Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Đột phá mới trong sản xuất

16:12 | 20/04/2012

Việt Nam là nước có nền nông nghiệp đa dạng, phong phú nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, tuy nhiên phương thức sản xuất còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún.

Để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đến năm 2020 nhằm tạo ra những đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Đề án, đến năm 2020, mỗi tỉnh nước ta có ít nhất 10 doanh nghiệp, 10 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1-2 khu NNCNC, góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Với 4 tiêu chí chung cho công nghệ cao trong nông nghiệp, bao gồm các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, về tiêu chí kỹ thuật là có trình độ công nghệ tiên tiến được tạo ra trong nước hoặc nhập từ nước ngoài để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất tăng ít nhất 30% và chất lượng vượt trội so với công nghệ đang sử dụng. Với tiêu chí kinh tế thì sản phẩm do ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tạo ra có hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 30% so với công nghệ đang sử dụng và có sức cạnh tranh trên thị trường.

Ảnh: MH
trên địa bàn cả nước đã bước đầu hình thành một số mô hình NNCNC.
(Ảnh: MH)

Theo Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được chú trọng. Một số công nghệ tiên tiến được phát triển phục vụ sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ di truyền tạo cá rô đơn tính... Việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hóa một số sản phẩm nông nghiệp đã được thực hiện tại một số doanh nghiệp ở các địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, trên địa bàn cả nước đã bước đầu hình thành một số mô hình NNCNC. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh hình thành dự án đầu tư xây dựng khu NNCNC đa chức năng, với quy mô gần 90 ha để nghiên cứu công nghệ, trình diễn công nghệ và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y và thủy sản. Hay như mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, cá tra sạch tại Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển NNCNC còn nhiều hạn chế. Hiện cả nước mới chỉ có 3 doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao là Công ty Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt, Công ty TNHH Agrovina (Dalat Hasfarm) và Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH. Đáng chú ý, Công ty Dalat Hasfarm ứng dụng công nghệ của Hà Lan để trồng hoa hồng, cúc, đồng tiền, lyly cho hiệu quả kinh tế cao gấp 20-30 lần so với trồng hoa thông thường.

Theo ông Nguyễn Tấn Hinh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện chưa có nhiều mô hình NNCNC có hiệu quả có thể áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình NNCNC thời gian qua còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương chưa có kế hoạch cụ thể để quy hoạch và xây dựng các vùng NNCNC. Nguyên nhân là do thiếu hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ liên quan đến phát triển NNCNC làm căn cứ cho các địa phương triển khai. Trong khi đó, kinh phí và nhân lực phục vụ cho nghiên cứu, nhập khẩu phát triển NNCNC còn thiếu và yếu. Bất cập hiện nay là trong khi các khu công nghiệp, khu đô thị được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, điện, giao thông… thì phát triển khu NNCNC lại chưa có cơ chế hỗ trợ tương tự. Điều này làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư từ phía các doanh nghiệp. Từ những bất cập trên, ông Nguyễn Tấn Hinh cho rằng, chúng ta nên khuyến khích những công nghệ cao vừa đi vào những sản phẩm có tính hàng hoá lớn, tập trung như vùng vải, thanh long, cà phê, thuỷ sản xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, phát triển NNCNC không chỉ giúp nâng cao năng suất, giá trị nông sản mà còn góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Do đó, để chương trình sớm đi vào cuộc sống, ngành nông nghiệp cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật chặt chẽ về vấn đề này. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ thích đáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư, nhất là về thuế và đất đai.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, NNCNC là một chương trình quan trọng và rất phức tạp, do đó không thể quy hoạch tràn lan mà phải lựa chọn các vùng có điều kiện thuận lợi nhất. Trước hết, mỗi tỉnh sẽ làm một khu, chọn lựa và tập trung vào các sản phẩm chủ lực. Tập trung làm từng bước, có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể đồng loạt triển khai tràn lan. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút chỉ đạo xây dựng quy hoạch tổng thể khu NNCNC và vùng NNCNC trình Thủ tướng phê duyệt, dự kiến đến ngày 1/6 năm nay sẽ hoàn thành.

Thành Trung

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều