Phân ngành kinh tế trong hệ thống ngân hàng

14:13 | 23/10/2015

Đối với ngành NH, việc phân bổ vốn tín dụng theo cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong từng thời kỳ là hết sức quan trọng, nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước đúng định hướng.

Với các TCTD, việc phân bổ tín dụng nếu quá dàn trải hoặc quá tập trung vào một số lĩnh vực nào đó trong cùng một thời điểm cũng dễ gây ra rủi ro.

Xuyên suốt hoạt động tín dụng của TCTD, từ việc ban hành chính sách, quản trị rủi ro tín dụng, báo cáo thống kê… đều dựa trên phân loại DN theo ngành kinh tế. Tuy nhiên, theo cách phân ngành hiện nay, các TCTD đang gặp một số vướng mắc.

phan nganh kinh te trong he thong ngan hang
Các khái niệm, mã hoá đồng nhất về phân ngành kinh tế sẽ là giải pháp cho các TCTD có quy định thống nhất trong toàn hệ thống

Phân ngành chưa phù hợp với NH

Hệ thống ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam (VSIC) được phân ngành từ năm 1993, đến năm 2007 thay đổi về cơ bản phù hợp với sự vận động, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, sát với tiêu chuẩn quốc tế, là chuẩn mực quan trọng trong các công tác thống kê, phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.

NHNN để quản lý hoạt động NH nói riêng và nền kinh tế nói chung luôn phải làm tốt công tác tổ chức thống kê và thu thập thông tin về kinh tế, tiền tệ và hoạt động NH. Theo đó, trong từng thời kỳ NHNN cũng đã chủ động thực hiện quy định của Chính phủ về phân ngành kinh tế thống nhất với hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

Gần đây nhất là Thông tư 31/2013/TT-NHNN đã tham chiếu phân ngành kinh tế bao gồm 21 ngành từ A đến U của VSIC 2007. Ngoài ra, NHNN còn quy định các TCTD thực hiện thống nhất phân ngành kinh tế đến cấp 5 trong quy định báo cáo thống kê áp dụng cho các đơn vị thuộc NHNN và các TCTD. Tuy nhiên, thực tế triển khai hoạt động NH, các TCTD đang gặp một số vướng mắc.

Thứ nhất, ngành cấp 1 của VSIC 2007 chưa phù hợp để các TCTD thực hiện phân ngành kinh tế. Việc đưa toàn bộ ngành nông -lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, vận tải kho bãi vào một ngành cấp 1 cho thấy cách theo dõi phân bổ vốn quá bao quát, đan xen dẫn đến rất khó để phân định ranh giới giữa các ngành này.

Mặt khác, một số ngành trong điều kiện của Việt Nam là chưa thực sự cần thiết phải quản lý vốn, như ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế…

Thứ hai, ngành kinh tế cấp 2, 3, 4 có kết cấu và nội dung phân tích chưa thật sự phù hợp trong hoạt động NH. Có nhiều ngành chỉ dừng lại ở cấp 2, không được chi tiết đến cấp 3 và 4. Có những ngành chỉ dừng lại ở cấp 1 nhưng lại có mã chi tiết đến tận cấp 5.

Các mã ngành cấp 3 chưa được sắp xếp theo tính chất và đặc điểm của từng hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ cùng một DN có thể làm từ khâu khai thác, nuôi trồng chế biến hải sản tuy nhiên cách phân ngành của Quyết định 10 lại đang tách ra thành 3 mã. Do đó, rất khó để hiểu và phân ngành kinh tế cho DN.

Thực tế trên 50% DN có đăng ký hoạt động kinh doanh bao phủ ở nhiều hơn một mã cấp 3 mà không thể đưa vào chi tiết được mã cấp 3 nào. Mặt khác, số liệu thống kê các DN vay vốn tại các TCTD có từ vài trăm đến vài nghìn DN, chỉ có những TCTD lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank mới có được dữ liệu của khoảng trên một nghìn DN trở lên trong một năm tài chính (từ 4 - 10 nghìn DN).

Như vậy, các TCTD không thể quản lý các DN đến từng tiểu ngành, và việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN để tính toán, thống kê như bộ chỉ số trung bình ngành sẽ gặp rất nhiều khó khăn...

Những bất cập

Vướng mắc trong phân ngành kinh tế như trên dẫn đến những bất cập trong thực trạng phân bổ và quản lý rủi ro tín dụng của các TCTD. Về phân bổ vốn theo ngành kinh tế, danh mục cho vay theo ngành trong các báo cáo cho vay thu nợ, báo cáo thông tin tín dụng, báo cáo thường niên… của các TCTD hiện nay đang rất khác nhau.

Điều này không những ảnh hưởng đến công tác thống kê của NHNN mà còn khiến cho các DN, nhà đầu tư rất khó để so sánh hiệu quả hoạt động, danh mục đầu tư vốn... của các TCTD.

Điển hình như khi lập báo cáo thường niên, phần thuyết minh báo cáo là phần được quan tâm nhất thì các TCTD hiện nay đang phân tích dư nợ cho vay theo các tiêu chí về ngành nghề rất khác nhau. Như VietinBank và Techcombank thì thống kê dư nợ theo 21 ngành cấp 1, trong khi Vietcombank, ACB lại chỉ thống kê đối với một số ngành nghề chính.

Agribank thì bỏ qua thống kê danh mục cho vay theo ngành nghề. Do đó, NHNN dưới góc độ cơ quan quản lý chưa có được thống kê chi tiết về dư nợ nền kinh tế theo ngành nghề tại báo cáo thường niên.

Vấn đề nữa là, các TCTD đang thực hiện phân ngành kinh tế khác nhau trong hệ thống xếp hạng tín dụng (XHTD) nội bộ. Trong khi hầu hết các TCTD lớn tại Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của XHTD, chủ động nghiên cứu triển khai nghiệp vụ XHTD trong hoạt động tín dụng.

Kết quả XHTD tại một số NH đã được sử dụng đề xuất cấp tín dụng và đưa ra chính sách lãi suất với khách hàng trên cơ sở chấm điểm tín dụng dựa trên tính chất tài sản bảo đảm, hạng rủi ro tín dụng của khách hàng, trong đó bao gồm cả mức độ rủi ro của ngành hàng.

Và để có thể phân định ngành kinh doanh của DN, ngay từ khâu thu thập thông tin, các TCTD đã phải xác định hoạt động chính của DN. Đặc trưng của mỗi ngành nghề khác nhau về chu kỳ kinh doanh, về triển vọng tăng trưởng, về mức vốn đầu tư, cơ cấu chi phí, khả năng sinh lời, khả năng cạnh tranh, sản phẩm thay thế...

Với những ngành nghề khác nhau thì đặc trưng của từng ngành đó là khác nhau, cho nên đối với các chỉ tiêu tài chính thì mỗi ngành cũng có những mức chuẩn khác nhau, có những ngành coi trọng chỉ tiêu này nhưng lại có những ngành coi trọng chỉ tiêu khác… Tuy nhiên, hiện nay ở các TCTD có cách phân ngành kinh tế chưa đồng nhất.

Vietcombank định nghĩa và phân loại lại thành 52 ngành kinh tế đối với DN. VietinBank cũng xây dựng một hệ thống XHTD và phân thành 34 nhóm ngành kinh tế. BIDV xây dựng một hệ thống XHTD và phân thành 37 ngành kinh tế. Agribank phân loại khách hàng DN theo 34 ngành kinh tế…

Như vậy, ngay từ bước đánh giá khách hàng đã chưa thực sự đồng nhất trong hệ thống XHTD của các TCTD. Các TCTD chưa đưa ra được tiêu chuẩn, phương pháp để tính toán các bộ chỉ tiêu trung bình ngành dẫn đến việc đánh giá phân loại nợ khách hàng theo định tính của các TCTD không đồng nhất, cho những kết quả khác nhau.

Cần những giải pháp

Ở góc độ điều hành của NHNN, việc quản lý hoạt động của các TCTD một cách hiệu quả, trong đó có việc đưa ra những công cụ quản lý thống nhất, như ban hành các văn bản có tính chất hướng dẫn, định hướng là vô cùng quan trọng.

NHNN cần phải xây dựng hệ thống phân ngành có tính chất bao quát, phản ánh mối quan hệ giữa các nguồn vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, NHNN không thể đưa ra những tiêu chí thống kê về ngành kinh tế quá dàn trải, tránh việc lãng phí và không tập trung.

Mặt khác, NHNN cũng không thể đưa ra những tiêu chí chung chung không có sự phân biệt. Việc đưa ra được yêu cầu phân ngành như thế nào phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý điều hành hoạt động của các TCTD.

Tuy nhiên, mỗi một TCTD lại có những đặc thù hoạt động khác nhau, chính sách tín dụng khác nhau, NHNN dưới góc độ tổng hợp dữ liệu, phân tích và quản lý cần có những nguyên tắc, định nghĩa về phân ngành kinh tế rõ ràng trong đó có các quy định về phân loại, nhóm gộp các ngành như thế nào là vô cùng quan trọng.

Do đó, NHNN cần có những nghiên cứu khảo sát dữ liệu cụ thể tại nơi có nguồn dữ liệu lớn, tập trung vốn của các TCTD từ đó làm căn cứ thống kê để đánh giá và đưa ra một quy định cụ thể hơn về phân ngành kinh tế cho các TCTD.

CIC là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc NHNN Việt Nam, thực hiện chức năng đăng ký tín dụng quốc gia; thu nhận, xử lý, lưu trữ, phân tích thông tin tín dụng; phòng ngừa, hạn chế rủi ro tín dụng; chấm điểm, XHTD và thể nhân trên lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho yêu cầu quản lý Nhà nước của NHNN; cung ứng sản phẩm dịch vụ thông tin tín dụng theo quy định của NHNN và của pháp luật.

CIC là đơn vị có những ưu điểm về dữ liệu, đồng thời cũng có các phân tích dữ liệu, đánh giá XHTD DN nên có cơ sở dữ liệu đủ lớn để phân tích cơ sở dữ liệu của các TCTD, từ đây đưa ra các nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống ngành kinh tế áp dụng riêng trong hoạt động NH.

NHNN cần có những nghiên cứu cụ thể xuất phát từ cơ sở dữ liệu hiện có tại CIC để đưa ra quy định cụ thể rõ ràng hơn, thuyết phục các TCTD sử dụng đồng bộ hệ thống phân ngành kinh tế đối với hoạt động NH. Từ đây, các khái niệm, mã hoá đồng nhất về phân ngành kinh tế sẽ là giải pháp cho các TCTD có quy định thống nhất trong toàn hệ thống.

Các TCTD cũng đồng thời cần có văn bản hướng dẫn chi tiết hơn để các chi nhánh chuẩn hóa trong cách hiểu và thực hiện nghiệp vụ phân tích và XHTD nội bộ cũng như báo cáo thông tin tín dụng trong toàn bộ hệ thống.

TS. Nguyễn Hữu Đương Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC)

Tags: #ngân hàng
Tin đọc nhiều