Trong năm vừa qua, Chính phủ và NHNN đã kiểm soát tốt nền kinh tế cũng như thị trường tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn chậm và sức mua của người tiêu dùng vẫn ở mức thấp. Đối với ngành Ngân hàng, hoạt động kinh doanh trong năm 2014 cũng có sự khởi sắc, thể hiện qua các chỉ số về tốc độ tăng trưởng ngành, nợ xấu được kiểm soát và có xu hướng giảm...
OCB chuẩn hóa từ không gian giao dịch |
Trong điều kiện còn nhiều thách thức từ môi trường kinh doanh, với quyết tâm của Hội đồng quản trị, Ban điều hành và sự đoàn kết phát huy sức mạnh của toàn thể 2.300 cán bộ nhân viên toàn hệ thống, OCB đã từng bước giải quyết khó khăn, vững vàng phát triển, đạt được những kết quả kinh doanh tốt, tạo đà cho năm 2015.
Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động OCB năm 2014 và Triển khai nhiệm vụ 2015 được OCB tổ chức mới đây tại TP. Vũng Tàu, theo số liệu được công bố, tổng tài sản ngân hàng đạt 39.146 tỷ đồng, tăng 19,37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng huy động đạt 34.685 tỷ đồng, tăng 21,64% so với cùng kỳ và hoàn thành 116% kế hoạch.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 24.528 tỷ đồng, tăng 18,8% so với 2013 và đạt 108% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 2,85%, giảm 0,07% so với 2013. Vốn điều lệ tăng lên 3.547 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết: “Kinh tế 2015 được dự báo có sự phát triển ổn định với mức tăng GDP vào khoảng 6%; lạm phát được ổn định ở mức thấp khoảng 4,6%; tỷ giá, lãi suất theo xu hướng ổn định và không có nhiều biến động. Trong năm 2015, Việt Nam có nhiều bộ luật (sửa đổi) sẽ đi vào cuộc sống như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Nhà ở…
Tôi cho rằng, khi những luật này đi vào đời sống, hành lang pháp lý của nền kinh tế Việt Nam sẽ rõ ràng, thông thoáng hơn và sẽ tạo điều kiện rất nhiều cho DN thực hiện đầu tư, phát triển mới cũng như ổn định, mở rộng kinh doanh”.
Thời gian qua, OCB đã hoàn thành và đạt được nhiều thành tựu trong việc cải tổ hệ thống, nâng cấp hệ thống vận hành, hệ thống quản lý rủi ro cũng như năng lực phục vụ khách hàng. Về định hướng hoạt động trong năm 2015, OCB sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình để chuyển hoá các thành tựu này vào chất lượng phục vụ khách hàng.
Đồng thời, các định hướng lớn sẽ triển khai thông qua các chương trình và giải pháp cụ thể. Đơn cử như Chương trình phát triển khách hàng tại địa phương. Khi triển khai chương trình này, từng chi nhánh và đơn vị giao dịch của OCB sẽ tập trung phát triển khách hàng lân cận khu vực hoạt động của mình, tạo ra những sự ưu việt, ưu đãi cao đối với khách hàng quanh khu vực hoạt động của mình.
Đối với hoạt động khách hàng DN, OCB đã xây dựng được một lực lượng khách hàng thân thiết và từ những khách hàng cốt lõi truyền thống, phát triển những khách hàng đối tác liên kết, những nhà cung cấp vệ tinh, các nhà phân phối. Với nhóm những khách hàng này, ngân hàng sẽ có sự ưu đãi, chăm sóc đặc biệt, bao gồm kể cả về sản phẩm, giá dịch vụ và cách thức phục vụ.
Cũng tại Hội nghị tổng kết, Ban lãnh đạo OCB cho biết, ngân hàng đã sẵn sàng triển khai kế hoạch tái cấu trúc ngành Ngân hàng đến năm 2017. Bởi trước đó, OCB đã có sự đầu tư nghiêm túc cho việc thiết kế và xây dựng chiến lược để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển. Trong 2 năm qua, OCB kiên định thực hiện theo chiến lược đã hoạch định.
Hiện nay, tiến trình cải tổ và phát triển ngân hàng đang theo đúng lộ trình mà OCB đã đặt ra. Với lộ trình này, OCB rất tự tin sẽ đứng vững trong top 15 đến 20 ngân hàng dẫn đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, OCB tự tin đạt được và sẽ là một trong những ngân hàng chủ động để thực hiện các chuẩn mực mà NHNN đặt ra, ngày càng gần hơn các chuẩn mực toàn cầu.
“Trong quá trình hội nhập, hoạt động M&A ngày càng sôi động hơn, đặc biệt trong các ngành như thương mại bán lẻ, sản xuất công nghiệp, logistics và nhất là ngành tài chính ngân hàng. Ngoài ra, hàng loạt các hiệp định tự do hóa thương mại có hiệu lực trong năm 2015 và người chơi, cách chơi trên thị trường sẽ thay đổi.
Song, với một kế hoạch vững vàng, chắc chắn, OCB rất tự tin trong việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu của ngành Ngân hàng nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung”, ông Tùng khẳng định.
Tuyết Thanh