OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 4.400 tỷ đồng

16:49 | 30/06/2020

Ngày 30/6/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020. Đại hội đã thông qua các báo cáo, tờ trình và hoàn tất việc bầu cử các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới (2020 - 2025). Ông Trịnh Văn Tuấn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HĐQT trong nhiệm kỳ này.

ocb dat muc tieu loi nhuan 4400 ty dong

Do ảnh hưởng từ Covid-19, năm 2020 dự báo nhiều khó khăn, OCB xác định phát triển kinh doanh an toàn, song song đó, vẫn đẩy mạnh tăng trưởng quy mô, chất lượng tài sản.

Tiếp tục kiểm soát tốt chi phí hoạt động trên cơ sở tối ưu hóa chi phí, đầu tư về công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho hệ thống, duy trì tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu từ hoạt động (CIR) của OCB dưới 37%. Đây chính là cơ sở kỳ vọng lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước.

Quy mô tổng tài sản năm 2020 mục tiêu đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cuối năm trước. Trong đó, tăng trưởng huy động là 21%; Dư nợ thị trường 1 tăng 25% trên cơ sở phê duyệt của NHNN.

Đặc biệt, theo kế hoạch năm nay, OCB còn đưa ra mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 25 - 27%. Đây được xem là ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.

Một trong các nội dung đáng chú ý trong Đại hội là việc thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2020 lên hơn 11.275 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Aozora (AOZ), Nhật Bản.

ocb dat muc tieu loi nhuan 4400 ty dong

Trước đó, vào ngày 17/6, OCB đã đươc Ngân hàng nhà nước chấp thuận việc cho phép AOZ mua cổ phần của OCB để trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB.

Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số. Đồng thời liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề trong việc triển khai công tác chuẩn bị niêm yết cổ phiếu OCB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Trong năm qua, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.232 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2018. Chỉ số CIR giảm xuống còn 37%, sự cải thiện này cho thấy năng suất lao động của OCB ngày một cao hơn và hiệu quả quản lý chi phí hoạt động ngày một tốt hơn.

Nhờ sự bứt phá mạnh mẽ từ các hoạt động kinh doanh, OCB đã có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch 3 năm liên tiếp. Tốc độ tăng trưởng kép (CARG) từ năm 2016 - 2019 đạt trên 88%. Theo đó, tỷ suất sinh lời tiếp tục cải thiện mạnh, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) lần lượt trên 2,4% và 26,1%. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần tăng hơn 30,7% đạt mức khoảng 3.264 đồng một cổ phần.

Kết quả trên đã đưa OCB vào Top 3 ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất, hiệu quả thu nhập trên tổng tài sản và trên cổ phần, đồng thời có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân toàn ngành.

OCB được Moody's Investors, một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới tăng xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA - Counterparty Risk Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR - Counterparty Risk Ratings) của OCB lên mức Ba3 trong năm 2019.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB, cho biết, giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn tăng tốc và phát triển. OCB tập trung vào việc phát triển quy mô, định vị thương hiệu, phát triển ngân hàng số và hoàn thành các hạng mục dự án quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II.

Trong vòng 5 năm, quy mô ngân hàng đã tăng trưởng vượt bậc khi tổng tài sản tăng 140%, vốn điều lệ tăng 122%, vốn chủ sở hữu tăng 172%.

Về hiệu quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước thuế nhà băng này tăng 11 lần, tạo nguồn thu đáng kể để tái đầu tư cũng như tạo ra thu nhập cổ tức cho cổ đông. Chất lượng tài sản cải thiện, nợ xấu được kiểm soát tốt và duy trì ở mức 1,49% trong năm 2019.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, OCB đặt mục tiêu vào top 10 ngân hàng và là ngân hàng tốt hàng đầu tại Việt Nam. OCB dự báo tiếp tục đà tăng trưởng mức bình quân 20% mỗi năm, duy trì cổ tức 15 - 25%, mở rộng thị phần, đầu tư công nghệ và hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đem đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ và sự trải nghiệm an toàn, tiện nghi.

Tuyết Anh

Tin đọc nhiều