Nước sạch bất cập quản lý sau thoái vốn

10:00 | 04/11/2019

Thời gian gần đây, sự kiện Công ty nước sạch Sông Đà bán nước nhiễm độc cho người dân đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và lo ngại. Từ góc độ cổ phần hóa, nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý DN ngành nước sau khi Nhà nước đã thoái vốn, hết quyền chi phối đang có nhiều bất cập, cần phải xem xét lại.

Từ sự cố nước sạch sông Đà: Cần lấp "lỗ hổng" trong quản lý nguồn nước
Nguy cơ mất an ninh nguồn nước
nuoc sach bat cap quan ly sau thoai von
Ngành sản xuất cung ứng nước sạch hiện nay thu hút mạnh các tập đoàn kinh tế lớn cả trong nước và quốc tế

“Mỏ vàng” vào tay tư nhân

Theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nước sạch thuộc lĩnh vực Nhà nước không cần nắm quyền chi phối, tỷ lệ sở hữu được giảm xuống còn dưới 50%; thậm chí đến năm 2020 Nhà nước có thể thoái vốn toàn bộ.

Hội Cấp nước Việt Nam cho biết, tính đến hiện nay, cả nước đã thoái vốn tại 57 DN thuộc ngành cấp thoát nước. Trong đó có 24 DN được bán với tỷ lệ sở hữu hơn 50% vốn điều lệ, 33 DN được thoái vốn ở tỷ lệ thấp hơn.

Sức hấp dẫn trong đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch hiện nay được hầu hết công ty chứng khoán đánh giá là khá lớn và có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ước tính, trong vòng 5 năm tới (2017-2022), nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này lên tới 10 tỷ USD và việc thoái vốn của các DNNN sẽ tiếp tục là động lực để các tập đoàn tư nhân, các quỹ tài chính (cả trong và ngoài nước) chia sẻ “mỏ vàng” từ sản xuất, cung ứng nước sạch.

Điểm qua trên thị trường cung cấp nước sạch hiện nay có thể thấy, các DN lớn như CTCP Cơ điện lạnh (REE), CTCP Nhựa Đồng Nai, CTCP Nước – Môi trường Bình Dương… đều đang là những đơn vị tư nhân chiếm lĩnh 20-40% thị phần cấp nước cho TP.HCM và các tỉnh thành lân cận. Ở khu vực phía Bắc, các DN như: CTCP Nước sạch Sông Đà, CTCP Nước sạch Hà Ðông, Hawacom, Viwaco… đều gần như thống lĩnh thị phần cấp nước ở từng địa bàn.

Trong một báo cáo so sánh, công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành nước giai đoạn 2017-2020 hiện ở mức 43% (đối với nước công nghiệp) và 36% (đối với nước sạch tiêu dùng). Hiện nay, hầu hết các DN ngành nước đều có tình trạng sức khỏe tài chính ở mức khá và tốt với mức lợi nhuận tăng trưởng từ 29 – 64%/năm. Ngoài các tập đoàn lớn trong nước tham gia vào thị trường thì hiện nay các quỹ tài chính như: VOF, Dragon Capital, Maybank Kim Eng, VMFVF 1&2… cũng đã chi tiền tỷ để mua cổ phần các DN ngành nước. Các thương vụ đình đám trên thị trường chứng khoán cũng diễn ra phổ biến 2-3 năm gần đây, chẳng hạn thương vụ thâu tóm 3 nhà máy nước Sông Hậu, Sông Đuống và Xuân Mai của CTCP Nước AquaOne; vụ đầu tư vào hàng loạt công ty nhóm Sawaco của CTCP Vietnam – Oman; vụ Manila Water Asia Pacific (Philippines) thâu tóm cổ phiếu CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII)…

Cởi mở nhưng cần ràng buộc

Theo ông Trần Quang Hưng - nguyên Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện Chính phủ đang thúc đẩy hoạt động thoái vốn, cổ phần hoá các DNNN. Đó là một chủ trương đúng đắn để xã hội hoá đầu tư, nhằm tăng hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, nước sạch là một loại sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống con người. Vì thế, việc bảo đảm nước sạch cho cộng đồng là của Nhà nước, không thể giao trách nhiệm cho một nhóm hay một DN nào làm thay. Bởi xét cho cùng, cấp nước là một loại hình dịch vụ công. Nhà nước cần tính toán để lại phần vốn hợp lý, tham gia quản lý, kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư nhà máy nước và cấp nước sạnh cho người dân.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, Nhà nước chưa nên buông hoàn toàn nước sạch trong khi khung pháp lý, hệ thống chính sách chưa hoàn chỉnh và chưa theo kịp thực tiễn đầu tư.

Ông Thỏa cho rằng, hiện nay các pháp lý hướng dẫn cách thức quản trị DN sau cổ phần hóa; cơ chế kiểm soát, ràng buộc đối với những DN mà Nhà nước đã thoái hết phần vốn chi phối vẫn chưa rõ ràng và cụ thể. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung, đe dọa chủ trương cấp nước an toàn, đe dọa việc giữ gìn, tôn vinh thương hiệu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, do sức hấp dẫn trong đầu tư ngành nước, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng tham gia mua cổ phần các DN tại Việt Nam. Một số tập đoàn quốc tế lớn đã chiếm lĩnh khá nhiều thị phần và săn đón tích cực trong các thương vụ cổ phần hóa. Ở chiều tích cực thì việc tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài là rất tốt nhưng nếu không kiểm soát kỹ lưỡng và ràng buộc cụ thể thì có thể dẫn tới các nguy cơ rủi ro bị các công ty nước ngoài thâu tóm.

Vì vậy, theo ông Thỏa, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước vẫn nên giữ cổ phần ở lĩnh vực nước sạch khoảng 30-35%, không nên thoái vốn hết 100%. Khi cổ phần hóa, chọn đối tác cần phải buộc DN, nhà đầu tư nước ngoài cam kết đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu nước dùng cho người dân, đảm bảo đúng quy chuẩn Việt Nam, giải quyết yêu cầu hợp lý của khách hàng. Cơ chế này phải được điều chỉnh bằng luật, ai làm sai, sai đến đâu phải truy cứu trách nhiệm chứ không thể bằng các cơ chế bắt tay, thỏa thuận rất lỏng lẻo như hiện nay.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều