Ôtô nội, ngoại cùng "ngấm đòn"

16:38 | 09/04/2012

Chưa bao giờ thị trường kinh doanh ôtô, cả đối với xe nội và xe ngoại, lại khó khăn như hiện nay. Phí chồng phí đang là nhân tố chính khiến hoạt động tiêu thụ trở nên ảm đạm.

Các số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, ước tính lượng tiêu thụ ôtô từ 18 thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) giảm khá mạnh trong quý I/2012. VAMA cho biết, tiêu thụ thực tế trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt có 10.390 xe, giảm tới 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tiêu thụ trong tháng 3 này vẫn còn u ám, đặc biệt khi thị trường đón nhận thêm thông tin sẽ thực hiện áp phí lưu hành cao đối với ôtô, xe máy do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất.


Dự báo thị trường tiêu thụ ôtô sẽ giảm trong thời gian tới. (Ảnh: St)

Theo đại diện cửa hàng ôtô Đại Dương trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), không chỉ các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ khó khăn mà xe ngoại nhập về bán cũng đang chịu tình trạng ế ẩm. Vì thế các doanh nghiệp nhập khẩu xe từ đầu năm đến nay đang buộc phải giảm mạnh lượng nhập khẩu cho dù thuế suất sang năm 2012 đã được cắt giảm tương đối từ một số thị trường chính như ASEAN, Trung Quốc.

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ước tính cả khối lượng và giá trị nhập khẩu xe ôtô trong quý I năm nay đều trượt dốc mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng lượng ôtô nhập khẩu về nước chỉ đạt 7.000 xe, giảm 54%; kim ngạch đạt 135 triệu USD, giảm 51,4%.

Một số hãng xe cho rằng, nhiều chính sách hạn chế tiêu dùng ôtô trong năm nay đang phát huy sức tác động. Với việc đặt một loạt "gánh nặng" lên những người sở hữu và sử dụng xe, nhiều người đã bắt đầu e dè trong quyết định lựa chọn có nên mua xe hay không. Không những người có ý định mua xe, ngay cả một bộ phận người đang có xe cũng có ý định bán xe vì cảm thấy "choáng" trước viễn cảnh phí và lệ phí. Cụ thể đầu năm nay, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã quyết định tăng mạnh lệ phí trước bạ lên kịch trần 20% so với lần lượt 12% và 15% trước đó cho từng thành phố. Cùng với đó là một số loại phí và lệ phí khác như đăng ký biển số, trông giữ hay ôtô đi vào nội thành... khiến số tiền mà mỗi người sử dụng xe phải chi tăng lên khá mạnh. Hơn thế nữa, việc các cơ quan chức năng Hà Nội có chủ trương dẹp bỏ 230 bãi giữ xe ở các tuyến đường cũng làm cho nhiều người dân lo ngại không có chỗ đỗ xe. Được biết, trong nhiều năm qua Hà Nội luôn là thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất của cả nước.

Không dừng lại ở trên, sắp tới dự kiến sẽ có một loạt các khoản phải nộp mới dành cho các chủ sở hữu xe. Đó là phí bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐCP; và hai loại phí: lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm theo đề xuất mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải. Mặc dù tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải, đã chỉnh sửa mức thu phí và khẳng định là sẽ chưa thu hai loại phí này trong năm 2012, nhưng giới kinh doanh ôtô dự báo, thị trường tiêu thụ ôtô sẽ chưa thể thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm trong thời gian tới.

Trước tình hình này, VAMA đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kiến nghị hoãn, ngừng áp dụng các loại phí lưu hành ôtô. Hiệp hội này cho rằng, việc hạn chế sử dụng xe ôtô quá mức thông qua nhiều loại phí sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng như đối với các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này sẽ chỉ khiến các doanh nghiệp trong ngành nản lòng, không khuyến khích họ tiếp tục đầu tư mở rộng hoặc tìm hiểu các cơ hội đầu tư mới. Kết quả là trong dài hạn sẽ ảnh hưởng trở lại đến cán cân thương mại vì khi đó Việt Nam sẽ phải chi nhiều hơn cho việc nhập khẩu ôtô để bù đắp sản lượng thiếu hụt lớn trong nước.

Cũng theo VAMA, đánh mạnh vào phí, lệ phí để giải quyết ùn tắc giao thông chỉ là giải pháp tình thế. Trước nhu cầu phát triển kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng của cá nhân ngày một cao hơn sẽ khiến cho số lượng phương tiện sử dụng thực tế tăng lên qua các năm tới. Vì vậy, vấn đề cốt lõi để giải quyết ùn tắc là tập trung nghiên cứu một chiến lược đồng bộ và dài hạn về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông chứ không phải là các giải pháp manh mún, nhỏ lẻ và thiếu đồng bộ như hiện nay.

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều