng giám đốc Lê  Đức Thọ, hiện lãi suất cho vay tại ngân hàng này khá thấp trung bình 14,5%/năm, một số chương trình như thu mua lúa gạo, hỗ trợ xuất khẩu... lãi suất cũng chỉ 12 - 13%/năm. Với lĩnh vực bất động sản, cụ thể các dự án sắp hoàn thành có hiệu quả kinh tế cao, phục vụ an sinh xã hội còn dở dang... ngân hàng sẽ xem xét ưu tiên đầu tư phù hợp để các dự án tiếp tục hỗ trợ sớm hoàn tất đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng... Agribank cũng đang thực hiện rà soát các khoản vay, trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ, phương án kinh doanh để chuyển nhóm nợ cho khách hàng. Từ đó đưa ra hạn  mức vay cũng như thời hạn vay phù hợp để DN tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với các NHTMCP dù được dựbáo sẽ là một năm khó khăn về kinh doanh, nhưng vẫn tích cực hỗ trợ DN qua các gói lãi suất ưu đãi. Tính đến thời điểm này, sau khi trần lãi suất huy động xuống 12%/năm có rất nhiều NHTMCP gia nhập thị trường vốn rẻ qua các gói tín dụng ưu đãi như SHB, MaritimeBank, SeABank, ACB, Techcombank, Sacombank, ABBank, HDBank, Eximbank và BIDV. Tổng số vốn các ngân hàng trên dự kiến bơm ra thị trường là 39 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp nhất từ 12% - 16,5%/năm. Như vậy, ngân hàng  đã sẵn sàng mở hầu bao, nhưng để số vốn trên giải ngân đến đúng địa chỉ tùy thuộc vào sự cải thiện sức khỏe và sức hấp thụ của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Thanh Huyền

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều