Phát triển ngân hàng số: Cuộc chạy đua công bằng |
Trở mình mạnh mẽ nhờ công nghệ
2021 là năm khởi đầu giai đoạn 2021-2025, với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, bao gồm 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
"Khối tài chính và ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong trụ cột kinh tế số", ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đánh giá. "Dòng tiền là mạch máu của doanh nghiệp và các tổ chức ngân hàng, tài chính là trái tim của chuyển đổi số”.
Vì vậy, với vai trò và xứ mệnh của mình, nhiều ngân hàng đã sớm chú trọng đến chuyển đổi số và coi đây là trọng tâm phát triển. Nhờ đó, ngân hàng đã có sự trở mình mạnh mẽ cả về doanh thu và thương hiệu trên thị trường.
Đơn cử như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), năm 2012 - thời điểm trước tái cơ cấu, TienPhongBank (tên gọi trước của TPBank) hoạt động chưa nổi trội trên thị trường. Vì vậy, ban lãnh đạo ngân hàng đã quyết định tái cơ cấu theo hướng là ngân hàng tiên phong về công nghệ, tạo sức hút, có định hướng phát triển ổn định bền vững.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, Ngân hàng đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ và ngân hàng số.
"Chiến lược đầu tư này không chỉ đơn thuần để mang về hiệu quả kinh tế mà còn ấp ủ những tâm huyết lớn lao hơn. Đó là nỗ lực mang lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho khách hàng, gắn kết với người dùng và đem đến những dịch vụ ngân hàng hiện đại không thua kém thế giới", ông Nguyễn Hưng nói.
Nhờ đó, kết thúc năm 2020 - năm dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, tổng tài sản của TPBank vẫn đạt 206.316 tỷ đồng, vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng. Các máy LiveBank của Ngân hàng xử lý hơn 7 triệu giao dịch, nâng tổng số khách của TPBank lên 3,6 triệu.
Cũng theo đuổi chuyển đổi số, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã xây dựng kế hoạch này cho giai đoạn 10 năm 2018-2028. Cuối năm 2020, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã trình làng ứng dụng ngân hàng số LienViet24h, được nghiên cứu và phát triển trên cơ sở hợp nhất các nền tảng online bao gồm: thẻ phi vật lý Ví Việt, ngân hàng số (Internet Banking & Mobile Banking) và các dịch vụ thẻ, nhằm cung cấp nhiều tiện ích vượt trội mà khách hàng không cần trực tiếp đến điểm giao dịch, giúp tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng triển khai ngân hàng số như Vietcombank ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank; BIDV phát động Chiến dịch chuyển đổi số; VietinBank triển khai ứng dụng VietinBank iPay Mobile 5.1; VPBank cũng ra mắt ngân hàng số Yolo sau mô hình Timo...
Nhờ sự trở mình mạnh mẽ của ngân hàng số, xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, so với cách đây 5 năm, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng gấp 3 lần; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 10 lần. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu thu, chi của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời...
Cuộc cạnh tranh công bằng
Theo báo cáo Fintech và ngân hàng số 2025 do nền tảng ngân hàng kỹ thuật số Backbase và Công ty nghiên cứu thị trường IDC phối hợp thực hiện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 8 ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam đã xác định ngân hàng lõi (core banking) và hiện đại hóa hệ thống thanh toán là 2 ưu tiên hàng đầu, với kỳ vọng tăng trưởng 50% lượng tài khoản mới bằng cách sử dụng tự động hóa thông minh trong khởi tạo tài khoản.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đối với lĩnh vực quan trọng như tài chính, chạy đua áp dụng công nghệ cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận những thách thức không nhỏ trong vận hành hệ thống, đặc biệt là vấn đề bảo mật.
Bên cạnh đó, phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang cho thấy một thực tiễn công bằng: vị thế và hiệu quả phụ thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, nỗ lực đầu tư và cách làm chứ không hẳn dựa vào những lợi thế đặc thù hay quy mô, tầm cỡ.
Điều quan trọng nhất quyết định thành công khi thực hiện chuyển đổi số đối với ngân hàng hay bất kỳ một doanh nghiệp, tổ chức nào là ở sự sẵn sàng về phương diện lãnh đạo và sẵn sàng về phương diện tổ chức; trong đó cần nhất là sự quyết tâm của người lãnh đạo và sự đồng tâm vào cuộc của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi, theo ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.
"Ngành Ngân hàng vẫn sẽ là ngành tiên phong áp dụng công nghệ trong hoạt động chuyển đổi số trong thời gian tới. Điều này cũng tạo ra chính áp lực cho ngân hàng. Vì vậy, nói đến giải pháp thì có rất nhiều nhưng quan trọng vẫn là cách lựa chọn đường đi", ông Trường nói.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập hoạt động thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, thanh toán dịch vụ công được đặc biệt quan tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của từng ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. |
Hương Giang