Nỗi lo nguồn nhân lực chất lượng cao

12:00 | 29/11/2019

Cần phải tạo lập mối quan hệ giữa nhà trường và DN để đào tạo những sinh viên có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực tế

Phát triển nhân lực chất lượng cao lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong CMCN 4.0
Du lịch trực tuyến: Bổ sung nhân lực chất lượng cao
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Cần tập trung và học hỏi

Hiện nay, áp lực cạnh tranh về nguồn nhân lực tại Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ. Cùng với sự đầu tư lớn về công nghệ, nhất là công nghệ cao đòi hỏi các DN cần một số lượng nguồn nhân lực sử dụng công nghệ cũng rất lớn. Bên cạnh đó, những dự báo gần đây cho thấy với những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ nhu cầu rất lớn về nhóm lao động trình độ cao. Tuy nhiên công tác đào tạo nguồn nhân lực này ở Việt Nam còn thiếu và yếu. Đây thực sự là một thách thức đang làm đau đầu các DN Việt hiện nay.

Những năm gần đây, số lượng DN thành lập mới liên tục tăng mạnh, đặc biệt là các DN khởi nghiệp về đổi mới sáng tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 tháng năm 2019, tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt hơn 149 nghìn DN, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2019 là trên 1,024 triệu lao động, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng cao.

Theo các chuyên gia, cuộc CMCN 4.0 đang làm chuyển dịch cơ cấu các ngành nghề khi mà nhiều DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển mạnh. Ở Việt Nam sự chuyển dịch này cũng đang diễn ra mạnh mẽ với một làn sóng DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là các thương vụ đầu tư lớn cho các startup công nghệ. Bên cạnh đó, các DN trong nhiều lĩnh vực cũng bắt đầu thay đổi khi đầu tư về công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để bắt kịp xu thế của thế giới. Việc các DN đang tập trung phát triển kinh tế số và ứng dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 đặt ra nhu cầu về nguồn nhân lực khá lớn.

noi lo nguon nhan luc chat luong cao
Cần phải tạo lập mối quan hệ giữa nhà trường và DN để đào tạo những sinh viên có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực tế

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT đối với các DN ở Việt Nam rất lớn trong khi thực tế chưa đáp ứng được nhu cầu. Các DN trong thời điểm này phải có chiến lược đào tạo tại chỗ hoặc kết hợp với các trường đại học để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trên thực tế, thiếu hụt nhân sự chất lượng cao luôn là một bài toán nan giải cho các DN trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Không chỉ các DN mới thành lập hay DN chuyên về lĩnh vực CNTT mà cả những DN, tập đoàn lớn ở Việt Nam như VNPT, FPT, Viettel cũng trong tình cảnh này. Theo đại diện Tập đoàn VNPT, cùng sự chuyển dịch của các DN đẩy mạnh về ứng dụng công nghệ cao đồng nghĩa các DN thực sự đang “khát” nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Riêng VNPT, trong lộ trình đến năm 2020 cũng sẽ cần hàng chục ngàn nhân lực làm CNTT. Trong khi đó công tác đào tạo trong lĩnh vực này ở cả nước đang chưa đáp ứng được nhu cầu nên các DN đang cạnh tranh gay gắt với những chính sách thu hút riêng.

Trước thực tế đó, công tác đào tạo nhân sự ngành CNTT trên cả nước đang có sự bứt phá mạnh. Cả nước hiện có 235 trường đại học thì có có 153 trường đào tạo CNTT, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên ngành này ra trường. Bên cạnh đó, có rất nhiều trường cao đẳng, trung tâm đào tạo về lĩnh vực CNTT. Mặc dù lượng sinh viên được đào tạo khá lớn nhưng để đáp ứng được nhu cầu chất lượng của DN thì lại chỉ chiếm một tỷ lệ không nhiều. Sinh viên ra trường còn thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Theo các chuyên gia, để giải bài toàn này không chỉ trông chờ vào công tác đào tạo sinh viêc của các trường đại học, cao đẳng mà cần sự vào cuộc của chính bản thân các DN, các DN cần phải có sự chủ động tham gia vào công tác đào tạo.

PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, cần phải tạo lập mối quan hệ giữa nhà trường và DN để đào tạo những sinh viên có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.

Theo đại diện VNPT, việc các DN kết hợp với nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp thiết thực khi mà nhu cầu của DN ngày càng lớn. Thời gian qua, VNPT đã tích cực hợp tác với nhiều trường đại học lớn như Đại học Bách khoa TP. HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện công nghệ Bưu chính - Viễn thông… với các hình thức như đặt hàng, cấp học bổng, xây dựng mô hình liên kết, định hướng công tác đào tạo… Do đó, DN đã phần nào chủ động được nguồn nhân lực về CNTT và các sinh viên ra trường cũng đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Việc DN chủ động đầu tư và phối hợp với các trường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 hiện nay là rất phù hợp với xu thế của thị trường.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều