Phát triển bền vững: Vượt khỏi tư duy kinh doanh truyền thống

10:44 | 04/12/2019

Sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu đi một cộng đồng DN bền vững. Những DN đạt được danh hiệu “bền vững” chính là những DN đã vượt lên trên tư duy truyền thống, họ đã trụ vững trên thương trường, họ không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng.

“Giấy thông hành” để tiếp cận nhà đầu tư lớn

Tại Lễ công bố DN bền vững Việt Nam, đã có 106 DN tiêu biểu nhất được Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD vinh danh và trao tặng danh hiệu “DN phát triển bền vững năm 2019”.

Nói về giải thưởng này, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu thiếu đi một cộng đồng DN bền vững. Phát triển bền vững không còn là một tùy chọn, mà đã trở thành lựa chọn tất yếu cho mỗi quốc gia hay mỗi nền kinh tế, để thể hiện trách nhiệm với thế hệ mai sau.

“Có một câu hỏi là thế hệ con cháu sau này sẽ kế thừa điều gì từ chúng ta? Liệu có phải chúng ta sẽ để lại cho đời sau “rừng trọc, biển cạn”, nguồn nước ô nhiễm hay một bầu trời nhuốm màu xám khói bụi nếu chúng ta chỉ theo đuổi “nhanh” mà không bền vững, chỉ vì cái lợi trước mắt mà quên đi cái hại dài lâu?”, vị Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ những lời tâm huyết.

phat trien ben vung vuot khoi tu duy kinh doanh truyen thong
Phát triển bền vững phải gắn với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội

Cũng chính bởi vậy, xây dựng một cộng đồng DN phát triển bền vững là định hướng mà VCCI đã đặt ra từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc ghi nhận và tôn vinh những DN không chỉ biết làm giàu về kinh tế mà còn phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, “Danh hiệu DN phát triển bền vững là sự ghi nhận giá là “tấm giấy thông hành” để DN tiếp cận những nhà đầu tư lớn, những khách hàng trung thành và những cơ hội kinh doanh mới trong tương lai”, ông Thành nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch VBCSD, phát triển bền vững mở ra cho DN nhiều cơ hội lớn, trong đó nền kinh tế tuần hoàn.

Lan toả mô hình kinh tế tuần hoàn

Đáng nói hơn là Chương trình CSI và danh hiệu DN phát triển bền vững đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và sức lan tỏa nhất định trong cộng đồng DN và đã truyền cảm hứng cho cộng đồng quan tâm hơn đến phát triển bền vững.

Heineken Việt Nam là một ví dụ. Trong 75 DN phát triển bền vững xuất sắc nhất trong lĩnh vực sản xuất vừa được tôn vinh, Heineken Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3. Đây là năm thứ tư liên tiếp Heineken Việt Nam nhận được danh hiệu này vì những nỗ lực liên tục trong phát triển bền vững đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Góp phần bảo vệ hành tinh, Heineken Việt Nam sử dụng năng lượng tái tạo, đã giảm mức tiêu thụ nước và đạt đến hầu như không chất thải chôn lấp trong sản xuất với 99% chất thải và phụ phẩm từ sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế. Đóng góp để duy trì sự thịnh vượng ở Việt Nam, Heineken Việt Nam đã hỗ trợ 166.000 cơ hội việc làm và đóng góp gần 1% tổng GDP của Việt Nam năm 2018.

Chia sẻ câu chuyện thành công và kinh nghiệm, ông Jacco Van der Linden – Tổng Giám đốc Điều hành Heineken Việt Nam cho biết: “Phát triển bền vững luôn là trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi”. Cách tiếp cận với phát triển bền vững của Heineken toàn cầu cũng như tại Việt Nam là bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm và nỗ lực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử cho mô hình kinh tế tuần hoàn là chương trình tái chế nắp chai bia làm vật liệu xây 2 cầu tại tỉnh Tiền Giang và An Giang. Cây cầu thứ ba đang được triển khai tại TP.Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành vào đầu năm 2020.

Điển hình thứ hai là Unilever Việt Nam đứng ở vị trí thứ 10 nhóm DN bền vững nhất lĩnh vực sản xuất và cũng đã liên tiếp 4 năm được vinh danh. Cam kết của Unilever trong suốt 24 năm có mặt tại Việt Nam là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, và đóng góp tích cực cho xã hội và không ngừng gia tăng giá trị xã hội tích cực.

Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững & Đối ngoại của Unilever Việt Nam cho biết, từ năm 2010 DN này đã tiên phong triển khai Kế hoạch Phát triển bền vững với 3 mục tiêu chính: Cải thiện sức khoẻ và điều kiện sống cho hơn 20 triệu người dân Việt Nam; Giảm một nửa tác động đến môi trường liên quan đến việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm của Unilever; Nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người dân Việt Nam. DN này đã triển khai rất nhiều dự án như Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn…

Để giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo Unilever dùng lò hơi sinh khối sử dụng vỏ trấu. Từ năm 2015, 100% năng lượng điện sử dụng trong hoạt động sản xuất đều đạt chuẩn “Tín chỉ Năng lượng tái tạo”. Unilever Việt Nam đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào quỹ Tài chính Vi mô, giúp hơn 46.000 hộ gia đình vay vốn để phát triển kinh tế hộ với tổng số phát vốn lên tới 320 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào “Xây dựng Nông thôn mới”, DN này đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác công tư xây dựng mô hình “Làng hoàn hảo” tại hơn 2.400 làng, xã…

Các kinh nghiệm hoạt động của những DN tiên phong phát triển bền vững, và việc vinh danh các DN bền vững đã góp phẩn để hình ảnh và sản phẩm của DN Việt Nam có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, lan tỏa các hoạt động phát triển bền vững trong cộng đồng. “Chúng ta vẫn phải đấu tranh giữa kinh doanh, đầu tư và sản xuất với bảo vệ môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết tốt sự xung đột này. Nền kinh tế phi rác thải và bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích các DN đưa ra các công nghệ sáng tạo, đầu tư để đưa ra công nghệ tốt và hóa thân vào mô hình kinh doanh. Đó là nhiệm vụ của DN”, Phó Chủ tịch VBCSD phát biểu.

Ngọc Linh

Tin đọc nhiều