Pháp luật kinh doanh chịu nhiều “ràng buộc” từ hội nhập

08:06 | 09/11/2019

Theo các chuyên gia về hội nhập, pháp luật Việt Nam đang bị thu hẹp lại bởi các điều ước quốc tế. Điều đó tạo ra các giới hạn đối với việc mở rộng không gian chính sách cho các ngành sản xuất trong nước trong tương lai. Vì vậy, việc thiết kế chính sách trong thời gian tới cần được tiến hành cẩn trọng, cân nhắc tầm nhìn dài hạn.

Rào cản hội nhập “mọc” từ bên trong
Lỡ nhịp hội nhập vì thiếu hành lang pháp lý
phap luat kinh doanh chiu nhieu rang buoc tu hoi nhap
Để một ngành hàng được hưởng ngoại lệ, các ngành khác có thể phải trả giá

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các điều ước quốc tế theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia đã tạo ra trần trên, sàn dưới, và cửa sổ đối với pháp luật trong nước. Cụ thể, cam kết quốc tế là “sàn dưới” của pháp luật nội địa, do các quy định đặt ra tiêu chuẩn có tính định hướng bắt buộc cho pháp luật nội địa. Ví dụ quy định về quy tắc xuất xứ; thuế, phí nội địa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; mở cửa thị trường; bảo hộ đầu tư…

Ở góc độ khác, cam kết quốc tế cũng là trần trên của pháp luật nội địa. Theo đó, cam kết quốc tế đặt ra các giới hạn/tiêu chuẩn/yêu cầu tối thiểu mà pháp luật nội địa phải đáp ứng. Ví dụ định hướng pháp luật về tiêu chuẩn lao động; môi trường; mở cửa, tự do hoá (dịch vụ, đầu tư).

Đơn cử như CPTPP và EVFTA đều có cam kết không hạ thấp tiêu chuẩn môi trường hay lao động vì lợi ích thương mại. Như vậy dù không đặt ra các quy định cụ thể, nhưng FTA đặt ra định hướng tương lai không được hạ thấp tiêu chuẩn về môi trường hay lao động. “Điều đó nghĩa là pháp luật môi trường trong tương lai chỉ được phép khó khăn thêm so với những quy định mà chúng ta đặt ra ngày hôm nay”, bà Trang giải thích.

Hay cam kết mở cửa tự do hoá; trong CPTPP có cam kết một quốc gia có thể đặt ra một số điều kiện về mở cửa các ngành hàng, nhưng nếu một vài năm sau có thay đổi thì điều kiện mới phải dễ dàng, thuận lợi hơn so với điều kiện hiện tại chứ không được khó khăn hơn. Như vậy, trần pháp luật trong nước đã bị giới hạn ở chỗ không được phép đặt ra các quy định khó khăn hơn trong tương lai đối với NĐT nước ngoài trong việc gia nhập thị trường.

Ngoài việc đặt ra “trần trên, sàn dưới”, cam kết quốc tế còn dựng lên “cửa sổ”, thể hiện ở các quy định là cách thức thực hiện cho pháp luật nội địa. Theo đó, cam kết quốc tế đặt ra yêu cầu đối với quá trình soạn thảo, thực thi các quy định pháp luật nội địa. Ví dụ yêu cầu minh bạch trong quy trình soạn thảo pháp luật; yêu cầu minh bạch trong ban hành và có hiệu lực, như cách thức công bố, thời hạn tối thiểu trước khi có hiệu lực; yêu cầu minh bạch trong thực thi như công khai thông tin, đối thoại định kỳ…

Ví dụ khi soạn thảo văn bản pháp luật phải lấy ý kiến các đối tượng liên quan trong bao nhiêu ngày, hoặc đảm bảo từ khi ban hành đến khi có hiệu lực là bao nhiêu ngày, hay trong quá trình thực thi văn bản phải được công bố ở đâu, hướng dẫn như thế nào. Một vấn đề khác là cơ quan có thẩm quyền phải định kỳ đối thoại với DN và các đối tượng liên quan để thực thi cho tốt. Các quy định này giống như cửa sổ, cũng bị ràng buộc, giới hạn bởi các cam kết quốc tế.

Các chuyên gia về hội nhập đánh giá, pháp luật nội địa đang bị đặt trong khung khổ cam kết quốc tế và một số trường hợp còn bị định dạng bởi cam kết quốc tế. Nhìn ở góc độ tích cực, pháp luật Việt Nam có thể đi theo chuẩn mực xu hướng chung. Có những tiêu chuẩn mà thế giới đã nhận diện và chứng minh là tốt thì trong nước có thể thực hiện theo mà không phải tranh cãi nhiều. Bên cạnh đó, thông qua các yêu cầu, cam kết có liên quan, quá trình minh bạch trong thực thi sẽ làm quy định pháp luật tốt hơn, hiệu quả thi hành tốt hơn và quyền - lợi ích các bên được bảo vệ tốt hơn.

Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, không gian chính sách của Nhà nước và DN nội địa bị thu hẹp. Ví dụ gần đây các DN mía đường yêu cầu hoãn thực thi ATIGA và thực hiện các biện pháp bảo vệ thị trường trong nước. Cơ quan quản lý nhà nước dù nhận thấy yêu cầu đó là có cơ sở, song dù muốn bảo hộ cũng không được, vì đã có cam kết. Vì vậy, phải chấp nhận hội nhập, chấp nhận có hậu quả mới có thể giải quyết vấn đề của ngành hàng này.

“Cần chú ý rằng với tất cả cam kết thì luôn có ngoại lệ. Có điều nếu áp dụng thì một quốc gia phải giải trình, bởi bản thân các ngoại lệ đó cũng bị ràng buộc là phải trả giá. Ví dụ muốn bảo hộ một ngành thì cũng được thôi, nhưng sẽ phải chịu trừng phạt của các đối tác ở các ngành, lĩnh vực khác”, bà Trang cảnh báo.

Thời điểm hiện tại, chưa thể trả lời pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập hay chưa. Tuy nhiên bối cảnh đó cho thấy, pháp luật Việt Nam không tự do mà bị ràng buộc bởi nhiều cam kết. Vì vậy, quá trình soạn thảo chính sách không thể tuỳ tiện theo kiểu hôm nay sai thì mai sửa, vì việc sửa đổi cũng nằm ngoài tầm tay của cơ quan quản lý trong nước.

Ông Nguyễn Tiến Vỵ - Hiệp hội Bia – Rượu – nước giải khát Việt Nam khuyến nghị, để pháp luật Việt Nam sẵn sàng trong hội nhập, phải quan tâm vai trò các hiệp hội ngành hàng. Các DN phải tham gia từ khi manh nha đề xuất xây dựng chính sách, nghiên cứu đánh giá tác động chính sách để xem khi có hiệu lực thì chính sách tác động tới DN như thế nào. Vì hơn ai hết các DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp.

“Nếu để văn bản đã hình thành và xin ý kiến, rồi các ngành hàng mới tham gia thì rất khó sửa chữa. Họ phải tham gia từ bản sơ thảo ban đầu cho tới đóng góp ý kiến thẩm định, như vậy mới phù hợp thực tế”, ông Vỵ đề nghị.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng lo ngại khi gần đây một số cơ quan có ý định trình ra dự thảo luật theo quy trình tắt, không lấy ý kiến các bên liên quan, như vậy sẽ gây tác động tiêu cực rất lớn. Ông Tuấn cho rằng, quy trình soạn thảo văn bản pháp luật cần có đánh giá tác động chặt chẽ, mà ở đây chính các DN, hiệp hội, ngành hàng sẽ có cách tiếp cận và đánh giá tác động, cung cấp cách nhìn khách quan, định lượng cho cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều