Nộp học phí trực tuyến: Tiếp sức mùa tựu trường, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID

14:11 | 16/08/2021

Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục đem lại chính sự tiện lợi cho người dân, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền kinh tế, phù hợp với xu thế chung của thị trường. Tuy nhiên để có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả lại cần có sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ từ các Bộ, ngành có liên quan.

nop hoc phi truc tuyen tiep suc mua tuu truong giam nguy co lay nhiem covid
Thanh toán học phí trực tuyến tiếp sức mùa tựu trường

Thay đổi thói quen chi, trả học phí

Theo khảo sát của Thoibaonganhang.vn, tính đến ngày 16/8 cả nước đã có gần 110 trường đại học, cao đẳng trên cả nước công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021. Cũng trong thời điểm này, nhiều địa phương đã "chốt" kế hoạch năm học mới. Điều này đồng nghĩa với việc, nhu cầu thanh toán học phí của phụ huynh sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Khác với những năm trước, thay vì phải nộp học phí theo cách truyền thống nhiều phụ huynh đã lựa chọn dịch vụ thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Anh Nguyễn Thanh Bình, phụ huynh một trường THPT tại quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cho rằng, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt là xu hướng của xã hội văn minh bởi tối ưu hóa những hoạt động lao động thủ công và tiết kiệm thời gian, thủ tục và giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Theo anh Bình, trước đây, có tháng anh phải “chầu chực”, tranh thủ giờ đưa đón để đóng tiền học cho con do nhà trường quy định mỗi khối lớp đóng tiền vào một ngày và 2 khung giờ cụ thể, chuẩn bị sẵn tiền lẻ… rất bất tiện nhưng nay việc nộp học phí đã được giải quyết đơn giản.

Không chỉ phụ huynh, nhà trường cũng “giải tỏa” được nhiều áp lực. Ông Lê Hoàng Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, năm học 2020-2021 bước đầu triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trường, nhờ làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh mà nay tất cả học sinh toàn trường đều áp dụng hình thức này.

Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giáo viên chủ nhiệm giảm bớt áp lực công việc. Bộ phận kế toán cũng làm việc khoa học hơn khi áp dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kê khai rõ ràng các khoản thu chi trong nhà trường.

Để có được tiện ích này, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực phối hợp với các các cơ sở đào tạo cung cấp giải pháp thanh toán học phí tiện lợi cùng nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ chi phí cho phụ huynh, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành. Nhờ đó, nỗi lo mỗi mùa nộp học phí của học sinh, phụ huynh và nhà trường đã được đơn giản hóa.

Bước tiến trong hiện đại hóa dịch vụ giáo dục

Mới đây, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ra mắt hệ thống thu hộ và hoàn trả học phí cho toàn bộ sinh viên tại Đại học Đồng Tháp. Với các sinh viên mở tài khoản mới, ngân hàng sẽ ưu đãi gói tài khoản 0 đồng, miễn phí thường niên thẻ ghi nợ, miễn phí chuyển tiền nội bộ và phí duy trì một số dịch vụ.

Đại diện ngân hàng này cho biết, đồng hành cùng giáo dục luôn là một trong những trọng tâm hàng đầu. Bởi vậy, trong suốt hành trình phát triển, ngân hàng đã hợp tác với nhiều đơn vị giáo dục đại học lớn trên cả nước, sẵn sàng mang đến các giải pháp tài chính phù hợp, đồng hành cùng thầy cô và sinh viên trên con đường chinh phục tri thức.

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng lớn cũng đồng loạt triển khai dịch vụ thu hộ học phí như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…

Theo đại diện VPBank, giải pháp thu hộ học phí của ngân hàng phù hợp với với đa dạng các loại hình, cấp học khác nhau từ mầm non tới đại học, từ dân lập tới công lập. Việc tích hợp khá dễ dàng và linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu và đặc thù của mỗi trường. Nhà trường có thể triển khai ngay trong ngày từ lúc ký hợp đồng.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng hơn 190.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.

Nắm bắt nhu cầu này, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai chương trình ưu đãi cho khách hàng khi chuyển tiền quốc tế. Theo đó, từ nay đến ngày 11/11, khi khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển tiền quốc tế trên ứng dụng OCB OMNI sẽ được hoàn ngay 100% phí dịch vụ. Với ứng dụng này, khách hàng có thể nộp học phí hoàn toàn trực tuyến, thao tác đơn giản, chủ động về thời gian và theo dõi tiến độ giao dịch trực tuyến.

Không chỉ ngân hàng tích cực hỗ trợ, các cơ quan quản lý cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở xác định mục tiêu 100% trường học ở thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và thống nhất đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua các đơn vị, cơ sở giáo dục, UBND các quận huyện.

Đồng thời, Sở cũng đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục, thông qua phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu, nhanh chóng triển khai thu hộ học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt. Các trường đồng thời đa dạng hình thức, không giới hạn các ngân hàng thanh toán, nhằm tạo điều kiện để phụ huynh học sinh thuận lợi trong việc thanh toán, không phải tập trung đến trường, hạn chế tối đa việc thanh toán trực tiếp tại các trường, ông Lê Hoài Nam nói.

Tuy nhiên, việc triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt vẫn gặp không ít khó khăn. Lãnh đạo một số trường phản, ở những địa bàn đông con em người lao động chưa có thói quen dùng các dịch vụ không sử dụng tiền mặt. Bên cạnh đó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở các trường vùng nông thôn, vùng sâu không có điện thoại thông minh, việc mở tài khoản tại ngân hàng… cũng là những vấn đề khó thực hiện.

Theo các chuyên gia tài chính-ngân hàng, triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong giáo dục phù hợp với chủ trương của Nhà nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng trong việc đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công đến các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân. Để triển khai chương trình này đồng bộ và đạt hiệu quả cao hơn nữa cần có sự kết nối, hỗ trợ chặt chẽ từ các Bộ, ngành có liên quan. Cùng với đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa thấy được tiện lợi của việc thanh toán trực tuyến, góp phần giảm sử dụng tiền mặt, tạo sự văn minh trong thanh toán, tiêu dùng.

(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

Ái Nhiên

Tin đọc nhiều