“Phủ sóng” VietQR tới chợ dân sinh
Hiện nay, các phương thức thanh toán mới, hiện đại như thẻ chíp, thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, trong đó, thanh toán bằng mã VietQR đã mang lại trải nghiệm thanh toán đơn giản, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Người dùng sẽ không cần phải nhập thông tin cá nhân của người nhận tiền hay số tiền cần chuyển, thay vào đó chỉ cần quét mã VietQR trên ứng dụng Ngân hàng điện tử và hoàn thành các bước xác thực theo quy định.
Chỉ trong 1 năm, với sự “ra quân” mạnh mẽ và đồng bộ, các chi nhánh Agribank trên toàn hệ thống đã phủ sóng các phương thức thanh toán tới hàng trăm nghìn khách hàng tại tất cả các tỉnh thành, từ vùng núi đến hải đảo, vùng sâu vùng xa đến các thành phố đô thị. Sự bùng nổ của thanh toán qua QR code đã tạo cơ hội cho hộ kinh doanh, tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ, các cá nhân có nhu cầu sử dụng, ứng dụng kênh thanh toán không tiền mặt vào hoạt động.
Nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, mô hình “Chợ dân sinh không dùng tiền mặt” ra đời, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và TTKDTM nói riêng tại các chợ.
Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại. Với mô hình này, các điểm kinh doanh trong những khu chợ “cóc”, chợ “cũ” được trang bị bảng quét mã QR để khách hàng dễ thanh toán vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Lần đầu tiên, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa...
Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang là đơn vị xây dựng mô hình và trực tiếp tham gia triển khai mô hình này tại tỉnh Bắc Giang. Chỉ trong 4 tháng ra quân, ngân hàng đã mang tiện ích thanh toán số đến gần 50 khu chợ dân sinh, thu hút được gần 900 khách hàng đăng ký phát hành thẻ mới và đăng ký dịch vụ Agribank E-Mobile Banking.
Tiểu thương tại chợ Dĩnh Kế thanh toán qua VietQR |
Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang ông Bùi Văn Chiến cho hay, Agribank chi nhánh tỉnh Bắc Giang chú trọng tăng cường triển khai chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính - ngân hàng để thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện quốc gia, đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những người dân khu vực nông thôn, những khu chợ dân sinh chưa có khả năng tiếp cận, không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ, gia tăng lợi ích và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mang đến nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Chợ Dĩnh Kế, phường Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang) phấn khởi chia sẻ, bà con bây giờ đi chợ không cầm tiền đâu, người ta dùng thẻ và điện thoại để thanh toán là nhiều. Chúng tôi thấy thanh toán qua công nghệ thế này cũng thuận tiện. Các cháu cán bộ ngân hàng hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ lắm. Người nào chưa hiểu thì lại giảng giải cho người kia. Những năm trước, chị em cầm tiền đi chợ có thể xảy ra mất mát, nhầm lẫn. Giờ có công nghệ rồi, rất thuận tiện. Không chỉ dừng lại tại mô hình chợ dân sinh, trong năm nay, dịch vụ TTKDTM hiện được Agribank đẩy mạnh triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống. Agribank từng bước tạo cho người dân thói quen TTKDTM thông qua lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp cả nước của mình.
Vì nền kinh tế không tiền mặt
Tương tự tại Hà Giang, sau hơn 5 tháng (6/2022) đẩy mạnh “phủ sóng” dịch vụ thanh toán qua VietQR đến khách hàng, Agribank Hà Giang đã triển khai và cấp 1.479 mã VietQR cho khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân trên địa bàn tỉnh để thanh toán không dùng tiền mặt.
Chị Phạm Thị Minh Hải - Chủ cơ sở HomeStay Maison Teahouse Bungalow (Hà Giang) cho biết, được Agribank Hà Giang hỗ trợ, cửa hàng đã thực hiện TTKDTM bằng mã VietQR thông qua tài khoản E-Mobile Banking của Agribank. Chỉ cần tạo cho mình mã QR riêng bằng cách truy cập website vietqr.net hoặc thực hiện ngay trên ứng dụng ngân hàng số Agribank E-Mobile Banking. Mã này được trưng bày công khai tại quầy thanh toán, khách mua hàng quét mã QR chuyển khoản để thực hiện thanh toán hóa đơn mua hàng. Điều này giúp cho cửa hàng quản lý dòng tiền trực tiếp trên cùng một ứng dụng ngân hàng. Giao dịch thanh toán được xử lý tức thì, mọi lúc mọi nơi, kể cả ngoài giờ hành chính và cuối tuần với hạn mức tối đa 1 giao dịch dưới 500 triệu đồng, không hạn chế số lần giao dịch trong ngày.
Ông Nguyễn Trung Tuyến - Giám đốc Agribank Hà Giang cho biết, mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành trao 2.000 mã VietQR cho khách hàng, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển mạng lưới TTKDTM đến năm 2023 là 4.000 mã VietQR. Dịch vụ Chuyển tiền nhanh bằng mã VietQR mang lại lợi ích không chỉ cho người bán hàng mà ngay cả khách hàng cũng được hưởng lợi từ việc đơn giản hóa quy trình thanh toán, gia tăng tốc độ giao dịch và hạn chế các rủi ro như nhập sai thông tin tài khoản/ thẻ, lộ thông tin cá nhân… cùng với chính sách hoàn toàn miễn phí (từ tạo mã, in mã đến chuyển và nhận tiền), khách hàng hoàn toàn yên tâm khi sử dụng dịch vụ thanh toán bằng mã VietQr của Agribank.
Từ giữa tháng 8/2022, Agribank Đông Gia Lai đã triển khai đợt 1 chương trình phát triển dịch vụ thanh toán qua VietQR đến khách hàng có hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ. Chỉ sau hơn 1 tháng đẩy mạnh “phủ sóng” dịch vụ thanh toán qua VietQR đến khách hàng, Agribank Đông Gia Lai đã trao hơn 500 mã VietQR cho khách hàng. Kết quả này cho thấy, việc chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt đang có sự chuyển biến tích cực. Ông Hoàng Trung Hiếu - Chủ hệ thống Nhà sách Vạn Trí Gia Lai (95 Lê Lợi, TP. Pleiku) cho biết, từ thực tế hoạt động kinh doanh của nhà sách, chúng tôi nhận thấy nhu cầu TTKDTM của khách hàng ngày càng gia tăng. Do đó, chúng tôi đã chủ động sử dụng phương thức thanh toán qua mã VietQR và quẹt thẻ thanh toán qua POS đều do Agribank Đông Gia Lai triển khai. Doanh số thanh toán phát sinh rất khả quan, cho thấy phương thức này đáp ứng tốt nhu cầu thiết thực của khách hàng. Với phương thức thanh toán qua mã VietQR, khách hàng sử dụng app của ngân hàng nào cũng đều được, rất thuận tiện, nhanh chóng.
Agribank Đông Gia Lai đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành trao 1.500 mã VietQR cho khách hàng, tạo tiền đề cho mục tiêu phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán qua VietQR đạt 5.000 đơn vị vào năm 2023. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Tiến Thu - Giám đốc Agribank Đông Gia Lai cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu TTKDTM của tổ chức, cá nhân đang ngày càng gia tăng. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh buộc phải thích ứng, thay đổi phương thức thanh toán nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu TTKDTM của khách hàng. Thông qua đợt 1 chương trình phủ sóng VietQR, Agribank Đông Gia Lai từng bước thay đổi thói quen và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Giải pháp thanh toán số đã thẩm thấu đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng một cách tự nhiên, nhanh chóng, được minh chứng qua việc Agribank không ngừng đưa ra thị trường những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao, cung cấp trải nghiệm giao dịch, hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số hiện đại, tiện ích. Quá trình đồng hành, thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn với người dân, đặc biệt là bà con nông dân và những người yếu thế tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, từ năm 2019, Agribank đã triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp nông thôn, kết hợp phát hành thẻ với cấp hạn mức thấu chi qua thẻ với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, Agribank còn trang bị miễn phí thiết bị POS và miễn phí chiết khấu để khuyến khích phát triển mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ trên địa bàn nông nghiệp nông thôn trong cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra của bà con nông dân.
Mục tiêu chuyển đổi số của ngành Ngân hàng đi liền với công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Thời gian tới, Agribank tiếp tục thực hiện đồng bộ một số giải pháp thúc đẩy TTKDTM khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đến những đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ. Cùng với đó, nỗ lực đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm nâng cao nhận thức của người dân, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
Minh Hằng