Pháp luật thiếu đồng bộ, nhà đầu tư truân chuyên

13:00 | 23/10/2019

Chỉ chọn ra một góc trong các luật của Việt Nam với 20 ví dụ, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đã khái quát một bức tranh chồng chất các xung đột rất lớn về pháp luật từ khi dự án đầu tư ra đời, điều chỉnh cho đến khi kết thúc. Nhiều DN đang yên lành bỗng nhiên rơi vào bế tắc khi chính sách thay đổi đột ngột đẩy họ vào rủi ro pháp lý khiến họ chùn bước, ngay cả cơ quan quản lý cũng lúng túng...

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV dành hơn 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Rào cản hội nhập “mọc” từ bên trong
phap luat thieu dong bo nha dau tu truan chuyen
Pháp luật không được hiểu thống nhất cũng dẫn đến tình trạng thực thi khác nhau ở các địa phương...

Đơn cử về thủ tục đầu tư, Luật Nhà ở quy định, đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ. Điều đó có nghĩa, bất kỳ dự án xây dựng nhà ở nào cũng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án. Tuy nhiên, Luật Đầu tư lại quy định một số dự án đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án đầu tư (những dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%).

Vấn đề lựa chọn NĐT thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất càng trở nên phức tạp khi Luật Đất đai quy định các trường hợp đấu giá, không đấu giá đất; còn Luật Đấu thầu quy định các trường hợp đấu thầu lựa chọn NĐT. Nhưng giữa 2 luật không quy định rõ đối với một mảnh đất, trường hợp nào thì xác định chủ đầu tư theo hình thức đấu giá, trường hợp nào thì xác định theo hình thức đấu thầu. “Xung đột phức tạp này dẫn đến nhiều địa phương thực hiện cả hai loại này tạo ra thủ tục kinh khủng”, ông Tuấn cho biết.

Lại có những quy định khiến chính quyền địa phương lúng túng, không biết thực hiện như thế nào. Đơn cử Luật Đất đai quy định, HĐND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đặc dụng; Bộ, ngành cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại đảo, thị trấn ven biển. Trong khi đó Luật Đầu tư lại quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, không phân biệt loại đất được chuyển.

Hai quy định này đặt ra câu hỏi đối với Dự án có đề xuất chuyển mục đích dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha rừng phòng hộ, đặc dụng thì thẩm quyền thuộc UBND hay HĐND? Hay như đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích dưới 10 ha đất trồng lúa, dưới 20 ha rừng phòng hộ, đặc dụng tại đảo, thị trấn ven biển thì sẽ phải xin chấp thuận của bao nhiêu cơ quan: UBND, HĐND, bộ, ngành? Thủ tục nào trước?

Hay như căn cứ thu hồi đất của dự án đầu tư, Luật Đầu tư quy định là dự án bị chấm dứt sau 12 tháng mà NĐT không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư. Trong khi Luật Đất đai lại cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng sau khi đất (được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư) không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng…

Câu chuyện mà Việt Kiều Úc Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ là một điển hình về rủi ro pháp lý của DN trong quá trình hoạt động cũng như sự phức tạp trong quy trình thủ tục. Là NĐT sớm trở về Việt Nam từ năm 1992, hiện ông Mỹ đang điều hành 24 công ty gồm nhiều mô hình từ liên doanh, trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ phần… Song hiện hơn 10 công ty của ông đang bị tắc trong hoạt động, bởi vướng vào các quy định mới được ban hành. Điển hình như Trường đua chó, ngựa ở Hà Tĩnh.

Sau thành công trường đua chó Vũng Tàu, ông Mỹ đã đầu tư vào đây 5 triệu USD. 3 năm sau xây xong thì kế hoạch kinh doanh bị đảo lộn bởi Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá. Mặc dù DN có đầy đủ giấy phép đầu tư, giấy phép kinh doanh, có quy chế đua, dự thưởng… nhưng chỉ vì những giấy phép này thiếu hai chữ “đặt cược” theo Nghị định.

“DN, ngày đó có muốn xin cấp phép có ghi chữ “đặt cược” vào cũng không ai có thể ký vì chưa có nghị định”, ông Mỹ than thở.

Thế là để được hoạt động, DN phải xin lại giấy phép kinh doanh. Nhưng ngặt nỗi trong quy hoạch xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh không có điểm vui chơi giải trí. Ngày trước khi đăng ký đầu tư, DN xin quy hoạch của tỉnh, nhưng nay quy hoạch tỉnh do Thủ tướng duyệt. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh phải điều chỉnh quy hoạch trình Thủ tướng để bổ sung xã Xuân Thành có điểm vui chơi có thưởng.

Trước đó, dự kiến cuối năm 2019 sẽ trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch, nhưng thông tin mới đây là phải đến quý 1 năm sau mới trình và không biết bao giờ mới bổ sung được quy hoạch. “Trong khi đó đã 3 năm nay, trường đua nuôi 900 con chó, 100 con ngựa, sáng tắm, chiều tắm rồi cho ăn. Vấn đề này cực “ách tắc””, ông Mỹ than thở.

“Khi tôi trình bày vấn đề chồng chéo pháp luật ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN bảo không phải là câu chuyện “con gà và quả trứng” mà ở đây là “một đàn gà và một ổ trứng” với những quy định chồng chéo xoay vòng trong nhiều lĩnh vực tạo ra nhiều kinh phí thời gian và rủi ro vi phạm pháp luật cho DN. Và vì liên quan đến nhiều cơ quan cho nên DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra hơn và đình trệ hoạt động”, ông Đậu Anh Tuấn phân tích.

Chưa hết, tâm lý sợ sai sợ rủi ro không dám chịu trách nhiệm sẽ dẫn đến việc tăng cường xin ý kiến cấp trên, dồn việc lên Thủ tướng. Pháp luật không được hiểu thống nhất cũng dẫn đến tình trạng thực thi khác nhau ở các địa phương...

Để giải quyết bài toán này ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần phải rà soát đánh giá toàn diện pháp luật trong đầu tư kinh doanh. Thứ nữa là cần phối hợp thống nhất làm việc giữa ban soạn thảo các Luật: Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, PPP. “Nên duy trì giải pháp dùng một luật sửa nhiều luật, chứ chờ thì tình hình tắc nghẹn này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế”, ông Tuấn đề xuất. Về dài hạn, cần có những thiết chế lớn, cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, gác cổng. Việc soạn luật cần chuyên nghiệp độc lập tách rời ra khỏi cơ quan cấp phép.

“Tôi tin rằng, nếu khắc phục được tình trạng chồng chéo trong pháp luật kinh doanh thì cũng đã tạo ra động lực rất mạnh mẽ, rất quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam thời gian tới”, ông Tuấn kỳ vọng.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều