Chuyển phí thành giá: Kỳ vọng vào sự thay đổi nhận thức | |
Đừng sợ tư nhân hóa | |
Người dân cần tham gia từ ý tưởng |
Công nghệ đang dần trở thành công cụ đắc lực để giải quyết các nút thắt của xã hội, giúp giảm tải vấn nạn ách tắc, giảm chi phí. Một trong những vấn đề được đem ra bàn thảo nhiều những năm gần đây đó là sự tham gia của ngành NH nhằm gợi mở chuẩn công nghệ cho giải pháp thanh toán điện tử lĩnh vực công, có thể liên thông các dịch vụ công cộng khác, tránh lãng phí cho xã hội.
Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank thì “chúng ta đang có những lợi thế tương đối tốt để đẩy mạnh khả năng liên thông thanh toán dịch vụ công và các dịch vụ xã hội khác tại Việt Nam”. Yếu tố đầu tiên thúc đẩy cho tiến trình này phải kể tới chính sách của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được ban hành từ năm 2001. Cuối năm 2016, Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
NH tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển thanh toán phục vụ dịch vụ công |
Có thể nhận thấy, các hoạt động TTKDTM, đặc biệt là thanh toán trong các dịch vụ công luôn được Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. Thứ hai là nhu cầu xuất phát từ phía người dân - những khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán. Tới cuối năm 2016, theo số liệu được NHNN công bố, 111 triệu thẻ thanh toán được phát hành cho các khách hàng cá nhân. Số liệu này cho thấy tiềm năng lớn và tính thích ứng của khách hàng trong sử dụng các dịch vụ thanh toán.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ, giải pháp thanh toán của các NH và các tổ chức tài chính tương đối mở, sẵn sàng kết nối với các đơn vị phục vụ hoạt động thanh toán. Hiện các NH đang tích cực mở rộng kết nối thanh toán tới nhiều lĩnh vực của đời sống như y tế, giáo dục, du lịch, hoạt động hành chính công... Trên thực tế, khả năng kết nối thanh toán liên NH hiện đã thông suốt và nhanh chóng hơn, góp phần xoá bỏ rào cản dịch vụ của các NH khác nhau.
Đơn cử, từ tháng 4/2010, hệ thống thanh toán điện tử liên NH (IBPS) của NHNN với hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã được triển khai kết nối. Cho tới nay, việc kết nối giữa hai hệ thống thanh toán cơ bản được vận hành ổn định, hiệu quả, thanh toán thông suốt và nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu thanh toán của KBNN, giảm tải xử lý giao dịch thủ công.
Để đáp ứng yêu cầu về nộp thuế điện tử, NHNN đã phối hợp với Tổng cục Thuế và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính khảo sát hệ thống công nghệ thông tin tại những đơn vị này để nghiên cứu giải pháp nâng cấp hệ thống IBPS đáp ứng việc trao đổi thông tin thu, nộp thuế cho ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan điều hành cũng phối hợp với Tổng cục Thuế nghiên cứu, cải tiến giải pháp trao đổi thông tin, dữ liệu thuế điện tử theo hướng chia sẻ dữ liệu thuế điện tử giữa cơ quan Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước - NHTM thông qua việc sử dụng mã hiệu giao dịch trên các lệnh thanh toán.
NHNN cũng đã chỉ đạo các NHTM tiếp tục chú trọng và tăng cường đa dạng hoá các dịch vụ thanh toán, tạo nhiều kênh thu, nộp thuế; gia tăng tiện ích và thuận lợi cho DN cũng như người nộp thuế. Tính tới nay, đã có 43 NHTM tham gia triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử cho DN. Các NH đã đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đảm bảo việc truyền nhận dữ liệu thường xuyên thông suốt, liên tục với Tổng cục Thuế.
Việc phối hợp giữa Tổng cục Thuế và các NHTM trong triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử là bước phát triển quan trọng để đơn giản hoá thủ tục hành chính, góp phần giúp DN giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian.
Với việc thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông, các NHTM cũng đã và đang có những sự tham gia vô cùng tích cực. Phó Tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ: VietinBank là đơn vị được Bộ Giao thông-Vận tải giao thực hiện Dự án thu phí tự động không dừng liên trạm thanh toán qua NH công nghệ RFID (công nghệ định danh bằng tần số sóng vô tuyến) đối với các trạm thuộc khu vực miền Trung và miền Nam (do NH này tài trợ vốn) theo hình thức hợp đồng BOO. Đến nay, NH đã thực hiện thành công tại 23 trạm thu phí trên toàn quốc. VietinBank cũng dự kiến đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành triển khai tại 43 trạm.
Hay như BIDV cũng được Bộ Giao thông-Vận tải giao làm đơn vị đầu mối cùng với Tasco triển khai thí điểm dự án thu phí đường bộ không dừng và kiểm soát tải trọng xe theo công nghệ mới trên quốc lộ 1 và quốc lộ 4. Tháng 3/2015, BIDV và Tasco đã triển khai kiểm thử thành công công nghệ thu phí RFID tại trạm thu phí Tasco Quảng Bình. Đây là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hoá hệ thống giao thông thông minh của Việt Nam khi đưa vào vận hành chính thức.
Với vai trò NH đầu mối thanh toán, ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV cũng chia sẻ: BIDV đã hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối thanh toán giữa trung tâm thu phí không dừng (ETC) và NH. Qua đó đảm bảo cho khách hàng có thể thực hiện việc triển khai nạp tiền vào tài khoản thu phí giao thông của mình qua tất cả các kênh NH truyền thống cũng như NH hiện đại như internet, mobile, ATM... tạo tối đa thuận lợi cho các thượng đế. Theo vị này, việc áp dụng công nghệ ETC là sự lựa chọn phù hợp trong điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam. Đồng thời là biện pháp hiệu quả để giải quyết bài toán hiện đại hoá hệ thống giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Minh Khuê