Sau hơn một tuần Tổng cục Thuế đề nghị các NHTM chỉ cung cấp dịch vụ nộp thuế qua NH, hiện cả nước đã có 91% số DN đăng ký nộp thuế điện tử. Tuy nhiên giới chức ngành thuế cho biết, số tiền thu cho ngân sách bằng phương thức điện tử đến nay vẫn chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền thuế phải thu.
Nộp thuế qua ngân hàng sẽ không chỉ rút ngắn thời gian của DN mà còn tạo tính minh bạch trong tài chính công |
Chần chừ lo... mất tiền, chậm nộp thuế
Chị Vũ Thị Bích Ngọc, nhân viên phụ trách thuế của một công ty chuyên sản xuất bao bì (quận Gò Vấp - TP.HCM) cho biết: Từ khi nộp thuế qua NH, công ty chị thường vào trang web cục thuế nơi DN đăng ký sau đó chọn NH thanh toán khoản thuế phải nộp. Việc này chỉ cần ngồi tại công ty thao tác qua ngân hàng điện tử, nhưng do phòng giao dịch một NH nằm sát bên công ty nên chị vẫn qua quầy giao dịch NH nhờ thực hiện ủy nhiệm chi qua tài khoản NH để nộp thuế.
Theo chị Ngọc, đối với các công ty có tài khoản tại NH và ít phát sinh các loại thuế phải nộp thì chưa chắc việc tự nộp thuế điện tử thông qua tài khoản liên thông đã nhanh hơn việc thanh toán thuế bằng phương pháp ủy nhiệm chi. Bởi để nộp được thuế thông qua tài khoản liên thông, các phần mềm tin học mà DN sử dụng đều phải tích hợp được với phần mềm mà cơ quan thuế đang dùng. Điều này đòi hỏi nhân viên kế toán của DN phải có am hiểu khá tốt về tin học.
Chưa kể, khi nộp ủy nhiệm chi, chỉ cần vài phút là NH có thông báo kết quả nộp thuế, trong khi đó, nếu tự nộp qua mạng liên thông thường phải chờ một khoảng thời gian (có khi cả ngày) để nhận được xác nhận đã nộp thuế. Điều này khiến cho các kế toán thuế e ngại vừa sợ mất tiền của công ty, vừa sợ không nộp đúng thời hạn DN sẽ bị phạt nộp chậm.
Những lo ngại của chị Ngọc cũng là tâm lý của nhiều cán bộ tài chính DN sau khi áp dụng hình thức tự nộp thuế điện tử thông qua mạng liên thông ngân hàng với cục thuế địa phương. Tổng cục Thuế tổng kết có 4 nỗi lo chính khiến các DN ngần ngại khi tự thực hiện nộp thuế điện tử: Thứ nhất, nhân viên phụ trách nộp thuế sợ mất tiền trong thời gian khá dài chờ đợi xác nhận của cơ quan liên quan gửi tới.
Thứ hai, nộp thuế điện tử, DN sẽ dễ phát sinh thêm chi phí khi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào kho bạc và chịu phí chuyển khoản hoặc phí chuyển tiền liên ngân hàng. Điều này làm chi phí hoạt động của DN tăng lên.
Thứ ba, nhiều DN (nhất là nhóm DN nhỏ) chủ yếu thuê dịch vụ kế toán làm ngoài, do đó không muốn giao chữ ký số cho người ngoài, sợ làm lộ bí mật kinh doanh.
Thứ tư, bản thân các DN không muốn đầu tư thêm nhân sự và hạ tầng công nghệ (máy tính, phần mềm) chỉ để phục vụ việc khai và nộp thuế điện tử.
Ngoài những lý do trên, sở dĩ vẫn còn một lượng lớn các DN chưa đăng ký nộp thuế điện tử hoặc đã đăng ký nhưng chưa thực hiện nộp thuế là vì hiện nay một số lượng lớn các DN mới đăng ký thành lập, chưa phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.
Chỉ riêng trong tháng 10 và 11/2015 cả nước đã có khoảng 18.500 DN đăng ký thành lập mới. Số DN hầu như chưa phát sinh thuế phải nộp nên chưa đăng ký nộp thuế điện tử. Trong khi đó, trong 11 tháng đầu năm cũng có khoảng 62.700 DN rơi vào tình trạng khó khăn phải tạm ngừng hoạt động. Số DN này dù đã đăng ký nộp thuế điện tử thì khả năng thanh toán thuế cũng bị chững lại.
Chủ yếu do tâm lý
Quy định bắt buộc nộp thuế nội địa qua NH điện tử là một bước rút ngắn thời gian làm việc với cơ quan thuế cho DN và hướng đến minh bạch tài chính. Theo Thông tư 110/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì người nộp thuế nội địa khi thực hiện thủ tục nộp thuế điện tử có thể chọn các hình thức giao dịch với NH như Internet, Mobile, ATM, POS và các hình thức thanh toán điện tử khác mà NH có quy định, chứ không nhất thiết phải tự nộp thông qua mạng liên thông.
Lãnh đạo các NHTM cho biết, hầu hết DN đến mở tài khoản hoặc có giao dịch với NH thời gian qua đều được hướng dẫn và đăng ký miễn phí tài khoản nộp thuế qua NH. Trừ những DN không doanh thu, còn lại hầu hết các DN đã nộp thuế qua NH. Các DN chủ yếu sử dụng internet banking để nộp thuế nội địa. Tuy nhiên, từ ngày 1/12/2015 quy định của Tổng cục Thuế bắt buộc các DN nộp thuế nội địa qua NH, riêng phần thuế xuất nhập khẩu ở cơ quan hải quan thì vẫn chưa thực hiện.
“Nộp thuế qua NH tương tự như hình thức mua hàng qua mạng, người nộp thuế có tài khoản truy cập vào trang web thuế điện tử địa phương, sau đó chọn NH thanh toán thuế. Theo đó, một DN có quan hệ với nhiều NH khác nhau, có thể hôm nay tiền về tài khoản này chọn NH này thanh toán, ngày mai tiền lại về tài khoản NH kia thì lại chọn NH đó thanh toán” – lãnh đạo một NHTM ở TP.HCM nói.
Hiện nhiều NH đang miễn phí toàn bộ các chi phí mở tài khoản thanh toán thuế đến hết ngày 31/12/2015 để khuyến khích các DN tham gia.
Song nhiều DN chưa mặn mà nộp thuế qua NH hiện nay do còn lo ngại mạng liên thông giữa cục thuế nhiều địa phương chưa hoạt động trơn tru, mà bỏ qua những hình thức nộp thuế điện tử khác mà DN vẫn làm qua các nghiệp vụ thanh toán của các NH. Đối với những DN nhỏ doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm thì việc đầu tư thêm máy móc, sẽ đội chi phí thêm 50-60 triệu đồng, khiến DN cần phải cân nhắc.
Theo các chuyên gia tài chính, vấn đề chủ yếu nằm ở tâm lý DN chưa quen với việc thanh toán thuế điện tử, tuy nhiên bên cạnh việc nộp thuế qua NH thì cơ quan thuế các địa phương cũng nên linh hoạt theo điều kiện hạ tầng công nghệ thực tế ở địa phương mình. Nộp thuế điện tử qua NH thông qua việc trích nợ từ tài khoản sẽ giúp DN không mất thời gian và vận chuyển bằng tiền mặt đi nộp thuế gây rủi ro cho DN.
Thực hiện quy định, từ ngày 01/12/2015, DN bắt buộc phải nộp thuế nội địa qua hệ thống NH. NHNN chi nhánh TP.HCM đã có văn bản gửi các NHTM trên địa bàn, yêu cầu tăng cường chất lượng dịch vụ, kết nối thông suốt và có chính sách ưu đãi về phí cho hoạt động nộp thuế điện tử. Các NH thông tin hướng dẫn, vận động khách hàng của mình nộp thuế qua NH điện tử như internet banking, mobile banking... Thông báo này cũng đồng thời gửi đến các NH nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM hiện nay các NH ngoại chậm chạp nhất trong triển khai nộp thuế điện tử cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. |
Thạch Bình