Bùng nổ dịch vụ giao nhận hàng hóa |
Đầu tháng 8/2018, Go-Jek - công ty cho thuê xe của Indonesia đã bắt đầu kế hoạch mở rộng đầy tham vọng nhằm tăng cường cạnh tranh với hãng Grab bằng cách xâm nhập vào thị trường vận chuyển tại Việt Nam, sau đó sẽ là Philippines và Singapore.
Các hãng xe công nghệ đang nỗ lực giành lại thị phần từ Grab |
Công ty được định giá 5 tỷ USD này chính thức tham gia cuộc đua trên thị trường vận chuyển với thương hiệu Go-Viet, cung cấp 2 dịch vụ chính là gọi xe 2 bánh và đặt giao hàng thông qua ứng dụng công nghệ di động. Điều đáng quan tâm, chỉ sau 3 ngày sau khi “trình làng” tại thị trường Việt Nam, CEO của hãng này chia sẻ mức độ phủ sóng của Go-Viet đã lên đến 10%, một con số đáng mơ ước đối với bất kỳ hãng xe nào khi mới ra mắt.
Khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam đã để lại sự “hụt hẫng”, nuối tiếc ít nhiều đối với những khách hàng quen dùng ứng dụng vận chuyển của hãng này trước đó. Và ngay sau đó, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin tại Việt Nam, không riêng gì Go-Viet, lập tức đã có hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ mới ra đời như Aber, FastGo, T.net, Vato hay như Mai Linh, Vinasun cũng lập tức bổ sung thêm ứng dụng gọi xe trên thiết bị di dộng hay vận chuyển bằng phương tiện xe 2 bánh vốn nhanh chóng, quen thuộc và thông dụng với người dân Việt.
Trong đó, Aber là một ứng dụng gọi xe của nhóm kỹ sư người Việt ở nước ngoài. Các dịch vụ mà Aber cung cấp là xe 2 bánh chở khách, xe 2 bánh giao hàng, ô tô và xe khách đường dài... với cam kết không tăng phí trong giờ cao điểm.
Còn FastGo - ứng dụng gọi xe của tập đoàn công nghệ NextTech tuyên bố không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ phần trăm, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Còn đại học FPT cho ra mắt ứng dụng gọi xe thông minh T.Net với 8 hạng xe dịch vụ, từ bình dân đến cao cấp, gồm xe 2 bánh, xe hơi và taxi... Tất cả tạo nên cuộc đua sôi động theo chiều hướng chia sẻ thị phần, cạnh tranh nâng cao chất lượng theo hướng có lợi cho người dùng trong nước.
Đối với những cái tên mới xuất hiện như Go-Viet, để trở nên quen thuộc và được khách hàng nhanh chóng biết đến thì những chiêu khuyến mãi, giảm giá sốc được áp dụng một cách triệt để như đưa ra mức cước chỉ 5.000 đồng cho mỗi cuốc xe dưới 8 km, khiến các hãng khác chạy đua “hụt hơi”. Để làm được điều này, Go-Viet tự tin có tiềm lực mạnh từ công ty mẹ chống đỡ để việc thâm nhập, mở rộng thị trường được thuận lợi.
Tuy nhiên, đối với những hãng xe công nghệ khác, nếu không có sự hậu thuẫn mạnh về tài chính để tăng thị phần thì cuộc chạy đua này có phần khó khăn và có vẻ khó có thể ảnh hưởng, hay gây áp lực được trước độ “phủ sóng” hiện nay của Grab. Ngoài ra, vì còn non trẻ nên một số hãng xe công nghệ kể trên vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu nên chất lượng phục vụ chưa ổn định, chính sách đối với người tham gia vào đội ngũ chạy xe vẫn chưa hấp dẫn.
Mặc dù vậy, sự tham gia ngày càng nhiều của các hãng xe công nghệ cả trong và ngoài nước đang tạo ra thị trường cạnh tranh sôi động, hướng tới dần cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm giá cước và người tiêu dùng được hưởng lợi. Song, nếu xét ở một khía cạnh khác, để cuộc đua trên thị trường vận chuyển qua ứng dụng di động ngày càng phát triển lành mạnh và tạo nên giá trị, lợi ích cho người dùng thì trước tiên cần phải tuân thủ theo đúng quy định luật pháp.
Quyết định 24/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải về thí điểm khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho phép triển khai tại 5 tỉnh, thành bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và TP.HCM với 9 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử như: Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (M.Car), Công ty CP Đầu tư và Hợp tác phát triển (Home Car)… Ngoài các đơn vị này, các ứng dụng mới ra đời sẽ được quản lý và vận hành ra sao đang còn là vấn đề được quan tâm và xem xét trong thời gian tới.
Tuyết Anh